(KTSG Online) - Kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995 với kim ngạch thương mại chỉ ở mức 450 triệu đô la Mỹ, đến năm 2020, kim ngạch giữa hai nước đã đạt đến 90,8 tỉ đô la.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham Hà Nội), Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Hoa Kỳ (USABC), Bộ Công Thương và một số tỉnh, thành phố tổ chức Diễn dàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2021 với chủ đề “Nắm bắt cơ hội, thích ứng phát triển trong tình hình mới”.
Những số liệu được nêu ra tại diễn đàn này rất đáng chú ý: trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng gấp 200 lần, từ 450 triệu đô la (1995) khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên mức 1,5 tỉ đô la (2001) khi hai nước ký Hiệp định thương mại song phương; và đạt 90,8 tỉ đô trong năm 2020, tăng 19,9% so với năm 2019.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2020 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 90,8 tỉ đô la, tăng 19,9% so với năm 2019. Trong đó: xuất khẩu của Việt Nam đạt 77,1 tỉ đô la, tăng 19,5%; nhập khẩu từ Mỹ đạt gần 13,7 tỉ đô la, giảm 8% so với năm 2019.
Vẫn theo số liệu của cơ quan hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 10-2021, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 89,6 tỉ đô la. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là 76,7 tỉ đô la (tăng 22,9% so với cùng kỳ 2020); chiếm tỷ trọng 28,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; nhập khẩu từ Mỹ là 12,9 tỉ đô la (tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020, chiếm tỷ trọng 4,8% tổng kim ngạch nhập khẩu).
Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam với những dự án quy mô lớn, góp phần tạo dựng cho Việt Nam chỗ đứng ngày càng vững chắc trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Tính lũy kế đến tháng 10-2021, Mỹ hiện xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 1134 dự án và tổng vốn đăng ký là 9,72 tỉ đô.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ngoài kim ngạch thương mại giữa hai nước phát triển mạnh, các nhà đầu tư Mỹ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hầu hết các tập đoàn lớn của Mỹ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Amazon và P&G… Nhiều nhà đầu tư Mỹ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Tuy nhiên, những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và nguy cơ đình trệ gây ra bởi đại dịch Covid-19 thời gian qua một mặt gây nhiều bất ổn, nhưng mặt khác cũng tạo sức ép, buộc các doanh nghiệp phải tính đến việc phát triển mô hình chuỗi cung ứng mới, trong đó có các hệ thống cung ứng dự phòng đặt tại nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo sự bền vững và tính liên tục”, ông Hải nhận định.
Với tình hình thương mại toàn cầu diễn biến quá nhanh, ông Hải đề xuất các chính sách để cơ quan quản lý hai nước tìm cơ chế linh hoạt hơn trong vấn đề trao đổi thương mại song phương.
Thứ nhất, cần phát huy cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA) để kiến tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư và kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Thứ hai, trong trạng thái “bình thường mới” và trong “bối cảnh mới”, Việt Nam và Hoa Kỳ cần tăng cường kết nối, hạn chế các vụ việc phòng vệ thương mại và giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại còn tồn tại thông qua đàm phán nhằm bảo đảm tính liên tục trong hoạt động của các chuỗi cung ứng, cũng như tránh gây tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất vốn đã chịu thiệt hại gây bởi đại dịch.
Quá khủng. Quá hiệu quả. Nếu nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện thì chắc sẽ bùng nổ hơn nữa ? Nhưng cũng không vì thế mà ta quên nhiệm vụ đa dạng hóa thị trường. Không có gì là bất biến/ duy nhất, chỉ có ta mới chinh là ta mà thôi.