Kim cương nhân tạo Trung Quốc giá rẻ đe dọa kim cương tự nhiên
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Nhờ nguồn cung giá rẻ và dồi dào từ Trung Quốc, thị phần kim cương tổng hợp (kim cương nhân tạo) trên toàn cầu đang tăng nhanh, đe dọa làm đảo lộn thị trường trang sức kim cương tự nhiên béo bở.
Trung Quốc đang nắm giữ 56% thị phần kim cương nhân tạo của thế giới. Ảnh: SCMP |
Công nghệ đã tạo ra những sự thay đổi lớn trong lĩnh vực thuốc men, ô tô, ngân hàng và nhiều các lĩnh vực khác. Giờ đây, công nghệ cũng đang đe dọa tạo ra những cơn rung chấn trong ngành khai thác kim cương tự nhiên vốn nằm dưới dự kiểm soát của 4 công ty khai khoáng đang nắm giữ 60% sản lượng kim cương của thế giới, theo hãng tư vấn Bain & Company (Mỹ).
Mối đe dọa này xuất hiện khi Trung Quốc tận dụng kiến thức công nghệ để vươn lên trở thành nhà sản xuất kim cương nhân tạo lớn nhất thế giới. hiện nước này đang nắm giữ 56% thị phần kim cương nhân tạo chất lượng cao, vượt xa thị phần 15% của Ấn Độ, nhà sản xuất kim cương nhân tạo lớn thứ hai thế giới.
Nhà phân tích ngành kim cương Paul Zimnisky ở New York cho biết, kim cương nhân tạo mới chỉ chiếm 3,5% thị phần trang sức kim cương của thế giới nhưng tỉ lệ này có thể tăng lên 6% trong 4 năm tới và thậm chí còn tăng cao hơn sau đó.
Kim cương tự nhiên được hình thành từ carbon tiếp xúc với áp suất và nhiệt độ cực lớn ở độ sâu 150-250km dưới lòng đất cách đây chừng 1-3 tỉ năm, sau đó “trồi” dần lên tầng bề mặt của trái đất do các hoạt động của núi lửa.
Trong khi đó, kim cương nhân tạo được tổng hợp theo 2 phương pháp chính. Phương pháp cao áp cao nhiệt (High pressure, High temperature) sử dụng nhiệt độ và áp suất cực kỳ cao nhằm tái tạo môi trường giống như môi trường tái tạo kim cương trong lòng đất để “nuôi” các mầm kim cương (các hạt kim cương tự nhiên nhỏ) lớn lên.
Phương pháp bốc hơi lắng tụ hóa học (Chemical Vapor Deposition) sử dụng sự bốc hơi hóa học của hợp chất khí carbon dưới tác động của tia nhiệt plasma tạo sự phân chia phân tử khí cho đến khi chỉ còn lại nguyên tử carbon lắng tụ và phát triển trên mầm kim cương có sẵn.
“Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất Trung Quốc đã nâng cấp thiết bị để sản xuất những viên kim cương tổng hợp lớn hơn và có chất lượng tốt hơn sử dụng làm trang sức. Trung Quốc có sẵn hạ tầng cho phép mở rộng quy mô sản xuất các viên kim cương tổng hợp chất lượng cao nhờ các thiết bị cao áp cao nhiệt được nâng cấp”, Zimnisky nói.
Điều này đang áp đặt mối đe dọa nghiêm trọng đối với các công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới. Zimnisky cho biết cách đây 5 năm, kim cương nhân tạo chỉ rẻ hơn 10% so với kim cương tự nhiên nhưng giờ đây, đã rẻ hơn khoảng 50% và thậm chí có thể rẻ hơn đến 90% trong 5 năm tới.
Một viên kim cương được sản xuất trong phòng thí nghiệm. Ảnh: theneweconomy.com |
Georgette Boele, nhà phân tích thị trường kim cương và kim loại quý ở Ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan) viết trong một báo cáo hồi tháng 1: “Công nghệ đang phát triển nhanh chóng, giúp các nhà sản xuất kim cương trong phòng thí nghiệm không chỉ có thể sản xuất những viên cương lớn hơn mà còn có màu sắc và độ sáng tốt hơn. Dường như thị trường đang đón nhận kim cương nhân tạo với mức độ cao hơn khi cảm nhận rằng kim cương sản xuất trong phòng thí nghiệm bền vững hơn và có giá bán hấp dẫn hơn”.
Vấn đề “bền vững” đang dần trở thành một lợi điểm bán hàng lớn cho các viên kim cương được sản xuất trong phòng thí nghiệm. Giới trẻ có xu hướng chuộng những viên kim cương được sản xuất từ các mỏ khai thác tôn trọng quyền lợi người lao động và môi trường hoặc được sản xuất từ các phòng thí nghiệm.
Ngành công nghiệp khai thác kim cương từng là mục tiêu của làn sóng chỉ trích nặng nề vì những tác động cho môi trường với nhiều trường hợp tử vong của công nhân mỏ do không được bảo đảm các điều kiện an toàn lao động. Thuật ngữ “kim cương máu” cũng thường được sử dụng để ám chỉ đến những viên kim cương được khai thác từ các khu vực xung đột ở châu Phi và được đem bán để có nguồn tài chính phục vụ cho các cuộc xung đột và chiến tranh.
Nhà sản xuất kim cương tổng hợp Huanghe Whirlwind International ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) sử dụng cụm từ “tính bền vững” như là một phần của chiến lược tiếp thị. Huanghe Whirlwind International nói rằng, những viên kim cương nhân tạo do công ty này sản xuất là “sự lựa chọn hoàn hảo cho những người đang tìm cách giảm thiểu tác động môi trường từ hoạt động mua bán trang sức đá quý vì chúng không liên quan đến các hoạt động khai mỏ và các cuộc xung đột”.
Trong khi đó, các nhà sản xuất kim cương truyền thống đang nỗ lực chống trả mối đe dọa của kim cương nhân tạo. Hiệp hội Các nhà sản xuất kim cương (DPA), một liên minh của 7 công ty khai thác kim cương hàng đầu thế giới, có trụ sở ở New York, đã thuê công ty Trucost ESG Analysis tiến hành một nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của hoạt động sản xuất kim cương từ các mỏ và phòng thí nghiệm.
Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy 7 công ty khai thác kim cương đứng đầu thế giới chỉ thải ra 160kg khí carbon dioxide (CO2) cho mỗi carat kim cương được đánh bóng vào năm 2016. Con số này chỉ tương đương 1/3 lượng khí thải CO2 mà các phòng thí nghiệm thải ra khi sản xuất mỗi carat kim cương, theo Mabel Wong McCormick, giám đốc phụ trách khu vực Trung Quốc mở rộng của DPA.
Tuy nhiên, Trucost ESG Analysis cho biết cuộc nghiên cứu bị hạn chế bởi lượng thông tin có sẵn ít ỏi về việc sử dụng năng lượng và nguyên liệu của các nhà sản xuất kim cương trong phòng thí nghiệm.
Các nhà phân tích dự báo trong những năm tới, các nhà sản xuất kim cương tổng hợp sẽ càng gia tăng sức ép đối với các nhà sản xuất kim cương truyền thống, có thể khiến giá của các kim cương tự nhiên giảm và các nhà phân phối hạn chế dự trữ chúng để tránh rủi ro.
Theo South China Morning Post