Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kiến nghị thay đổi cách quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiến nghị thay đổi cách quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

Ngọc Hùng

Kiến nghị thay đổi cách quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm
Chế biến tôm sú ở một doanh nghiệp thủy sản. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cần thay đổi cách quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu hiện nay bằng một cách làm khác hợp lý và có hiệu quả hơn.

Tại hội nghị bàn biện pháp thay đổi chính sách kiểm soát an toàn thực phẩm hàng thủy sản xuất khẩu do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức ngày 2-5 tại TPHCM, các doanh nghiệp đưa ra 4 kiến nghị cần thay đổi trong thời gian tới với Bộ NN&PTNT.

Theo Vasep, lâu nay, đơn vị kiểm nghiệm an toàn thực phẩm vừa là thanh tra an toàn thực phẩm nên chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi. Do đó, ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp nên đã có những thanh tra viên “làm tiền” doanh nghiệp để cấp chứng nhận đạt an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp.

Vì thế, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Vasep, kiến nghị cần tách thanh tra và đơn vị kiểm nghiệm an toàn thực phẩm ra làm hai bộ phận riêng biệt.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Đà Nẵng cũng cho rằng, thanh tra chỉ là thanh tra, tránh trường hợp vừa thanh tra vừa là người kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

"Thanh tra phải làm việc theo quy định, quy chuẩn mà Bộ NN&PTNT đưa ra để tránh tình trạng làm khó dễ doanh nghiệp như hiện nay", ông Lĩnh nói.

Hiện Mỹ là thị trường chưa cần chứng nhận an toàn thực phẩm (chứng thư xuất khẩu) cho lô hàng thủy sản nhưng doanh nghiệp vẫn phải chi ra một số tiền để đăng ký song lại không sử dụng cho các đơn hàng xuất khẩu.

Do đó, kiến nghị mà doanh nghiệp đưa ra với Bộ NN&PTNT là khi xuất khẩu vào thị trường nào thì đăng ký chứng thư xuất khẩu vào thị trường đó. Trong khi đó, châu Âu là thị trường yêu cầu doanh nghiệp phải có chứng thư xuất khẩu đối với mặt hàng thủy sản.

Theo ông Phan Thanh Chiến, Tổng giám đốc Công ty Hải Việt (Vũng Tàu) trung bình mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 40 container hải sản và chi phí kiểm tra an toàn thực phẩm khoảng 1,8 tỉ đồng/năm. Theo vị giám đốc này, doanh nghiệp ông ở hạng A nên được miễm kiểm tra kháng sinh lô hàng nhưng để lấy được giấy miễn kiểm tra, công ty phải mất rất nhiều thời gian.

“Để lấy một giấy miễn kiểm, chúng tôi phải để hai nhân viên đi lấy giấy trong một ngày. Vậy tại sao Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) không cấp giấy miễn kiểm tra có thời gian 6 tháng thay vì một tháng như hiện tại”, ông nói.

Một điều khiến doanh nghiệp thủy sản bức xúc nữa là việc cảnh báo dư lượng kháng sinh bị cấm còn “lệch pha” so với thị trường thế giới. Cụ thể, kháng sinh enrofloxacin và ciprofloxacin đã bị Nhật cấm từ năm 2007 nhưng phải 5 năm sau (nghĩa là đến 16-1-2012) Bộ NN&PTNT mới có lệnh cấm sử dụng những chất này trong nuôi trồng thủy sản.

Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu sang Nhật trong thời gian qua. Vì thế, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để tránh gặp phải trường hợp bị chậm trễ nói trên thì Bộ NN&PTNT cần cập nhật những thông tin mới nhất về an toàn thực phẩm từ các nước có nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần ban hành những quy định hướng dẫn thực hiện cho phù hợp với yêu cầu từ các nước nhập khẩu ngay sau đó.

Năm 2011, theo Vasep thì có 140 lô hàng thủy sản xuất đi Nhật bị cơ quan thẩm quyền của Nhật cảnh báo, trong đó, có 106 lô hàng (75,6%) bị phát hiện kháng sinh cấm như trifluralin, 26 lô hàng bị cảnh báo do các chỉ tiêu khác như vi sinh, tạp chất (24,3%).

Thực tế là các nhà máy chế biến thủy sản không sử dụng trifluralin hoặc kháng sinh trong quá trình chế biến mà nguyên nhân gây nhiễm các chỉ tiêu này là đến từ khâu nuôi trồng, khai thác, thu mua nguyên liệu.

Các doanh nghiệp chỉ có thể kiểm soát đầu vào bằng cách kiểm tra 100% sản phẩm trước khi xuất khẩu. Còn khâu nuôi trồng, khai thác, thu mua đang bị bỏ trống. Đây chính là nguyên nhân khiến thủy sản Việt Nam gặp phải lệnh kiểm tra kháng sinh 100% lô hàng tôm trước khi xuất vào Nhật năm 2011.

Vasep cho rằng, Bộ NN&PTNT sớm ban hành quy định về quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn để giúp doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản không đối diện với việc lô hàng bị trả về từ Nhật như năm 2011.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới