Thứ năm, 5/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh thực phẩm cận date bùng nổ ở Trung Quốc

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng tầng lớp trung lưu và bình dân đang thắt lưng buộc bụng, tìm mua các món hàng thiết yếu giá rẻ. Thị trường các mặt hàng thực phẩm và đồ uống sắp hết hạn vì thế được dịp bùng nổ ở đất nước khổng lồ này.

Hãng tư vấn China Market Research dự báo doanh số ngành kinh doanh thực phẩm cận
date sẽ tăng từ 29 tỉ nhân dân tệ trong năm 2019 lên 36 tỉ nhân dân tệ (hơn 5 tỉ đô la) trong năm nay. Giới trẻ Trung Quốc đang góp phần tạo nên ngành kinh doanh khổng lồ này.

Tiết kiệm càng nhiều càng tốt

Các sản phẩm giảm giá sâu, từ đồ ăn nhẹ đến thực phẩm ăn liền và đồ uống, được xếp trên kệ tại một siêu thị HotMaxx giảm giá ở Quảng Châu. Thịt hộp có giá thấp hơn khoảng 40% so với các cửa hàng đối thủ, trong khi loại chip khoai tây từ Nhật Bản có giá bằng một nửa hoặc thấp hơn. Lon cà phê Nestle 100gr giá 3 nhân dân tệ, hay chai nước khoảng 330ml giá 5 nhân dân tệ. Hotmaxx - công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán hàng cận date giảm giá - đã phải tăng số nhân viên từ 20 lên hơn 500 kể từ khi đại dịch xuất hiện.

Các nhà bán lẻ thường lấy sản phẩm ra khỏi kệ khi hàng gần đến ngày sản phẩm không thể giữ chất lượng tốt nhất (best-by date). Họ giảm giá kịch sàn với các sản phẩm sắp hết hạn.

Một cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị hàng sắp hết hạn HotMaxx ở Quảng Châu, chỉ trong hai năm, HotMaxx đã xây dựng được 500 cửa hàng khắp Trung Quốc và dự định tăng con số này lên 5.000 vào năm 2025. Ảnh: Nikkei Asia

Những mặt hàng cận date như thế đang xâm nhập các chuỗi như HotMaxx. Kể từ khi ra mắt vào năm 2020, HotMaxx đã mở rộng đến hơn 500 địa điểm trên khắp Trung Quốc tính đến tháng 6-2022 vừa rồi.

Một chuỗi khác là Rival HitGoo đã có được 200 cửa hàng đến cuối tháng 5. Theo hãng tư vấn iiMedia Research, số doanh nghiệp thành lập mới, chuyên kinh doanh loại hàng sắp hết hạn tăng mạnh. Chỉ trong 12 tháng quá, con số này là 119. Trong khi đó, suốt thập kỷ trước chỉ có 92 công ty. Tổng giá trị thị trường hàng cận date trong năm 2021 đạt 31,8 tỉ nhân dân tệ (4,59 tỉ đô la), tăng 6%.

Một khảo sát cuối năm 2021 của iiMedia với hơn 1.600 người mua thực phẩm và đồ uống gần hết hạn cho thấy 2/3 kiếm được hơn 4.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Đây là mốc mà iiMedia dùng để phân chia tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp. "Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy rất nhiều nhân viên văn phòng phải dựa vào thực phẩm gần hết hạn để sống qua ngày", nhà nghiên cứu Zhang Yi của iiMedia nói.

Như nhà môi giới bảo hiểm Jane Lu ở Thượng Hải. Cô bắt đầu chuyển sang mua đồ uống cận date trong năm nay. Số tiền cô phải chi giảm xuống còn 600 tệ, so với hơn 1.000 tệ nếu cô mua ở các cửa hàng bình thường. Lu quyết định mua hàng cận date sau lệnh hạn chế đi lại dịp Tết Nguyên đán 2022 và lệnh phong tỏa hơn hai tháng từ tháng 4 rồi. Thị trường bất động sản lao dốc, khiến thu nhập của Lu trồi sụt thất thường. "Chẳng cần biết kiếm được bao nhiêu, tôi cứ tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó", Lu nói.

Những thực phẩm có hạn sử dụng dài, như snack khoai tây hay thịt bò khô và rất đắt hàng - theo khảo sát của iiMedia. Các hàng hóa phổ biến khác là sản phẩm từ sữa và bữa ăn đóng hộp gần hạn. "Người tiêu dùng đang đổ xô tìm thực phẩm sắp hết hạn, vì chất lượng vẫn tốt nhưng giá rẻ hơn nhiều. Giờ ai cũng tìm cách tiết kiệm càng nhiều càng tốt”, Giám đốc Shaun Rein thuộc China Market Research nói với Financial Times.

Triển vọng của thị trường hàng cận date

Xu hướng này một phần bắt nguồn từ sự suy thoái kinh tế do tác động của dịch Covid. GDP chỉ tăng 0,4% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với dự báo và cũng thấp nhất kể từ đầu năm 2020 khi dịch mới bùng phát.

Chính sách zero Covid trì kéo đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nhưng oái ăm thay, đây lại là nhân tố làm tăng cơn sốt, mở rộng quy mô thị trường thực phẩm cận date. Bởi lượng hàng tồn kho ở các nhà máy và hãng phân phối ngày càng phình lớn do các đợt phong tỏa chống dịch, doanh nghiệp cần giải phóng gấp kho hàng.

David Wang - chủ một cửa hàng thực phẩm giảm giá tại Bắc Kinh – cho biết hồi tháng 4 ông nhập mua 5.000 ổ bánh chỉ còn hạn gần một tuần từ một chuỗi thức ăn nhanh. Wang ra quyết định nhập hàng khẩn ngay sau khi Bắc Kinh thực hiện lệnh cấm ăn tại cửa hàng nhằm ngăn biến chủng Omicron lây lan nhanh. Giá mỗi chiếc chỉ 20 tệ, rẻ bằng nửa giá bán sỉ.

Wang bán lại với giá 30 tệ và nhanh chóng hết hàng trong ba ngày. “Lợi nhuận quá hấp
dẫn”, Wang nói. Tuy nhiên, sau khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng, Wang không thể có được thương vụ tương tự ngon ăn như trước. “Kinh doanh vầy không thể lâu dài được”, doanh nghiệp nói. Còn Shaun Rein lại nói: "Vấn đề với người kinh doanh là họ tìm đâu ra đủ hàng hóa dạng này. Họ chỉ có vài phút để chốt đơn, chứ không phải vài ngày”.

Hàng cận hạn sử dụng còn là sự phân hóa trên thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung
Quốc. Zhao Peng, đồng sáng lập chuỗi HitGoo, nói với Nikkei Asia rằng: “Chúng tôi nhận ra xu hướng nâng cấp (upgrade) chi tiêu trong một số lĩnh vực, nhưng đồng thời là xu hướng cắt giảm (downgrade) ở những lĩnh vực khác.

Một đàng, trong cái gọi là "mua sắm trả thù", tầng lớp giàu có vung tiền cho những món xa xỉ để bù đắp cho những kiêng khem thời gian phong tỏa. Đàng khác, tầng lớp trung lưu và lao động của Trung Quốc đang thắt chặt hầu bao trong bối cảnh những lo ngại về việc làm và lương bổng càng tăng”.

Thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu hàng ngày của HotMaxx được bán với giá rẻ hơn các siêu thị khác, có khi đến 40-50%. Ảnh: Nikkei Asia

Một số công ty kinh doanh thực phẩm sắp hết hạn sử dụng đã phải vật lộn để bắt kịp với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng. Hồi tháng 3-2022, một tòa án Thượng Hải đã yêu cầu công ty điều hành Boom Boom Mart trả tiền cho các nhà cung ứng. Tài liệu của tòa nói rằng công ty đang đối mặt với tình trạng mất cân đối dòng tiền nghiêm trọng.

Dù là bán thực phẩm dư dôi từ các cửa hàng khác hoặc tiếp quản lượng hàng tồn kho của các công ty phá sản, các siêu thị giá rẻ này cần duy trì một quy mô nhất định để vừa có nguồn hàng vừa bán đủ các loại sản phẩm. Nhưng biên lợi nhuận mỏng và chi phí tăng cao có thể nhanh chóng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tài chính doanh nghiệp.

Tuy vậy, Hotmaxx vẫn tự tin với triển vọng của ngành kinh doanh hàng cận date. Chuỗi
đang dự định mở thêm 4.500 chi nhánh nữa từ nay đến năm 2025, tức tăng 10 lần quy mô hiện nay. "Chúng tôi đã phá vỡ hệ thống định giá truyền thống. Rất nhiều thương hiệu đang muốn hợp tác với chúng tôi", một lãnh đạo cấp cao của chuỗi nói.

Ông cho biết các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể giải quyết được, đặc biệt khi người mua hàng sắp hết hạn không kén chọn về thương hiệu. "Nếu không có Coca Cola, chúng tôi sẽ bán cho bạn Pepsi thôi", ông nói.

Theo Nikkei Asia

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới