(KTSG Online) - Qua giám sát khu dân cư đô thị Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai ngày 16-5, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận ý kiến của người dân về hạ tầng, nước thải gây ô nhiễm và chưa được cấp sổ đỏ. Đoàn giám sát yêu cầu các sở ngành liên quan trả lời trước dư luận về tính pháp lý của dự án và đề nghị thanh tra toàn diện dự án này.
- Đồng Nai xử lý hàng chục cơ sở sản xuất vi phạm đất đai, xây dựng
- Đồng Nai: Nhiều dự án hạ tầng chậm tiến độ do vướng mặt bằng
Theo cổng thông tin UBND tỉnh Đồng Nai, dự án khu dân cư A1-C1 khu đô thị Dầu Giây được UBND tỉnh cho phép Công ty TNHH đầu tư Phú Việt Tín đầu tư với tổng diện tích hơn 93 héc-ta.
Dự án sau 11 năm nhưng mới cơ bản hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, 2 và 3 với tổng diện tích khoảng 53 héc-ta, phần còn lại đơn vị thi công chưa triển khai thực hiện do chưa được UBND tỉnh Đồng Nai gia hạn, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Điều này dẫn đến vướng mắc các thủ tục đầu tư hạ tầng giai đoạn 4, 5, 6 nên chưa thể bàn giao quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội lại cho địa phương và thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Dự án cũng không đầu tư được khu xử lý nước thải, các công trình hạ tầng xã hội khác theo quy hoạch, xuống cấp và gây ô nhiễm nghiêm trọng khu vực.
Ngoài ra, người dân đã không thể xây dựng nhà cửa, kinh doanh, buôn bán dù đóng tới 95% giá đất cho nhà đầu tư, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Giải trình với đoàn giám sát, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, do UBND tỉnh có ý kiến yêu cầu làm rõ đất ở dự án này có phải đấu giá không, nên sở đã dừng cấp hơn 1.600 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có ý kiến kết luận về đất của Tổng công ty Cao su, họ được tự đầu tư, góp vốn với Công ty Phú Việt Tín để làm dự án.
TTXVN đưa tin, trao đổi với UBND tỉnh và UBND huyện Thống Nhất, đoàn giám sát đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, nếu không vướng mắc về thủ tục thì khẩn trương gia hạn dự án, tháo gỡ cho doanh nghiệp để Phú Việt Tín tiếp tục thực hiện dự án, sớm cấp sổ đỏ và người dân được thực hiện quyền mua bán, giao dịch.
Đề nghị UBND huyện Thống Nhất tổ chức họp ngay, phân tích, giải thích với dân. Bởi dân khiếu kiện nhiều vì không hiểu đúng bản chất và không được giải thích cặn kẽ. Đồng thời, đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ thêm tính pháp lý của dự án nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp và người dân.
Đoàn giám sát cũng cho biết qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, cử tri phản ánh dự án khu dân cư đô thị Dầu Giây có nhiều vấn đề bức xúc, cần xem xét. Vì thế HĐND tỉnh Đồng Nai sẽ kiến nghị Thanh tra Chính phủ thanh tra về việc Tập đoàn Cao su Việt Nam cho Tổng công ty Cao su Đồng Nai góp vốn làm dự án. Kiến nghị Thanh tra Nhà nước tỉnh Đồng Nai thanh tra toàn diện dự án để giải quyết quyền lợi của người dân, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.