Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh farmstay: Không chỉ là thu tiền từ lưu trú

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh doanh farmstay: Không chỉ là thu tiền từ lưu trú

Nhân Tâm

Kinh doanh farmstay: Không chỉ là thu tiền từ lưu trú

(KTSG Online) – Farmstay là hình thức kinh doanh du lịch nông nghiệp có lưu trú, nhưng để có thể mang lại hiệu quả, theo một số ý kiến, nguồn thu chính của farmstay nên là hoạt động trải nghiệm chứ không phải từ việc “bán phòng” (kinh doanh lưu trú).

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng (phải) chia sẻ về những kinh nghiệm trong kinh doanh farmstay tại Việt Nam. Thách thức lớn nhất của mô hình này, theo ông, là tìm ra những trải nghiệm "đáng đồng tiền bát gạo" cho du khách. Ảnh: Nhân Tâm

Tại chương trình Talkshow và giới thiệu sách "Hướng dẫn thiết lập Farmstay" diễn ra tối ngày 9-3 tại Phynig House Hội An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng chia sẻ để làm được điều trên, một farmstay phải thể hiện được văn hóa bản địa, từ cái cây, cọng rau, ngọn cỏ đến mái nhà, không gian. Về cơ bản, khách du lịch muốn tìm một vị lạ khi đi du lịch chứ không muốn tìm một vị đã từng nếm ở nơi khác. Những trải nghiệm bản địa sẽ giúp tạo ra điều này.

Tuy nhiên, theo KTS. Phạm Thanh Tùng, đồng tác giả dịch sang Tiếng Việt cuốn sách “Hướng dẫn thiết lập Farmstay”, làm farmstay không chỉ là vấn để không chỉ là mua miếng đất, trồng rau, xây vài cái cọc rồi cho đó farmstay.

“Farmstay không phải làm những phòng nghỉ sơ sài. Trải nghiệm tại farmstay không phải chỉ là phát cái rổ cho khách ra vườn hái rau”, ông Tùng nói và chia sẻ thêm một người bắt đầu làm farmstay, phải hiểu mình muốn gì, các nguồn lực mình đang có, bao gồm tri thức nông nghiệp, du lịch và mối quan hệ. Sau đó, với nguồn lực tài chính mình đang có, và có thể xoay xở, mình sẽ biết được cần làm một mô hình farmstay như thế nào cho phù hợp.

KTS. Phạm Thanh Tùng lấy ví dụ ở khu vực miền núi Tây Giang và Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển mô hình farmstay. Tuy nhiên, anh cũng khuyến khích phải làm farmstay dựa vào địa hình đặc trưng của vùng núi, không nên đem mô hình đồng bằng lên miền núi và càng không nên bắt chước từ mô hình nào khác.

“Chúng ta bán trải nghiệm đặc trưng chứ không chỉ bán nơi tham quan và lưu trú”, ông Tùng nói. “Farmstay có thể là một dạng nghỉ dưỡng cấp cao nhưng không nên có cảnh quan như resort. Nếu làm farmstay đúng sẽ tạo ra một mô hình rất khác, rất hay cho du lịch. Du lịch nương tựa vào thiên nhiên. Các farmstay nên khác nhau để có những trải nghiệm khác nhau cho khách và thu về tiền nhiều hơn”.

Cũng tại buổi nói chuyện, các doanh nghiệp đã chia sẻ với nhau về những tiềm năng cũng như thách thức khi kinh doanh mô hình farmstay ở Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung. Một cơ chế đặc thù cho farmstay cũng như vệ sinh môi trường khi ở farmstay là những thách thức.

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và cũng là một doanh nhân theo đuổi đam mê du lịch nông nghiệp bền vững, tin rằng mô hình farmstay sẽ phát triển và trong tương lai không xa sẽ có một cơ chế, chính sách riêng cho mô hình này.

“Trước đây, mô hình homestay cũng chưa được luật hóa. Nhưng theo đà phát triển của xã hội, mô hình này dần được chấp nhận và đưa vào quản lý. Trong tương lai, farmstay cũng sẽ như vậy”, ông Thanh nói, và bổ sung thêm rằng farmstay là một trong những mô hình giúp tăng giá trị cho du lịch nông nghiệp. "Nếu nương tựa vào thiên nhiên, chúng ta sẽ có những sản phẩm mới cho du lịch, nâng giá trị cho du lịch. Farmstay sẽ tạo thêm giá trị, đưa khách trải nghiệm vào văn hóa bản địa.”

Quảng Nam có nhiều lợi thế để làm du lịch farmstay từ đồng bằng đến miền núi và vùng biển. Ảnh: Nhân tâm

Bản chất farmstay là loại hình bất động sản lưu trú (có mục đích nghỉ dưỡng), theo quy định hiện hành, phải được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ. Việc xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc đất rừng có thể bị xác định là sử dụng đất không đúng mục đích đất được giao.

Nếu farmstay chỉ là dự án khu du lịch trải nghiệm nông thôn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và hoạt động kinh doanh du lịch, thì là điều bình thường. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng các tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các farmstay mà chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ.

Vì vậy, thay vì cấm, nên xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động cho loại hình này. Được biết nhiều hội ngành nghề đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định tại Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai, không cho phép tách thửa đối với các loại đất không phải “đất ở” để quản lý mô hình farmstay; đồng thời, kiến nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bổ sung thêm loại hình farmstay vào Luật Du lịch để thống nhất với Quyết định 3720/QĐ-BVHTTDL ngày 28-10-2019 về quy chế quản lý, kinh doanh căn hộ du lịch và biệt thự du lịch.

Sách "Hướng dẫn thiết lập Farmstay" hiện nay mới chỉ được xuất bản dưới hai thứ tiếng là tiếng Anh tại Mỹ và tiếng Việt tại Việt Nam. Đây là một cuốn sổ tay hướng dẫn giới thiệu về định nghĩa farmstay và du lịch nông nghiệp trên thế giới, đặc biệt lấp đầy lỗ hổng kiến thức về nghệ thuật kinh doanh cùng phát triển farmstay.

Nội dung sách hướng đến việc cung cấp thông tin, kinh nghiệm cho những nông dân đang sở hữu một trang trại của mình, cho những nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, cho những công ty tour du lịch hiểu về farmstay,… đang mong muốn đầu tư phát triển farmstay nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Những người làm sách cũng kỳ vọng nội dung sách là nguồn tham khảo cho những người đang phát triển farmstay theo hướng đi bền vững.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới