Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh trà quán: Con đường gập ghềnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh doanh trà quán: Con đường gập ghềnh

(TBKTSG) – Mẫu số chung của các trà quán ở TPHCM là chấp nhận bù lỗ, lấy nguồn thu từ khoản khác đắp vào để duy trì hoạt động. Những người sáng lập các trà quán từ năm 2000 đến nay cùng cho biết họ rất yêu trà đạo và sẵn sàng đeo bám đến cùng dù con đường rất gập ghềnh.

Trăm hoa đua nở

Sau bài tập khí công trên tầng thượng Padme (Hoa Sen) Trà quán, quận 10, TPHCM, có lẽ do năng lượng tiêu hao khá nhiều nên nhóm bạn trẻ tức tốc mở thực đơn. Thức uống ở đây cũng khá đa dạng, ngoài trà truyền thống của Việt Nam, Trung Quốc, còn có các loại trà có tác dụng bồi bổ sức khỏe được chú thích trong thực đơn với lời lẽ “rất kêu”.

Chẳng hạn, “Đại bổ trà” có công dụng bổ khí huyết, tăng cường sinh lực mà các nữ Dương Gia Tướng (Trung Quốc) vẫn dùng; “Phi Yến trà” giúp tiêu mỡ, tạo dáng mảnh mai như nàng Triệu Phi Yến xưa, mảnh mai như cây liễu, đứng được trên mâm mà múa; “Quý Phi hồng trà” làm đẹp da, chống lão hóa, Dương Quý Phi thường dùng!?…

Một thành viên sáng lập Padme Trà quán cho biết, quán do một nhóm phật tử thành lập, hoạt động đã hơn sáu tháng.

Theo lời giới thiệu của người này, đối tượng chính của quán là nhân viên văn phòng, sinh viên và đặc biệt là những người quan tâm đến thiền động (khí công), yoga. Chính vì thế Padme Trà quán được trang trí rất tinh tế tại ba gian phòng với những tông màu nhẹ nhàng, không gian thoáng đãng, mang đậm phong cách thiền. Ngoài dạy khí công miễn phí, quán còn có sách, các loại cờ giải trí để khách thư giãn. Thức uống ở đây có giá từ 24.000 – 100.000 đồng/người.

Nằm kế Padme Trà quán là Anh Hoa Trà hoạt động đã hơn hai năm nay. Ba thành viên sáng lập Anh Hoa Trà đều là nữ, trong đó có hai người xuất thân từ giáo viên mầm non. “Với ước mong có một không gian riêng để thư giãn tâm hồn, như được trở về với ngôi nhà của chính mình, chúng tôi đã góp vốn thành lập quán gồm bốn phòng theo chủ đề riêng, thích hợp với từng loại khách”, chị Tạ Bích Châu, điều hành quán, cho biết.

Anh Hoa Trà được thiết kế theo mô hình như một ngôi nhà với mái tranh, vách tre, hoa lá tươi mát, trong đó trang hoàng rất nhiều bức thư pháp chữ Việt. Chị Châu cho biết, đối tượng khách “nòng cốt” của quán là sinh viên nên giá thức uống cũng khá mềm, từ 15.000-24.000 đồng/người. Quán bắt đầu mở cửa từ buổi trưa. 

Tại TPHCM, từ năm 2000 đến nay đã xuất hiện hàng chục quán trà mang nhiều phong cách uống trà cổ truyền hoặc pha lẫn hiện đại gồm có Kissaten, Cát Khánh, Tịnh trà quán, Thư giãn Trà quán, quán trà Tĩnh Tâm, Trà đạo Trúc Diệp, Trà đình Vũ Dy… mỗi nơi mỗi vẻ.

Gần đây nhất, vào quí 4-2008, thị trường trà quán lại có thêm sự góp mặt của Trà Việt hiên quán do nhóm bạn tuổi 8X, 9X thành lập. Tuy nhiên, gắn với tinh thần uống trà truyền thống của người Việt và chỉ tập trung duy nhất vào sản phẩm chính là trà thì chỉ có Trà đạo Việt, quận 1 và Trà Việt hiên quán, quận Tân Bình, là làm được điều đó.

Con đường gập gềnh

Một số trà quán ở TPHCM

Quận 1:

– Trà đạo Việt, 17 Trần Quý Khoách, P. Tân Định.

Quận 3:

– Trà quán Kissaten, 361/21/2 Nguyễn Đình Chiểu.

– Trà quán Cát Khánh 1, 372/2B Cách Mạng Tháng Tám, P.10.

Quận 10:

– Anh Hoa Trà, 285/176 Cách Mạng Tháng Tám, P.12.

– Padme trà quán, 285/188 Cách Mạng Tháng Tám, P.12.

– Trà quán Cát Khánh 2, 1/12A Sư Vạn Hạnh nối dài, P.12.

– Trà đạo KT, 207/69 Ba Tháng Hai.

– Trà quán K&T, 11A Hòa Hưng, P.13.

– Trà quán Tĩnh Tâm, 26 Nguyễn Ngọc Lộc, P.14.

– Mộc trà quán, 339/18 Tô Hiến Thành, P.12.

– Trà đạo Trúc Diệp, 7/89 Thành Thái.

Quận Tân Bình:

– Trà Việt hiên quán, 48 Út Tịch, P.4.- Trà quán thư giãn, 1 Sông Đà, P.2.- Tri Âm, 15A Đống Đa, P.2.

Quận Bình Thạnh:

– Dư âm Trà quán, 238/1 Bạch Đằng, P.24.

Hoạt động sớm nhất tại TPHCM có lẽ là Trà quán Kissaten, quận 3, từ năm 2000. Bà Đinh Kim Lan, quản lý quán, nói rằng Kissaten là quán trà duy nhất ở thành phố thể hiện được tinh thần trà đạo Nhật dành cho người Việt Nam và đã mở đầu cho phong trào kinh doanh trà quán trở về sau. Theo bà Lan, Kissaten có lợi thế hơn những quán trà khác là không tốn chi phí thuê mặt bằng. Quán nhỏ, bắt đầu mở cửa từ 6 giờ chiều đến 10 đêm, sức chứa tối đa khoảng 40 khách. 

Một điều trùng hợp khá ngẫu nhiên là 90% quán trà ở TPHCM đều nằm trong hẻm. Giá thuê mặt bằng để mở quán trà có từ ba đến bốn phòng, sức chứa 30 – 50 khách, vào khoảng 12 – 15 triệu đồng/tháng.

Chị Châu cho biết sáu tháng đầu hoạt động Anh Hoa Trà phải bù lỗ. “Để khắc phục tình hình này, quán phải đưa vào thực đơn những món ăn nhẹ, sáng chế ra các loại thức uống trái cây đặc biệt, nhận đặt tiệc liên hoan, sinh nhật, họp mặt gia đình để tăng thêm nguồn thu.

Đặc biệt, vào mỗi tối Chủ nhật quán có thêm chương trình tặng thư pháp cho khách do một vị tu sĩ phụ trách”, chị Châu nói. Bước kế tiếp được các thành viên sáng lập quán áp dụng đó là nhờ các nhân viên là sinh viên đi phát tờ rơi tại các trường đại học. Kết quả khá khả quan. Sáu tháng sau đó Anh Hoa Trà huề vốn và sáu tháng kế tiếp bắt đầu có lãi, dù rất ít.

Theo giải thích của chị Châu, nguồn lãi của quán có được là nhờ các thành viên phải lấy công làm lời, tự thiết kế quán, chế biến thức uống. “Hôm nào quán có tiệc thì tôi phải tạm gác công việc quản lý ở công ty in ấn để chạy sang quán làm đầu bếp”, Châu nói.

Tuy nhiên, điều hiện nay đang làm các thành viên sáng lập Anh Hoa Trà “đau đầu”, đó là chủ nhà đòi tăng giá thuê mặt bằng từ trên 10 triệu đồng lên 15 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi đang cố gắng thương lượng với chủ nhà, trường hợp xấu nhất là phải đi tìm mặt bằng khác để thuê với giá thích hợp hơn”.

Trong khi đó Padme Trà quán thỉnh thoảng vẫn còn bù lỗ mỗi tháng trên 15 triệu đồng. Theo người đại diện của quán, những tháng lỗ vốn thì các thành viên, hội viên tập khí công thân thiết với Padme sẽ góp tiền, người nhiều kẻ ít để duy trì hoạt động.

Đối với những quán hoạt động từ 5-9 năm như Kissaten, Trà đạo Việt, Điểm Một Thời… thời gian qua vẫn phải bù lỗ liên tục. Để tăng thêm nguồn thu, vài năm gần đây Trà quán Kissaten đã nhận biểu diễn trà đạo Nhật tại các chương trình kỷ niệm quan hệ ngoại giao Nhật – Việt, hoặc tại các buổi lễ, họp mặt khách hàng do các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam mời. “Tại các chương trình như vậy, Kissaten tính giá theo từng tách trà mà khách sử dụng”, bà Lan cho biết.

Họa sĩ Sỹ Hoàng, người sáng lập Điểm Một Thời, quận 1, cho biết đã làm văn hóa và đã xác định được con đường mình đang đi là đúng hướng thì phải chấp nhận mọi thiệt thòi, rủi ro trong kinh doanh. Có những công ty du lịch, lữ hành ra điều kiện nếu đưa khách tới quán thì phải chi hoa hồng 40%, Điểm Một Thời không chấp nhận và đã không có nguồn khách từ các công ty đó.

Sau năm năm hoạt động, tháng 3-2008 Điểm Một Thời phải tạm ngưng hoạt động do chủ nhà lấy lại mặt bằng. Kinh doanh quán trà không lãi và phải lấy nguồn thu từ việc bán áo dài, thiết kế thời trang để bù vào, nhưng họa sĩ Sỹ Hoàng vẫn đang nuôi hy vọng đưa Điểm Một Thời lên quy mô một nhà hát có sức chứa 150 chỗ (vốn đầu tư 10 tỉ đồng).

“Điều khiến tôi vui nhất là thời gian qua đã góp phần làm cho TPHCM có một điểm để tiếp các đoàn khách ngoại giao, đại sứ các nước… Quảng bá văn hóa Việt Nam với áo dài, ca trù, dân ca, trà đạo ở Điểm Một Thời là việc làm cần sự góp sức từ nhiều phía, một mình tôi thì khó có thể thực hiện được”, anh nói.

Gặp thuận lợi nhiều nhất có lẽ là Trà Việt hiên quán. Sau gần ba tháng hoạt động quán này vẫn chưa phải bù lỗ. Theo kế hoạch, trong quí 2-2009, Trà Việt hiên quán sẽ mở chi nhánh đầu tiên tại Hà Nội và sẽ quảng bá các loại sản phẩm trà quà biếu cao cấp và trà uống phổ thông phù hợp với mọi lứa tuổi.

Không chỉ bày tỏ ước mơ thu hút ngày càng nhiều người Việt tìm đến sự thi vị của việc uống trà, những người thành lập các quán trà còn mong muốn được quảng bá năng lực xuất khẩu trà của Việt Nam với tất cả khách hàng trong và ngoài nước.

UYÊN VIỄN

Xuất khẩu trà Việt Nam đứng thứ năm trên thế giới

Hiện ở Việt Nam có 35 tỉnh trồng trà với tổng diện tích trên 131.500 héc ta, năng suất 6,5 tấn búp trà tươi/héc ta, cung cấp nguyên liệu cho khoảng 700 cơ sở sản xuất trà khô.

Việt Nam được thế giới xác định là một trong tám quốc gia, có điều kiện địa hình, đất đai, khí hậu phù hợp cho cây trà phát triển và cho chất lượng cao.

Sản phẩm trà Việt Nam đã có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó thương hiệu “CheViet” đã được đăng ký và bảo hộ tại 70 thị trường quốc gia và khu vực. Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ năm trên thế giới về sản lượng và xuất khẩu trà. Năm 2008, ngành trà xuất khẩu được 104.000 tấn trà các loại, với tổng kim ngạch đạt 147 triệu đô la  Mỹ, tăng khoảng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2009, mục tiêu xuất khẩu của ngành trà là 117.000 tấn, với kim ngạch khoảng 167 triệu đô la Mỹ, tăng 13,6% so với năm 2008. Theo Bộ Công Thương, đây là mục tiêu khá cao, vì trà là mặt hàng duy nhất trong nhóm hàng nông nghiệp đặt mục tiêu tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, trong khi kim ngạch xuất khẩu năm 2009 của các mặt hàng nông nghiệp là 12,5 tỉ đô la Mỹ, năm 2008 là 16,2 tỉ đô la Mỹ. 

Trong năm nay, ngoài việc tiếp tục giữ vững thị trường hiện có (những thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản), các doanh nghiệp ngành trà Việt Nam sẽ thâm nhập các thị trường mới như Đức, Hà Lan, Ba Lan, Saudi Arabia…

NGUYỄN LÊ (Nguồn: Hiệp hội Chè Việt Nam)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới