Kinh doanh quá khứ và giới hạn thiêng liêng
Nguyễn Quang Thân
![]() |
(minh họa: Khều) |
(TBKTSG) - Đã gọi là du lịch thì không thể bao cấp mà phải tổ chức kinh doanh. Nhưng ít nhất thì những nhà kinh doanh du lịch có văn hóa và hiểu biết đều phải hiểu rằng, loại hình kinh doanh du lịch ở đây phải khác, rất khác với kinh doanh du lịch ở thắng cảnh thiên nhiên, bãi biển, núi cao và những nơi nghỉ ngơi, du hý.
Một nhà văn cựu chiến binh Mỹ là giáo sư một trường Đại học Hoa Kỳ, vừa dẫn sinh viên đi thực tập ở Củ Chi, về bảo tôi: “Sinh viên của tôi rất có ấn tượng về Củ Chi, tiếc rằng có một số người to quá khổ không chui lọt xuống địa đạo. Nhận thức của họ khi đến đây là những ký ức về chiến tranh được nhắc lại cho đời sau khỏi quên, dù sao đó cũng là những ký ức đau buồn. Vì ở đó đã diễn ra cuộc chiến quá ác liệt, đã có quá nhiều người hai phía bị giết, đã có không ít cảnh thương tâm. Nhưng các em hỏi tôi: “Tại sao người ta lại tổ chức ở đây những hình thức du lịch bình thường, mọi người vui chơi, chụp ảnh, nô đùa du hý?”.
Tôi đành nói rằng Việt Nam đang nghèo, để có tiền tu bổ sửa sang di tích, người ta phải có những hình thức lấy “mỡ nó rán nó”. Ông nhà văn hiểu liền và vốn là người rất có tình cảm với nhân dân ta, ông im lặng, trầm ngâm.
Thực ra, những di tích như Củ Chi, DMZ (vùng phi quân sự), Điện Biên Phủ…, hay ngược về quá khứ xa xưa như Ải Chi Lăng, sông Bạch Đằng… là nơi chiến địa núi xương sông máu. Những cố đô như Lam Kinh, Tây Đô nhà Hồ, Huế nhà Nguyễn, Thăng Long, dinh Độc Lập trước đây (nay là dinh Thống Nhất) là những chứng tích của nhiều triều đại đã qua. Tổ chức du lịch cho khách trong nước hay nước ngoài đi tham quan là cần thiết để mọi người hiểu rõ hơn quá khứ của dân tộc ta và tự chiêm nghiệm trên những vật thể từng là nhân chứng của quá khứ ấy.
Đã gọi là du lịch thì không thể bao cấp mà phải tổ chức kinh doanh. Nhưng ít nhất thì những nhà kinh doanh du lịch có văn hóa và hiểu biết đều phải hiểu rằng, loại hình kinh doanh du lịch ở đây phải khác, rất khác với kinh doanh du lịch ở thắng cảnh thiên nhiên, bãi biển, núi cao và những nơi nghỉ ngơi, du hý.
Tôi đã chứng kiến từ lâu, không biết hiện nay có còn tiếp tục không, người ta mời du khách đóng thêm tiền để mặc áo hoàng bào và ngồi lên ngai vàng của vua (thường là vua Bảo Đại) để chụp ảnh về khoe với người nhà. Trong dinh Độc Lập, du khách có thể ngồi lên ghế tổng thống của chế độ cũ để chụp ảnh. Tại dinh của Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân ở Đà Lạt, người ta đã thay thế toàn bộ nội thất và dùng nơi đây làm cơ quan lưu trữ quốc gia, nhưng chỉ để lại một cái tủ lạnh, một nhà vệ sinh cho du khách xem với những lời thuyết minh của cô hướng dẫn viên là “ngay cả thời đó, thời nhân dân đang đau khổ mà Trần Lệ Xuân đã được dùng những thứ sang trọng này”.
Hay là, năm 2004, đến Điện Biên Phủ, chính tôi đã nhìn thấy tấm bia ghi nơi đại úy Piroth, chỉ huy pháo binh Pháp tự tử, trong một cái ao rau muống cạn với những đống rác lớn do người dân thải ra. Nói thật cảm giác của tôi sau khi đến những nơi đó và nhìn thấy những cảnh ấy, nhất là cảnh chụp ảnh trên ngai, chỉ thấy… lố!
Vấn đề là, thái độ của chúng ta và của những người kinh doanh du lịch với những di tích lịch sử. Ngai vàng của các đời vua hay ghế tổng thống của chế độ Sài Gòn cũ là những chứng tích. Chúng ta có thể không thích vua, có thể ghét và lên án chế độ quân chủ hay chế độ cũ ở Sài Gòn. Khi trưng bày những di vật của các chế độ ấy, không phải chúng ta tôn vinh những ông chủ của chúng. Nhưng đó là những di tích, chúng ta phải tôn trọng. Có thể không phải tôn trọng chế độ ấy, con người ấy, mà là sự tôn trọng lịch sử, tôn trọng quá khứ của chúng ta. Cái quá khứ ấy có nhiều lúc thành công, vẻ vang, cũng có nhiều lúc thất bại, đau buồn. Nhưng tất cả những gì đã trôi qua ấy đã làm nên ngày hôm nay của chúng ta.
Tôi đã từng đến lâu đài Fontainebleau, nơi có phòng trưng bày nơi ăn chốn ở của hoàng đế Napoléon, đến Cố cung ở Bắc kinh nơi có phòng ngự của hoàng đế triều nhà Minh và một số nơi khác. Tôi không hề thấy loại hình du lịch nào cho phép “sờ tay vào hiện vật” chứ chưa nói ngồi lên ngai vàng hay nằm lên giường nhà vua và ngả ngớn nói cười rồi… tự hào! Riêng ở Cố cung Bắc Kinh, phòng vua ngủ, du khách chỉ được đứng ngoài nhìn vào qua cửa mở hé.
Mong các nhà kinh doanh quá khứ suy nghĩ lại về cái giới hạn thiêng liêng thời nào cũng có!