Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kim cương sản xuất trong phòng thí nghiệm đe dọa kim cương tự nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kim cương sản xuất trong phòng thí nghiệm đe dọa kim cương tự nhiên

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Kim cương nhân tạo đang được sản xuất với các đặc tính giống hệt kim cương tự nhiên nhưng giá rẻ gấp cả chục lần, theo hãng tin Bloomberg.

Kim cương sản xuất trong phòng thí nghiệm đe dọa kim cương tự nhiên
Những viên kim cương được sản xuất trong phòng thí nghiệm của công ty Pure Grown Diamonds. Ảnh: Bloomberg

De Beers đặt chân vào thị trường kim cương nhân tạo

Trong những năm gần đây, công nghệ sản xuất kim cương từ phòng thí nghiệm đã có sự cải thiện đột phá, giúp chúng có các đặc tính vật lý, hóa học, quang học y hệt các viên kim cương tự nhiên được khai thác từ các mỏ.

“Chúng giống nhau đến độ chúng tôi chưa bao giờ phân biệt được nếu chúng được đặt cùng lúc lên cùng một mặt bàn”, Harold Dupuy, phó chủ tịch công ty Stuller, chuyên chế tác nữ trang và bán sĩ kim cương nhân tạo ở bang Louisiana.

Sức hút của những viên kim cương rẻ được sản xuất từ phòng thí nghiệm mạnh mẽ đến nỗi vào hồi tháng 5, tập đoàn khai thác kim cương lớn nhất thế giới De Beers, có trụ sở ở London, thông báo sẽ bán nữ trang kim cương được sản xuất từ phòng thí nghiệm của tập đoàn này dưới thương hiệu Lightbox vào tháng 9 tới.

“Chúng tôi sẽ không cố gắng làm cho mọi người tin rằng đây là các viên kim cương tự nhiên”, Sally Morrison, giám đốc tiếp thị Lightbox, nói.

Dĩ nhiên, De Beers không cần phải làm như vậy vì hồi tháng 7, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã sửa đổi các hướng dẫn về cách nhận dạng kim cương. FTC giờ đây định nghĩa kim cương là “một khoáng vật về cơ bản bao gồm carbon được kết tinh trong hệ đẳng chất”. Trước đây, định nghĩa của FTC về kim cương bao gồm từ “tự nhiên” nhưng từ này đã bị lược bỏ trong định nghĩa mới, mở đường cho các viên kim cương được sản xuất trong phòng thí nghiệm, được chính thức ghi nhận là kim cương về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, FTC yêu cầu khi giao dịch trên trường, kim cương nhân tạo phải được công bố rõ ràng là “phát triển trong phòng thí nghiệm” để chứng tỏ rằng sản phẩm này không phải được khai thác từ các mỏ.

Harold Dupuy cho biết tuyên bố mở rộng kinh doanh sang thị trường kim cương nhân tạo của De Beers đã gây sốc lớn trong ngành công nghiệp sản xuất kim cương. Với tuyên bố này, De Beers chính thức đặt chân vào thị trường kim cương nhân tạo, nơi các đối thủ nhỏ hơn như Stuller, Chatham Created Gems & Diamonds, Lucent Diamonds, Pure Grown Diamonds, đã thiết lập sự hiện diện vững chắc.

Kim cương nhân tạo Lightbox của tập đoàn khai thác kim cương lớn nhất thế giới De Beers. Ảnh: De Beers

Rẻ gấp 10 lần so với kim cương tự nhiên

De Beers cho biết bộ sưu tập Lightbox mang đến cho khách hàng 50 mẫu kim cương nhân tạo đơn giản gắn ở hoa tai, miếng dây chuyền cổ với hai kiểu dáng, ba màu sắc và có trọng lượng lên tới 1 carat. Mỗi viên kim cương có trọng lượng 1 carat như vậy sẽ được bán với giá 800 đô la Mỹ, rẻ hơn một nửa so với các viên kim cương nhân tạo cùng trọng lượng trên thị trường hiện nay và rẻ hơn 10 lần so với những kim cương tự nhiên mà De Beers đang bán.

Rob Bates, giám đốc tin tức của tạp chí nữ trang JCK, nói: “Tôi thấy một người đàn ông bán kim cương sản xuất từ phòng thí nghiệm với giá 2.200 đô la cho 1 carat tại một hội chợ thương mại. Nhưng ngay khi De Beers thông báo giá bán, ngay lập tức, ông ta giảm giá bán về 800 đô la”.

Theo Tom Chatham, Giám đốc điều hành Chatham Created Gems & Diamonds, De Beers đã phá giá trên thị trường để thôn tín ngành công nghiệp kim cương nhân tạo. Tuy nhiên, ở mức giá rẻ như vậy, De Beers sẽ không có lãi.

Trào lưu kim cương nhân tạo đã khiến những người nổi tiếng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Tài tử điện ảnh người Mỹ Leonardo DiCaprio, người thủ vai chính trong bộ phim “Kim cương máu” phát hành năm 2006, đã gây sự chú ý của truyền thông vào năm 2015 khi anh quyết định đầu tư vào công ty sản xuất kim cương nhân tạo Diamond Foundry có trụ sở ở thành phố San Francisco.

Công ty này là một trong những nhà sản xuất kim cương nhân tạo đang cạnh tranh ở một mức độ cao cấp hơn bằng cách sản xuất nữ trang cao cấp sử dụng kim cương nhân tạo. Một chiếc nhẫn có gắn bốn viên kim cương nhân tạo trong bộ sưu tập DF Atelier của Diamond Foundry đang được bán với giá 4.506 đô la. Nhờ hợp tác với nhiều nhà thiết kế danh tiếng như Jennifer Fisher, Pamela Love, Eva Fehren để sản xuất các sản phẩm nữ trang tinh xảo, hình ảnh thương hiệu của Diamond Foundry đã được nâng lên rõ rệt.

Ngành công nghiệp kim cương tự nhiên bị đe dọa

Ngành công nghiệp kim cương nhân tạo đang phát triển nhanh, nhưng thực sự những viên kim cương sản xuất trong phòng thí nghiệp đã xuất hiện từ cách đây hơn nửa thế kỷ. Tom Moses, phó chủ tịch Viện giám định kim cương đá quý Mỹ (GIA), cho biết hãng General Electric (GE) đã tạo ra những viên kim cương trong phòng thí nghiệm đầu tiên vào năm 1954. Đây là những viên kim cương tiêu chuẩn công nghiệp được sử dụng cho các quy trình cắt, khoan và đánh bóng cũng như sử dụng cho các công cụ phẫu thuật chính xác.

Một viên kim cương được xem đạt chất lượng đá quý khi nó đáp ứng được các tiêu chuẩn về màu sắc và độ sáng của GIA.

Năm 1971, GE sản xuất những viên kim cương đạt tiêu chuẩn đá quý đầu tiên. Phải mất hai thập niên sau, ngành công nghiệp kim cương nhân tạo mới phát triển được công nghệ sản xuất các viên kim cương chất lượng cao có thể cạnh tranh trên thị trường đá quý.

“Sản xuất kim cương từ mỏ đạt đỉnh cách đây 10-12 năm với sản lượng 170 triệu cara. Các mỏ này đang già cỗi nhưng không có mỏ mới nào được phát hiện và đưa vào khai thác trong hai thập kỷ qua”, Moses nói.

Giờ đây, những người chuộng kim cương tự nhiên có thể phải mua chúng với giá cao hơn trên thị trường thứ cấp. Tại các cuộc bán đấu giá của các hãng đấu giá danh tiếng Sotheby’s và Christie’s, các viên kim cương tự nhiên liên tục lập kỷ lục về giá bán.

Tuy vậy, những người buôn bán kim cương tự nhiên đang lo sợ một viễn cảnh đã xảy ra với ngành công nghiệp ngọc trai tự nhiên. Sau khi tìm ra được phương pháp để nuôi cấy ngọc trai, công ty sản xuất ngọc trai nuôi cấy Mikimoto (Nhật Bản) đã tung ra thị trường những viên ngọc trai nhân tạo giá cực rẻ và trên thực tế điều này đã xóa sổ ngành kinh doanh ngọc trai tự nhiên.

Một khảo sát gần đây của hãng nghiên cứu thị trường hàng xa xỉ MVI Marketing cho thấy 70% người được khảo sát thuộc thế hệ thiên niên kỷ (sinh từ năm 1982 đến những năm đầu thập niên 2000) cho biết sẽ cân nhắc chọn một viên kim cương nhân tạo gắn vào chiếc nhẫn đính hôn.

Swarovski cho rằng, sức hút của kim cương từ phòng thí nghiệm một phần là nhờ chúng không gây tổn hại môi trường như các hoạt động khai thác kim cương tự nhiên. Hơn nữa, kim cương nhân tạo có mức giá thấp hơn nhiều.

“Nếu một phụ nữ có cơ hội mua một viên kim cương nhân tạo có trọng lượng lớn hơn 50% so với một viên kim cương tự nhiên nhưng mức giá lại bằng nhau, cô ta sẽ chọn viên kim cương nào? Không phụ nữ nào nói rằng viên kim cương đó quá to trên ngón tay cô ta”, Amish Shah, giám đốc điều hành công ty sản xuất kim cương nhân tạo ALTR Created Diamonds, nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới