Thứ năm, 7/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh an toàn là cái chi chi?

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hiện tượng bay đi kiếm ăn, tìm đậu một chỗ nay không còn phù hợp, không chỉ trên các sàn tài chính mà ngay cả trong sản xuất nông nghiệp. Mua thứ này một chút, bán thứ kia một chút, xem ra là một cách chờ thời, là cách tốt nhất để bảo toàn vốn và giảm thiểu rủi ro cho đến khi điều kiện thị trường thuận lợi trở lại.

Tiếng réo hấp dẫn của chú chim sẻ đã đưa bầu bạn mình vào bẫy của một tay săn chim chuyên nghiệp. Cuộc sống là phải vậy thôi! Muốn no bụng dù chỉ qua ngày, phải bay đi tìm mồi và phải chấp nhận rủi ro. Ngày xưa nếu phải hy sinh, thì cùng lắm chỉ vài chú nằm lại chốn sa trường do mấy đứa trẻ bắn ná nghịch ngợm. Thời nay, nhiều khi bị lọt ổ cả bầy vì tiếng hót mời gọi ngọt ngào của bạn chim được kẻ săn mồi thu âm giấu đâu đó dưới đám cỏ. Nhờ mấy tay bẫy chim “công nghệ” này mà bàn nhậu đầy ắp rượu thịt, phóng sanh trở thành một ngành kinh doanh rộn ràng.

Kinh doanh thời công nghệ nên cũng… “hót” theo

Mấy ông bà bạn của tôi hành nghề kinh doanh thương phẩm như cà phê, lúa gạo, đường ăn, bông sợi, vàng, dầu thô… đều có cảm giác ấy. “Chỉ từ chối không mua một bữa, ngày mai mối hàng bỏ đi hết”, một đầu mối thu mua nông sản tại Buôn Ma Thuột tâm sự như vậy.

Các năm trước, nhiều người chỉ chuyên mua bán một mặt hàng, nay thức thời đều đã đa dạng hóa kinh doanh. Nếu trước đây chỉ có hồ tiêu thì nay làm thêm gạo, hạt điều, cà phê… và thậm chí “hót” theo cả sầu riêng, chanh dây, trái bơ…

“Làm nhiều mệt nhiều nhưng lỡ như một mặt hàng nào đó bất ngờ đứng bóng, thì còn có thứ khác thế vào để xoay nhanh vòng vốn, vốn rất hẻo so với giá thị trường và tiền trong túi hiện nay”, chị chủ đại lý mua bán nông sản nói.

Nghĩ ra, chị nói có lý. Rủi ro trên thị trường càng lúc càng lan rộng, nên rất cần lắm các cách để bay tìm chốn an toàn.

Bất ổn và căng thẳng thế giới phản ánh rất rõ trên thị trường. Hiện tượng bay đi kiếm ăn, tìm đậu một chỗ nay không còn phù hợp, không chỉ trên các sàn tài chính mà ngay cả trong sản xuất nông nghiệp. Mua thứ này một chút, bán thứ kia một chút, xem ra là một cách chờ thời, là cách tốt nhất để bảo toàn vốn và giảm thiểu rủi ro cho đến khi điều kiện thị trường thuận lợi trở lại.

Nhìn thị trường hàng hóa thương phẩm trong thời gian gần đây mới thấy cách chọn lựa các mặt hàng kinh doanh phụ trợ, thay thế là một biện pháp mà các bạn tôi cho là tối ưu nếu không muốn doanh nghiệp mình ngã gục giữa các “cạm bẫy” của thông tin, của thay đổi chính sách, của những hục hặc bất hòa giữa các phe, các quốc gia…

Ngay cả mặt hàng vàng trước đây vốn rất êm ấm, thì đến nay đã tăng gần 10% so với đầu năm; hợp đồng dầu thô WTI (Mỹ) cuối tháng 9-2023 lên trên 91 đô la Mỹ/thùng thì nay mất hơn 10 đô la/thùng (80,89 đô la ngày 3-11-2023). Giá kỳ hạn nhiều sàn nông sản thương phẩm chạy dáo dác, mỗi ngày có khi tăng hay giảm trên trăm đô la mỗi tấn. Giá kỳ hạn robusta, là loại cà phê được Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất thế giới, có ngày dao động từ mức cao đến thấp đến 134 đô la/tấn (20-10-2023 giữa 2.520-2.386 đô la/tấn), có lúc lên đỉnh 2.568 để ngày 3-11 xuống đến 2.321 đô la/tấn rồi đóng cửa tại 2.372 đô la/tấn.

 

Giá nhiều sàn hàng hóa thương phẩm chuyển động trong kỳ, trong ngày như vũ bão, lên ào ào, xuống rào rào, biểu hiện rõ nỗi lo sợ của giới đầu tư, kinh doanh khi chiến sự Nga-Ukraine chưa dứt thì lại xuất hiện cuộc xung đột ở Trung Đông. Căng thẳng địa chính trị và thương mại giữa Mỹ, EU với Trung Quốc, với Nga vẫn tiếp diễn. Lạm phát còm nằm lì ở mức cao do dịch Covid-19, lãi suất điều hành của các nước chưa nới lỏng mấy.

Giới đầu tư tài chính thả bớt vị thế mua từ các tài sản rủi ro, “may túi ba gang” sang mua đồng đô la Mỹ, có người như chim sang cành, nhảy từ sàn dầu thô qua sàn vàng, qua một số sàn hàng hóa thiết yếu. Vậy mà chưa chịu nằm yên hẳn. Cứ thế họ chuyền cành, chọn chỗ an toàn một cách tạm thời, chóng vánh rồi lại chuyển cành.

Đầu tư “phòng thủ”

Nhiều sàn hàng hóa thương phẩm trong đó có nông sản hiện nay được giới đầu tư và kinh doanh tài chính gọi là kênh đầu tư “phòng thủ” vì chí ít nhu cầu tiêu dùng là thực và ổn định hơn nhiều so với các thị trường “ăn thua” khác. Một số nhà đầu tư lão luyện trên thị trường tài chính cho biết giữa thời nhiễu nhương thế này, họ rút hết tiền từ các danh mục đầu tư rủi ro về kiếm ăn theo ba kênh: dầu thô, vàng và một vài sàn hàng hóa thiết yếu như lúa mì, đậu nành, gạo hay cà phê.

Đầu tư “phòng thủ” là cách kinh doanh kiếm lợi nhuận thận trọng. Tìm lợi nhuận thận trọng là phải thấy cho ra sàn nào có giá ổn định, theo hướng tăng đều, nhẹ nhàng nhất có thể, ăn mỏng mà êm lòng.

Không lấy làm lạ khi nhiều người đã phải sử dụng “Chỉ số Sợ hãi và Tham lam” do CNN tạo dựng để giúp giới đầu tư kinh doanh chuẩn bị tâm lý tốt hơn nhằm định hướng thị trường mình theo đuổi trong từng giai đoạn, thậm chí từng ngày. Dùng Chỉ số Sợ hãi và Tham lam trong kinh doanh của CNN để hiểu được diễn biến của thị trường tài chính gồm chứng khoán và hàng hóa thương phẩm, đánh giá xem cổ phiếu có được định giá hợp lý hay không. Sự sợ hãi quá mức có xu hướng đẩy giá cổ phiếu xuống, trong khi lòng tham quá mức có thể gây tác dụng ngược lại.

Là một chỉ số gộp từ bảy chỉ số khác nhau, Chỉ số Sợ hãi và Tham lam đo lường các khía cạnh khác nhau của hành vi trên thị trường tài chính. Các chỉ số này bao gồm động lượng thị trường, sức mạnh, độ rộng giá cổ phiếu, quyền chọn mua và bán, nhu cầu trái phiếu cấp thấp, biến động thị trường và nhu cầu trú ẩn an toàn. Điểm kết quả dao động từ 0 đến 100, trong đó 100 biểu thị mức độ tham lam tối đa và 0 biểu thị mức độ sợ hãi tối đa. (Giải thích trên LinkedIn của nhà tư vấn đầu tư Natalie Burns).

Chuyên gia tư vấn này nói tiếp: “Việc sử dụng Chỉ số Sợ hãi và Tham lam có thể giúp các nhà đầu tư đánh giá tâm trạng của thị trường và nhận thức được cảm xúc cũng như thành kiến ​​của chính họ. Bằng cách kết hợp chỉ số này với phân tích cơ bản và các công cụ phân tích khác, bạn và chuyên gia tài chính của bạn có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn”.

Thật đáng thán phục khi các bạn tôi, dù chưa ai tiếp xúc với đồ thị “Chỉ số Sợ hãi và Tham lam” nói trên, nhưng đã tự mình tìm cách xa “cành mềm” để tránh “lộn cổ xuống ao”. Nếu như tâm lý thị trường hiện nay (5-11-2023) ở vùng “sợ hãi” với mức 42 điểm so với cách đây một năm nằm trong vùng “trung tính” với 55 điểm, nhưng cách đó một tuần, “sợ hãi” lại nhiều hơn với 27 điểm.

Trước mắt, lo ngại về suy thoái kinh tế và áp lực lạm phát vẫn còn, cộng với sự hăm he giữ mức lãi suất cao và kéo dài, tiếp cận tín dụng chưa hết khó khăn… thì tâm lý sợ hãi có thể còn thống trị thêm. Do vậy, có thể đoán rằng giá hàng hóa thương phẩm chưa hết nhảy nhót. Chọn các mặt hàng nào cho phù hợp để phòng thủ, đó là công việc còn lại của doanh nghiệp bạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới