(KTSG Online) - Giá xăng dầu thế giới liên tiếp điều chỉnh tăng cao, đẩy kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này vào Việt Nam trong 2,5 tháng đầu năm nay tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo kim ngạch nhập khẩu xăng dầu sẽ tiếp tục tăng khi giá dầu kết thúc tuần giao dịch vừa qua với dầu Brent ở mức 120,7 đô la/thùng và WTI lên 113,9 đô la/thùng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 3 cả nước nhập khẩu 583.143 tấn xăng dầu các loại với tổng kim ngạch 576,6 triệu đô la Mỹ. Trong đó, nhiều nhất là dầu diesel với 323.110 tấn, kim ngạch 306,3 triệu đô la. Tiếp theo là xăng với 187.880 tấn, kim ngạch 206,7 triệu đô la; còn lại là dầu mazut và nhiên liệu bay.
Tính chung từ đầu năm đến trung tuần tháng 3 vừa qua (tức 2,5 tháng), cả nước nhập khẩu hơn 1,93 triệu tấn xăng dầu các loại, tổng kim ngạch là gần 1,7 tỉ đô la.
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam chỉ tăng gần 20%, nhưng giá trị kim ngạch nhập lại tăng tới 104%. Điều này cho thấy trị giá bình quân (chưa thuế) của xăng dầu nhập khẩu tăng mạnh so với thời điểm 1 năm trước đây.
Cụ thể, bình quân trị giá xăng dầu nhập khẩu lên đến 862 đô la/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 506 đô la/tấn. Như vậy, trị giá bình quân tăng tới trên 70,35%, tương đương tăng thêm hơn 8 triệu đồng/tấn.
Các thị trường nhập khẩu xăng dầu chủ yếu của Việt Nam là các nước châu Á như Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc…
Với diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng vũ bão như nói trên, ở thị trường trong nước, cùng thời gian trên, liên Bộ Tài chính - Công Thương cũng đã có 6 kỳ điều hành giá điều chỉnh tăng giá liên tiếp. Giá xăng dầu các loại đến kỳ điều hành ngày 11-3-2022 so với kỳ điều hành ngày 11-1-2022 tăng từ 4.625 - 7.030 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 24,91% - 39,56%.
Theo Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít (tùy loại) nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước. Trong đó, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của thế giới.
Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11-3-2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 44,01% đến 60,02% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 11-3-2022 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 24,91% - 39,56%.
Bộ Công Thương cho rằng việc điều hành giá xăng dầu thông qua sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong đợt điều chỉnh giá lần thứ 7 vào ngày 21-3-2022, nhờ giá xăng dầu thế giới hạ nhiệt nên giá xăng dầu trong nước trong phiên điều hành từ 15h ngày 21-3 vừa qua cũng giảm.
Như vậy, sau 6 lần tăng liên tục từ đầu năm đến nay do tác động của diễn biến giá thế giới tăng, giá xăng dầu ghi nhận mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7-2014, thì lần đầu tiên trong năm nay, giá có một phiên "hạ nhiệt".
Cùng với việc giá xăng dầu giảm, người dân, doanh nghiệp kỳ vọng giá có thể giảm thêm nhờ vào quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Theo đó, ngày 23-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31-12-2022. Với mức dự kiến giảm là 50% so với quy định hiện hành, giá xăng dầu được kỳ vọng giảm thêm để bớt đi gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hậu Covid-19.
Tuy nhiên, trong tuần qua thị trường thế giới lại chứng kiến một tuần biến động của giá dầu khi giá liên tục tồn tại hai sắc màu xanh - đỏ trong các phiên giao dịch. Giá dầu bắt đầu tuần với cú “leo dốc” ngoạn mục hơn 7% khi các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) chưa tìm được tiếng nói chung trong việc nên hay không nên áp lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga.
Giá dầu còn được hỗ trợ bởi thông tin thiếu hụt tới 3 triệu thùng dầu Nga/ngày kể từ tháng 4, tương đương 3% tổng sản lượng dầu của thế giới, nếu dầu Nga tiếp tục bị “quay lưng” bởi người mua.
Một nhân tố khác khiến giá dầu tiếp đà chinh phục lại các “đỉnh” đã đạt được sau gần 2 tuần giảm là sự sụt giảm tạm thời sản lượng tại một liên doanh lọc dầu của Saudi Aramco ở Yanbu sau vụ tấn công của nhóm Houthi của Yemen vào Ả-rập Xê-út. Thêm vào đó, việc sửa chữa để nối lại đường ống dẫn dầu Caspian Pipeline Consortium (CPC) của Kazakhstan bị hư hại bởi bão cũng dấy lên lo ngại gián đoạn nguồn cung trong thị trường đang thiếu dầu vì sản lượng có thể giảm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian sửa chữa...
Nhiều diễn biến khác tác động đã nhanh chóng trở lại đà tăng với Brent kết thúc tuần giao dịch ở mức 120,7 đô la/thùng và WTI lên 113,9 đô la/thùng. Tính cả tuần, dầu Brent đã tăng hơn 11,5% và WTI tăng 8,8%, đánh dấu một tuần tăng của giá dầu, cắt đứt chuỗi giảm hai tuần liên tiếp. Với sự thiếu hụt nguồn cung liên tiếp này, giá dầu tuần tới dự báo vẫn sẽ tăng.
Do đó, theo giới phân tích kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nữa và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá dầu trong nước.