(KTSG Online) - Trong bối cảnh kinh tế bất ổn, các nhà lãnh đạo công nghệ của doanh nghiệp lớn trên toàn cầu đang dựa vào trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ phần mềm tự động hóa khác để giúp thúc đẩy tăng trưởng mà không cần thuê thêm nhân công.
- Chi tiêu toàn cầu cho công nghệ thông tin giảm trong năm ngoái
- Singapore và chiến lược 'không để ai lại phía sau' trong chuyển đổi số
Giúp tiết kiệm chi phí nhân công
Nỗ lực tự động hóa ở các doanh nghiệp đã được khởi động từ lâu nhưng hiện giới chủ đang tăng tốc hoặc mở rộng do chịu sức ép tạo ra năng suất cao hơn cho đến khi điều kiện thị trường được cải thiện.
Diogo Rau, Phó Chủ tịch điều hành kiêm giám đốc công nghệ thông tin và kỹ thuật số của hãng dược phẩm phẩm khổng lồ Eli Lilly & Co., có trụ sở ở bang Indiana, cho biết mục tiêu của chiến lược tự động hóa dựa vào AI là thúc đẩy tăng trưởng mà không làm tăng thêm biên chế của công ty.
Rau cho biết, năm ngoái công ty đã đưa ra khái niệm “tương đương con người kỹ thuật số”, là cách tiếp cận đo lường năng suất của một quy trình tự động so với chi phí trả cho một nhân công để hoàn thành cùng một nhiệm vụ.
Eli Lilly đang sử dụng cách tiếp cận này để đánh giá hiệu quả về chi phí của việc phát triển và duy trì ứng dụng dịch thuật được hỗ trợ bởi AI để xử lý báo cáo và tài liệu từ các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới. Những báo cáo và tài liệu này được diễn đạt bằng hàng chục ngôn ngữ.
Theo Rau, các báo cáo thường có nhiều thuật ngữ khoa học nên cần người có chuyên môn cao diễn giải. Vì vậy, các dịch giả chuyên ngành được trả thù lao theo từ và nếu ký hợp đồng dịch thuật, chi phí thù lao sẽ rất lớn. Trong phần lớn các trường hợp này, “lực lượng lao động kỹ thuật số” đang phát triển của công ty sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn.
Tương tự, Eli Lilly cũng đang áp dụng các mô hình ngôn ngữ tự nhiên để tạo ra các báo cáo lâm sàng nội bộ, thay thế các nhân viên y khoa. “Chúng tôi sẽ không phải thuê các nhân viên viết lách y khoa trong vài năm nữa”, Rau nói.
Thị trường tự động hóa văn phòng dự kiến đạt 729 tỉ đô la
Một phần của các nỗ lực tự động nói trên được thúc đẩy bởi nền kinh tế đang bấp bênh và việc áp dụng rộng rãi điện toán đám mây. Khoảng 1/3 trong số hơn 2.000 giám đốc công nghệ doanh nghiệp toàn cầu được hãng nghiên cứu thị trường Gartner khảo sát, cho biết phần mềm tự động hóa vận hành bởi AI sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngân sách đầu tư mới hoặc bổ sung của doanh nghiệp trong năm nay.
Gartner dự kiến, chi tiêu của doanh nghiệp toàn cầu cho AI và các hệ thống phần mềm tự động hóa khác trong năm nay sẽ đạt 728,9 tỉ đô la Mỹ, tăng từ 643,3 tỉ đô la vào năm 2022. Dự báo này bao gồm chi tiêu cho nhiều công cụ và nền tảng tự động hóa tác vụ mà các công ty nhắm đến để triển khai cho càng nhiều quy trình công nghệ thông tin càng tốt.
Tháng trước, Tập đoàn Microsoft cho biết sẽ tích hợp các công cụ AI, như ChatGPT của OpenAI vào tất cả các nền tảng và phần mềm doanh nghiệp.
Theo một nghiên cứu gần đây của hãng nghiên thị trường công nghệ IDC, dù AI và phần mềm tự động hóa có thể nâng cao hiệu quả và cải thiện dịch vụ khách hàng nhưng lý do hàng đầu khiến doanh nghiệp áp dụng công nghệ tự động hóa với tốc độ nhanh hơn là nhằm để giảm chi phí vận hành, bao gồm tiền lương.
“Kiểm soát số lượng nhân viên luôn được quan tâm hàng đầu”, Jean-Marc Chanoine, Phó Chủ tịch toàn cầu về quản lý tài khoản và bán hàng tại Templafy, một công ty khởi nghiệp tự động hóa tài liệu nói.
Có trụ sở tại Copenhagen, Templafy tự động hóa quy trình tạo email, tài liệu và các bản thuyết trình với định dạng nhất quán và tuân theo các nguyên tắc thương hiệu của doanh nghiệp. Chanoine cho biết, trong sáu tháng tới, Templafy hy vọng nhu cầu tự động hóa tài liệu sẽ tăng 132% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Ashok Srivastava, Giám đốc dữ liệu của Intuit, chủ sở hữu của phần mềm kê khai TurboTax, hiện đã mở rộng sử dụng nền tảng AI với nhiều ngôn ngữ và thiết kế phần mềm có thể hướng người dùng tìm hiểu nhiều nội dung, từ tờ khai thuế đến chuyên gia khai thuế phù hợp. Tiện ích này giúp doanh nghiệp không phải thuê nhiều nhân công tạm thời để xử lý nhu cầu gia tăng trong mùa khai thuế.
Gần đây, Pitney Bowes, công ty dịch vụ logistics, có trụ sở ở bang Connecticut cũng đã tự động hóa các quy trình liên quan đến vận chuyển xuyên biên giới, bao gồm phân loại hàng hóa, xác định thuế và điền thông tin vào hàng loạt giấy tờ.
Theo James Fairweather, Giám đốc đổi mới của Pitney Bowes, trước đó, đây là quy trình thủ công, các nhân viên đảm trách việc thu thập và nhập dữ liệu. Hiện nay, hệ thống AI được xây dựng tùy chỉnh sẽ hoàn thành công việc gần như theo thời gian thực.
Theo ông, việc áp dụng AI để tăng tốc hoàn thành nhiệm vụ cho phép các khách hàng thương mại hợp lý hóa hoạt động bán hàng quốc tế và rốt cục, giúp xuất khẩu nhiều mặt hàng hơn và thúc đẩy doanh số bán hàng cho Pitney Bowes.
Các hệ thống tự động cũng cải thiện dịch vụ bằng cách tận dụng nhiều dữ liệu hơn để điều chỉnh tốt hơn giá niêm yết với chi phí thực tế. Fairweather hy vọng, trong năm tới sẽ tăng cường nỗ lực để loại bỏ các quy trình thủ công và thay thế bằng các hệ thống tự động bất cứ khi nào có thể.
“Tầm nhìn tự động hóa đang hướng đến cách bạn tự động hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình”, ông nói.
Theo WSJ