Kính chào thế giới “điên”!
Trần Minh
Nhà thờ Sagrada Familia. Ảnh: Minh Hùng. |
(TBKTSG) - Trong chuyến bay đến Barcelona (Tây Ban Nha) du lịch vài tháng trước, không hiểu sao đầu óc tôi cứ lởn vởn câu hỏi vì sao từ vài trăm năm trước đất nước này vẫn có thể giàu có, mà đặc biệt từ lĩnh vực nghệ thuật. Nếu nhìn cuộc khủng hoảng kinh tế Tây Ban Nha gần đây và nhìn cái cách người dân vẫn có vẻ vui chơi vô tư lự chắc ai cũng sẽ thắc mắc giống tôi. Và rồi những ngày ngắn ngủi ở Barcelona đã cho tôi câu trả lời.
Thành phố của những bất ngờ
Một người bạn đã nói với tôi nếu anh thích đi du lịch thì bắt buộc phải đến Barcelona, một thành phố có quá nhiều điều để nhớ. Quả thật như vậy, ngay từ khi bước chân xuống sân bay El Prat, vùng đất này đã luôn mang lại cho tôi những cảm giác lạ kỳ như đang dự một bữa tiệc với những món ăn đặc sản lạ lùng chưa từng thấy...
Sân bay El Prat rất lớn, mỗi năm đón tiếp hơn 30 triệu lượt khách, và bản thân kiến trúc sân bay đã là một công trình nghệ thuật của ánh sáng, kính và kim loại. Nhưng nếu dừng lại đó, bạn chỉ có thể nhận xét “đẹp”.
Điều làm hành khách sững sờ chính là giữa những mảng kim loại và kính đó là một bức tường khổng lồ mô phỏng bức tranh của danh họa Miro, những đường nét nguệch ngoạc đơn giản trộn lẫn màu sắc sặc sỡ như một bức tranh trẻ con. Sững sờ là còn bởi vì tại cửa ngõ hàng không này du khách được chào đón bằng hình tượng con thằn lằn khảm màu sắc xanh đỏ của kiến trúc sư vĩ đại Gaudi thay vì bằng hình ảnh những cô gái tươi cười như nhiều sân bay khác trên thế giới. Ở đây bạn phải thốt lên “tuyệt”.
Barcelona có đường đi bộ La Ramba. Đường đậm đặc hàng quán, các nghệ sĩ đường phố và người bán hàng rong. Đường tràn ngập du khách, âm nhạc và tiếng cười. Barcelona có khu phố cổ Ciutat Vella làm mỏi chân khách thập phương với mê cung tạo nên từ những con đường lát đá chen chúc vào những dãy nhà kiến trúc gô-tíc hàng mấy trăm năm tuổi. Barcelona có đội bóng đá lừng danh mà ai đến đây cũng phải nhắc đến.
Nhưng ba điều đó chỉ đủ làm nên một bữa tiệc ngon. Còn người thật sự đem đến đại tiệc kỳ lạ cho du khách phải là Gaudi.
Món khai vị cho điều kỳ lạ bắt đầu từ công viên Guell. Công viên là một trò chơi khảm đá, gạch đủ màu sắc trên lâu đài, nhà cửa, tượng, phù điêu, hang động... Con thằn lằn nổi tiếng của Gaudi được đặt ở trung tâm công viên lúc nào cũng có lượng khách dày đặc vây quanh, ai đó muốn chen chân vào chụp hình lưu niệm cũng không phải dễ dàng.
Công viên được xây dựng ngay đầu thế kỷ 20 gần một khu phố nhà cao cửa rộng trang nghiêm, thế nên sắc độ màu rực rỡ quá mức ở đây gây ấn tượng mạnh về sự tương phản lạ lùng cho những du khách thế kỷ 21 này.
Sau “món khai vị” thì phải kể đến “món sa-lát” - căn nhà Casa Mila. Căn nhà lớn ngay trên góc phố trung tâm có những cột đá, những khung cửa và ban công sắt bị bóp méo qua bàn tay Gaudi làm cho người đi ngang có cảm giác như ngôi nhà đang tan chảy dưới sức nóng mặt trời. Bên trên là mái nhà được thiết kế như một lâu đài trong chuyện cổ tích. Ngày nay, hơn 100 năm sau ngày tòa nhà được hoàn thành, hàng ngày bên ngoài tòa nhà hàng trăm người vẫn xếp hàng rồng rắn chờ mua chiếc vé tham quan (20 đô la, không rẻ chút nào) để được sống trong cái không gian cổ tích đó.
Nếu “khách dự tiệc” vẫn còn nhận ra Casa Mila là một căn nhà cổ tích thì khi “món” Casa Batlo được dọn ra người ta không biết nên gọi nó là gì. Nằm cách Casa Mila một khoảng ngắn, nhưng trí tưởng tượng của Gaudi đã đi một quảng đường dài. Đó là một con khủng long hay một thây ma biết thở! Từ sáng sớm đến tối khuya lúc nào xung quanh tòa nhà cũng là những đoàn du khách đứng chụp ảnh liên tục, hoặc ngồi yên lặng ngắm nhìn và tự hỏi “đây có phải là vật thể sống không?”.
Nhưng đỉnh điểm của buổi đại tiệc chắc chắn phải là nhà thờ Sagrada Familia. Gaudi tham gia vào việc xây dựng nhà thờ từ năm 1882 và đến nay thì công trình vẫn chưa hoàn thành. Gaudi gắn bó với việc xây dựng nhà thờ được 43 năm, có thể vì bao nhiêu tinh hoa của trí tưởng tượng ông đã trút hết vào đây nên bị kiệt sức mà chết chăng? Dù thế nào thì khi đã một lần đứng dưới chân nhà thờ, nhìn các đỉnh thánh giá cao chót vót không ai không thể thốt lời trầm trồ cho một kiệt tác phá cách siêu tưởng. Nhà thờ như thể mọc lên giữa một khu rừng đá, có một vẻ hoang dã nhưng vẫn trang nghiêm, buồn bã nhưng cứng rắn...
Những con người chào đón cái “điên”
Đến Barcelona thăm Gaudi du khách đi từ bất ngờ này đền bất ngờ khác bởi những đường nét, màu sắc kiến trúc, thiết kế. Những công trình không theo một khuôn mẫu nào, một suy nghĩ đời thường nào. Mà đáng ngạc nhiên là chúng đã ra đời từ hơn 100 năm trước.
Bởi vậy ai càng thấy ấn tượng bởi những bất ngờ liên tiếp, thì sẽ lại càng thắc mắc vì sao cái xã hội thời đó có thể chấp nhận được những công trình lạ lùng và “điên rồ” như thế này.
Phần lớn những công trình của Gaudi là do những nhân vật giàu có và có thế lực thời đó mướn xây dựng. Chắc rằng họ tự hào vì được Gaudi xây cho một căn nhà không giống ai. Tôi đoán rằng thời kỳ đó tại Barcelona, người dân mà đặc biệt là những người giàu có có sở thích sở hữu những điều mới mẻ.
Bệnh viện Sant Pau Barcelona nằm ở góc vắng trong khu Guinardo là minh chứng. Nhà kiến trúc cách tân Motaner xây dựng bệnh viện từ năm 1901-1930. Trong khuôn viên bệnh viện là những khối nhà được làm gạch đỏ và khắp nơi trang trí hoa văn sinh động như là một bảo tàng nghệ thuật hơn là nơi chữa bệnh. Không biết ông giám đốc bệnh viện hay thị trưởng Barcelona thời đó nghĩ gì mà chấp nhận đề án xây dựng này. Ngay cả ngày nay có mấy chính quyền dám bỏ tiền ra xây bệnh viện như bảo tàng nghệ thuật hay công viên giải trí? Sant Pau ngày nay cũng là một địa điểm tham quan rất nổi tiếng mặc dù bên trong vẫn là một bệnh viện hoạt động hàng ngày hàng giờ.
Hãy thử đến bảo tàng của họa sĩ siêu thực vĩ đại Salvatore Dali tại Figueres (nằm cách Barcelona gần hai giờ đi xe lửa). Figueres là một thị trấn nhỏ, cổ kính, hiền hòa, Nếu bạn là người dân ở đây, bạn có chấp nhận cho Dali xây cái lâu đài “kỳ quặc” theo kiểu siêu tưởng của ông: tường sơn màu hồng tươi, bên trên là hàng chục “quả trứng gà” khổng lồ.
Tôi không hiểu vì sao xã hội Barcelona nói riêng và Tây Ban Nha nói chung lại chấp nhận những điều đó, nhưng tôi tin chắc rằng chính vì sự cởi mở chấp nhận cái mới, chấp nhận cái không khuôn mẫu, không bình thường, chấp nhận cái “điên” đó đã làm nên một Tây Ban Nha giàu có và phát triển. Đặc biệt giàu có với kho tàng nghệ thuật đồ sộ.
Không chấp nhận cái “điên” thì có thể nhân loại đã không có kiểu phá cách của Gaudi, siêu thực của Dali, lập thể của Picasso...
Tôi chợt nhớ đến ngôi nhà khiêu vũ ở Praha (thủ đô Cộng hòa Czech). Một cao ốc xây bằng bê tông và kính cong veo như một cặp tình nhân đang xoắn mình nhảy múa. Praha nổi tiếng vì có lâu đài và những khu phố cổ mấy trăm năm. Nhưng người dân Praha đã dám chấp nhận ngôi nhà khiêu vũ tồn tại song song đó và ngày nay nó đã trở thành điểm tham quan không thể thiếu của du khách.
Tôi cũng nhớ tòa kim tự tháp bằng kính mọc lên ở Bảo tàng Louvre vào năm 1989 giữa những tranh cãi gay gắt vì nó quá lạ, quá táo bạo, vì lo ngại nó sẽ phá vỡ nét truyền thống. Lúc ấy Tổng thống Mitterrand đã dũng cảm thông qua việc xây dựng. Cuối cùng thì người Pháp vẫn chấp nhận và khi đã “quen mắt” càng ngày người ta càng xem nó là một công trình kiến trúc kỳ thú.
Tôi cũng chợt nhớ đến không ít công trình, hay ý tưởng không theo “khuôn mẫu” ở Việt Nam đã không thể hiện thực hóa và bị quên lãng chỉ vì quá nhiều người phản đối, dè bỉu.
Tất nhiên không phải cái gì mới, lạ, không theo khuôn mẫu cũng đều tốt đẹp. Nhưng chắc chắn nếu chúng không được ra đời thì sẽ không có sự sàng lọc để xã hội đó tiến bộ.