Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê: cấm đoán không phải là xu thế
LS. Nguyễn Hoàng Hải(*)
(TBKTSG Online) - Dự kiến vào ngày 17-6, nếu được Quốc hội biểu quyết thông qua, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ chính thức bị xóa sổ. Tuy nhiên, nếu cấm hình thức kinh doanh này sẽ không tránh khỏi các dịch vụ đòi nợ "xã hội đen" tự phát xuất hiện để lấp vào chỗ trống, khi nhu cầu quá lớn, nguy cơ gây mất an ninh trật tự và phát sinh nhiều hệ lụy.
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Nên giao cho tổ chức hành nghề luật sư
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Siết quản lý chứ không nên cấm
Đòi nợ thuê: nhu cầu có thật của xã hội
Theo đà phát triển kinh tế, hiện nay các quan hệ kinh doanh, mua bán, vay mượn ngày càng nhiều làm phát sinh các khoản nợ và tranh chấp, việc chậm hoặc không trả nợ gây thiệt hại cho chủ nợ và theo thời gian các khoản nợ này càng ngày càng khó thu hồi do nhiều yếu tố.
Các khoản nợ dưới nhiều hình thức khác nhau tuỳ thuộc vào lịch sử giao dịch của các bên mà hình thành nên khoản nợ. Không phải các tranh chấp về nợ đều được giải quyết dễ dàng ở tòa án. Mặc dù pháp luật cũng đã cho phép chủ nợ có thể khởi kiện ra tòa nhưng tại sao rất nhiều chủ nợ không chọn cách đòi nợ bằng con đường này?
Với quy trình tố tụng như hiện nay việc đòi nợ bằng con đường khởi kiện ra tòa thường mất rất nhiều thời gian và chi phí. Lấy ví dụ một vụ kiện đòi nợ với giấy tờ chứng minh khoản nợ rõ ràng, quan hệ pháp luật tranh chấp rất đơn giản nhưng thời gian giải quyết khoảng 1,5-2 năm, chưa kể sau đó phải mất một thời gian dài thi hành án và các khoản chi phí khác.
Công cuộc đòi nợ gian truân như thế nhưng nhiều khả năng con nợ đã có thời gian tẩu tán tài sản, cuối cùng vẫn không đòi được nợ nên “tiền mất tật mang”. Trong khi đó thông qua công ty đòi nợ thuê tuy vẫn có những rủi ro nhất định và phải trả phí cao nhưng bù lại hiệu quả cao hơn, không làm cho chủ nợ mệt mỏi và mất thời gian đi tới đi lui.
Hơn nữa công ty đòi nợ chỉ lấy phí khi đòi được nợ, trong khi đó nếu ra tòa thì phải tạm ứng án phí mà chưa chắc thu hồi được nợ. Rất nhiều trường hợp có bản án chấp nhận gần như toàn bộ yêu cầu khởi kiện đòi nợ nhưng khi đi đến giai đoạn thi hành án thì chủ nợ chẳng thu được đồng nào do người thiếu nợ đã đủ thời gian tẩu tán tài sản nên không còn khả năng trả nợ.
Vì sao cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ?
Sở dĩ kinh doanh dịch vụ đòi nợ gây nhiều tranh cãi vì một số ý kiến cho rằng thời gian qua có hoạt động đòi nợ thuê biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy.
Cũng có ý kiến nói đòi nợ thuê là công cụ của quan hệ cho vay nặng lãi, là kinh doanh bạo lực, là sự “nhờ vả” bạo lực để đòi nợ gây nên mất an ninh trật tự xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Dương Chí Dũng trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 23-3, đã phát biểu rằng, 217 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này tại Hà Nội và TPHCM đã được cấp phép không có đơn vị nào hoạt động lành mạnh, chủ yếu là các băng nhóm xã hội đen, cho vay nặng lãi, ép người vay trả lãi suất cao, dẫn đến tình hình an ninh trật tự phức tạp(1).
Tuy nhiên, theo người viết, cần phải phân định rõ dịch vụ đòi nợ thuê được cấp phép và đòi nợ thuê theo kiểu “xã hội đen”? Theo thống kê, thực tế các vụ đòi nợ thuê ồn ào dư luận, làm mất an ninh trật tự trong thời gian qua hầu hết không phải do các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ gây ra, mà chủ yếu là từ các dịch vụ đòi nợ không được cấp phép hoạt động.
Có thể kể ra một số vụ như phở Hoà, vụ tạt sơn nhà cô giáo ở quận 6, TPHCM, vụ đòi nợ thuê ở Hải Dương...
Có nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ hay không?
Nhu cầu thu hồi nợ là nhu cầu có thật của xã hội. Theo quy luật thị trường, có “cầu” ắt hẳn có “cung” để đáp ứng. Nếu cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì các dịch vụ đòi nợ "xã hội đen" tự phát sẽ xuất hiện để lấp vào chỗ trống này, nguy cơ gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng, nhà nước lại càng khó quản lý và phát sinh nhiều hệ luỵ hơn.
Trước năm 2007, kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được cấp giấy phép hoạt động vì chưa có quy định cụ thể, sau đó với yêu cầu đòi hỏi của xã hội, Nghị định 104/2007/NĐ-CP là khung pháp lý tạo hành lang cho hoạt động kinh doanh này hình thành và hoạt động. Tuy nhiên đến nay, nghị định đã lỗi thời, không theo kịp và không còn điều chỉnh được các hoạt động kinh doanh đòi nợ.
Vì vậy, đã đến lúc cần phải có một chiếc áo mới để điều chỉnh hoạt động này chứ không thể chạy theo tư duy “quản không được thì cấm”. Kiểu tư duy và cách quản lý này không còn phù hợp với xu thế hiện nay. Cấm thì rất dễ nhưng liệu có giải quyết được tình hình hay là cấm cái này thì tạo điều kiện cho những tiêu cực khác phát triển.
Cũng như đòi nợ thuê, một số ngành nghề trước đây cũng bị cấm như karaoke, vũ trường…, những ngành ít nhiều “mang tiếng” gây mất an ninh trật tự, tạo điều kiện cho hoạt động mại dâm núp bóng hành nghề. Nhưng từ khi có hành lang pháp lý rõ ràng, được hoạt động như những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, những ngành này đã tạo nguồn thu cho ngân sách và công ăn việc làm cho người lao động.
Hiện nay một số ngành nghề cũng bị cấm kinh doanh như thám tử tư nhưng trong thực tế nhu cầu nhờ thám tử là có thật, nên hoạt động này vẫn diễn ra gần như công khai nhưng ẩn chứa dưới những vỏ bọc khác nhau làm cho nhà nước không quản lý được, không thu thuế và không bảo vệ được quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.
Với xu hướng bỏ dần các điều kiện kinh doanh, đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động thì việc đưa ra các quy định cấm đoán không phải là xu hướng hiện nay, làm cho các cam kết của Chính phủ đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư không thật sự rõ ràng, không nhất quán.
Giải pháp nào?
Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động lành mạnh, nếu cần thiết đưa ra các điều kiện thành lập kinh doanh dịch vụ này chặt chẽ hơn. Hiện nay với quy định không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, nhưng riêng đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì quy định này có lẽ không phù hợp, nên hoạt động của những doanh nghiệp này cần được kiểm tra thường xuyên hàng quý để phát hiện sai sót và có những chấn chỉnh kịp thời.
Ngoài ra, cải cách tư pháp cần được đẩy mạnh hơn nữa để quá trình giải quyết tại tòa được rút ngắn và người dân có niềm tin để lựa chọn tòa án khi cần thu hồi nợ mà không phải nhờ đến dịch vụ đòi nợ như hiện nay.
Chỉ đến khi hoạt động đòi nợ thuê được cho phép hoạt động với một hành lang pháp lý hoàn chỉnh và các doanh nghiệp phải cải thiện dịch vụ, nâng cao chất lượng, từ đó cải thiện hình ảnh của mình, khi đó hoạt động đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” ắt sẽ dần dần bị đào thải và rút ra khỏi thị trường.
Vì vậy phương án đưa hoạt động đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định chặt chẽ hơn nữa về điều kiện thành lập, hoạt động, kiểm tra, thanh tra… thay vì cấm là phương án khả thi, phù hợp với xu thế hiện nay hơn. Mong rằng ngày 17-6 sắp tới, trước khi bấm nút thông qua Luật Đầu tư sửa đổi đại biểu Quốc hội cân nhắc nhiều hơn về nội dung cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
(*)Đoàn luật sư TPHCM, Công ty luật Credent
(1)https://thanhnien.vn/thoi-su/bo-truong-nguyen-chi-dung-toi-va-doan-cong-tac-khong-ai-duong-tinh-voi-sars-cov-2-1199981.html