Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh… nhà ở xã hội

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cô bạn tôi ở ngoài Bắc vào TPHCM làm việc tại một cơ quan sự nghiệp công lập, phải thuê nhà ở tạm bợ và cô ấy vui mừng khi mình đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội. Hành trình làm thủ tục giấy tờ, xác nhận thu nhập, thời gian làm việc… của cơ quan cho đủ điều kiện không hề dễ dàng.

Ấy là lúc cô bạn còn độc thân, nay cô ấy đã kết hôn và căn nhà đó không còn chút gì dính dáng tới “mục tiêu xã hội” khi vợ chồng cô mang nó ra cho thuê và thậm chí là rao bán dù chưa đủ điều kiện bán nhà ở xã hội theo quy định.

Cái lý của vợ chồng cô ấy khá đơn giản, đó là cô bạn có một suất mua nhà ở xã hội và đã đăng ký mua, đóng tiền theo tiến độ; chồng cô ấy cũng có một tiêu chuẩn mua tương tự, vậy là họ dọn tới ở căn nhà ở xã hội từ suất của chồng, gần trung tâm thành phố hơn, còn căn kia thì cho thuê.

Nếu soi chiếu theo các quy định của chính sách nhà ở xã hội thì cô ấy không cần nhà ở xã hội nữa, đơn giản vì đã có nhà. Nhưng khổ nỗi, việc cho thuê, hay rao bán căn nhà ở xã hội của cô ấy hiện nay đang được không ít người thuê mua nhà ở xã hội rồi rao bán lại. Chính quyền biết không? Tất nhiên là không quá khó để biết khi vào mạng xã hội Facebook hay tìm kiếm trên Google có hàng loạt thông tin rao bán, cho thuê nhà ở xã hội dù không đủ điều kiện theo quy định.

Quy định của Nhà nước thì người thuê mua nhà ở xã hội chỉ được phép bán sau 5 năm kể từ thời điểm đóng hết tiền cho Nhà nước, nhưng nhiều người mua nhà ở xã hội đã bán nhà dù chưa đủ điều kiện thời gian. Người mua tiếp theo có thể gánh lấy rủi ro về pháp lý nhà đất mà báo chí đã viết khá nhiều. Nếu không bán khi chưa đủ điều kiện, cách đơn giản là người mua rao cho thuê kiếm lợi và đó là thực tế đang diễn ra.

Nhưng nếu tình trạng này cứ kéo dài, chính sách nhà ở xã hội sẽ không còn mang tính xã hội nữa, mà nó trở thành nơi những người dân đủ điều kiện thuê mua rồi cho thuê lại hoặc bán đi để kiếm lời, bản chất là kinh doanh bất hợp pháp nhà ở xã hội, vốn là chính sách hỗ trợ người dân có thu nhập thấp có nhà ở.

Bạn tôi từng sang Singapore cho biết chính sách nhà ở xã hội của quốc gia này đang thực hiện cũng không khác gì Việt Nam nhưng họ đã thành công hơn Việt Nam. Theo lời của bạn thì họ quản lý nhà ở xã hội bằng dữ liệu dân cư, bằng biện pháp hành chính của chính quyền. Chẳng hạn chính quyền cấp cơ sở của họ có thể kiểm tra hành chính những người đang ở thật sự trong căn nhà ở xã hội và nếu không đúng đối tượng, chính quyền thu hồi lại nhà.

Việt Nam có làm được không? Tôi cho rằng làm được khi hệ thống thông tin liên lạc, công nghệ thông tin đã nối thông từ trung ương tới phường xã, còn dân cư thì đang hệ thống hóa dữ liệu qua thẻ căn cước; chính quyền thì đang có chính phủ điện tử, chính quyền số, không lý gì không thực hiện được.

Nói có vẻ đao to búa lớn chứ thực ra hiện nay, một người dân không có tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội nhưng vào ở trong một căn nhà ở xã hội, thử xem chính quyền phường ở TPHCM, cán bộ khu phố, bảo vệ khu phố, cảnh sát khu vực… biết hay không. Tôi tin là biết nhưng câu hỏi tại sao quản lý hành chính, hệ thống hóa dữ liệu dân cư không kết nối với chính sách nhà ở xã hội lại chưa thấy ai đứng ra trả lời.

Gần 20 năm trước, hai đứa em của tôi làm ngành y, đến Đà Nẵng theo chính sách thu hút nhân tài thời “ông Nguyễn Bá Thanh”. Tôi ra Đà Nẵng thăm em, nhìn căn hộ chung cư mà hai em được Đà Nẵng cho thuê giá rẻ, vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, xây dựng khá ngon lành, không kém gì các chung cư cấp trung ở TPHCM hiện nay.

Khi hai em tôi mua nhà riêng, đã dọn nhà ra khỏi chung cư, trả lại nhà cho ban quản lý chung cư mặc dù lúc ấy cũng có trường hợp mua nhà bên ngoài để ở, nhà chung cư mang cho thuê. Theo lời em tôi kể lại, ban quản lý chung cư và chính quyền họ siết khá chặt, nếu ai mua nhà dọn ra ở bên ngoài mà mang căn hộ cho thuê, nếu bị phát hiện, họ gửi công văn đến cơ quan làm việc, đòi lại cho bằng được và đã có không ít người bị cơ quan nơi làm việc kỷ luật vì việc này.

Tất nhiên, cách mà ban quản lý chung cư cho thuê giá rẻ dành cho thu hút nhân tài ở Đà Nẵng chưa hẳn là giải pháp xuất sắc nhưng ít ra đáng để cho các nhà quản lý nhà ở xã hội ở TPHCM và các tỉnh xem lại cách quản lý hành chính nhà ở xã hội hiện nay.

Chừng nào chính sách nhà ở xã hội “quên” đi giải pháp quản lý hành chính dân cư thì thật khó để nó thành công đúng theo tôn chỉ mục đích ban đầu của nhà ở xã hội.

1 BÌNH LUẬN

  1. Chuyện kỳ có thật. Nhà ở xã hội, nhưng không ít người có chức/ quyền/ nhiều tài sản… lại được mua hoặc chiếm dụng lâu dài ? Đây là sự xấu hổ và thách thức lớn đối với uy tín của toàn bộ hệ thống công quyền. Tại sao sự việc vẫn mãi diễn ra nhưng chưa thế khắc phục ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới