Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh và nhiệm vụ công ích

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh doanh và nhiệm vụ công ích

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Một vấn đề lớn hiện nay đối với nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kể cả các doanh nghiệp trực thuộc các đơn vị hành chính sự nghiệp là phải đồng thời thỏa mãn hai vai trò: vừa kinh doanh có lãi để nuôi sống bộ máy vừa phải đảm trách một số nhiệm vụ chính trị hay nghĩa vụ công ích.

Từ hai mục tiêu đôi lúc đối chọi nhau này, các DNNN cũng phải gánh chịu nhiều quy định thiếu công bằng so với các doanh nghiệp thuộc thành phần khác. Chính sự thiếu công bằng đó là cơ sở để nhiều DNNN đòi hỏi nhiều ưu đãi từ Nhà nước (để bù đắp), là tấm bình phong biện bạch cho sự yếu kém về quản trị tài chính ở nhiều doanh nghiệp và sự thiếu minh bạch, thiếu nhất quán trong chính sách đối với khu vực này.

Có thể lấy kiến nghị của bảy nhà xuất bản (Văn hóa – Thông tin, Thể thao, Văn học, Âm nhạc, Thế giới, Văn hóa Dân tộc, Hà Nội) vừa gửi Cục Xuất bản để xem xét. Các nhà xuất bản này cho rằng, là doanh nghiệp, họ phải trả tiền thuê đất, thuê nhà rất cao. Như NXB Thế giới, năm 2013, phải trả tiền thuê đất hơn 1,5 tỉ đồng và tiền thuê nhà gần 2,2 tỉ đồng cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội thuộc UBND Hà Nội. Những năm trước (2009-2011) tiền thuê đất chỉ có 18 triệu đồng/năm; tiền thuê nhà 317 triệu đồng/năm. Trong khi đó, họ phải kinh doanh để đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên, vừa phải “hoàn thành nhiệm vụ trên mặt trận văn hóa tư tưởng” trong bối cảnh thị trường sách đang bị nạn in lậu, vi phạm bản quyền hoành hành.

Tình trạng của sáu nhà xuất bản này, mà theo miêu tả của họ là có nguy cơ dẫn đến phá sản, không phải là chuyện riêng lẻ. Nhiều DNNN khác, kể cả các đơn vị sự nghiệp có thu trong các lĩnh vực tương tự cũng phải đương đầu với những khó khăn chẳng kém phần gay gắt. Phản ứng dễ thông cảm là đòi hỏi được ưu đãi về thuế hay đất đai, nhà cửa. Nhưng làm sao tách bạch được những hoạt động tạm gọi là phục vụ cho “công tác tư tưởng” với hoạt động kinh doanh thuần túy; làm sao tách bạch được loại sách nào là nhằm phục vụ “nhiệm vụ chính trị”, sách nào chỉ mang tính thương mại.

Để giải quyết gút mắc này, cách hay nhất là tách bạch chuyện kinh doanh và các nhiệm vụ khác. Doanh nghiệp, dù là DNNN, chỉ có nhiệm vụ kinh doanh, có nghĩa là bảo toàn đồng vốn của Nhà nước giao, đồng thời hoạt động sao cho đồng vốn này sinh lợi cao nhất mà không cần bất kỳ ưu đãi nào từ Nhà nước. Ngược lại, họ cũng phải được miễn trừ, không phải chịu những quy định trói buộc sự tự chủ, hạn chế năng lực cạnh tranh của họ trên thương trường. Những nhiệm vụ, dù là chính trị hay công ích, sẽ được chuyển thành các dự án cụ thể với những khoản chi ngân sách mà bất kỳ doanh nghiệp thuộc thành phần nào cũng có thể tham gia cạnh tranh để thắng thầu.

Với các nhà xuất bản, đương nhiên họ cũng phải chịu tiền thuê đất, thuê nhà như các doanh nghiệp thuộc thành phần khác – không thể viện lý do làm nhiệm vụ chính trị để được hưởng ưu đãi. Nhưng đồng thời nếu họ được giao phải xuất bản những tác phẩm mà Nhà nước nghĩ là có lợi cho xã hội và khó thu hồi vốn thì họ phải được trợ giá cụ thể trên từng tác phẩm cụ thể.

Đã là doanh nghiệp, tất cả đều phải chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh, từ đó mới tự mình phát triển mạnh lên; bằng không sẽ phải chịu sự đào thải của thị trường. Mọi nhiệm vụ khác, như đưa sách về vùng sâu vùng xa, chiếu phim cho nông thôn, nuôi dưỡng các hình thức nghệ thuật truyền thống… đều sẽ trở thành dự án riêng biệt, phải chịu sự giám sát chặt chẽ nếu có nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới