(KTSG Online) - Do tình hình kinh tế biến động, đặc biệt ở các nước giàu phương Tây, kiều hối chảy về các nước thu nhập thấp và trung bình dự kiến tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2022, chỉ bằng một nửa mức tăng trưởng năm ngoái, trước khi chậm lại về mức 2% vào năm 2023, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi cuối tháng này.
- 1,9 tỉ đô la kiều hối đổ về TPHCM trong 3 tháng giãn cách xã hội
- Hơn 17 tỉ đô la kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020
WB cho biết kiều hối gửi về các nước thu nhập thấp và trung bình tăng 5%, lên mức 626 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, chậm lại đáng kể so với mức tăng 10,2% vào năm ngoái. Kiều hối toàn cầu, bao gồm ở các nước phát triển, dự kiến đạt 794 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022.
Kiều hối là nguồn thu nhập quan trọng của các hộ gia đình ở các nước đang phát triển, giúp xóa đói giảm nghèo và củng cố khả năng phục hồi kinh tế.
Theo WB, lượng kiều hối gửi về các nước phát triển vẫn tăng nhờ các nền kinh tế phương Tây, nơi có nhiều dân nhập cư, tái mở cửa và thúc đẩy việc làm khi đại dịch Covid-19 lắng xuống. Báo cáo của WB chỉ ra rằng đà phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực xây dựng, du lịch, khách sạn và nhà hàng của Mỹ đã giúp cải thiện việc làm, cho phép người nhập cư tăng gửi tiền về nước trong năm nay.
Trong năm 2022, lượng kiều hối gửi về từ các nước Trung Á tăng hơn 10% do đồng rúp tăng giá so với đô la Mỹ, giúp người lao động nhập cư ở Nga gửi nhiều tiền hơn về quê nhà.
Tuy nhiên, giá cả tăng cao ở phương Tây đã tác động xấu đến thu nhập thực tế của người nhập cư. Theo WB, các rủi ro cho kiều hối trong năm tới vẫn còn rất lớn, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine có thể diễn biến xấu hơn, giá dầu và tỷ giá biến động mạnh cũng như đà tăng trưởng suy yếu nhanh hơn dự kiến ở những nước có thu nhập cao.
WB dự báo năm 2023, lượng kiều hối chuyển về các nước có thu nhập thấp và trung bình chỉ tăng 2%, lên mức 639 tỉ đô la Mỹ. Đó là tin xấu đối với các nền kinh tế ở Trung Mỹ, Caribê, châu Phi và một số khu vực của Châu Á vốn phụ thuộc nhiều vào kiều hối. El Salvador, Nepal và Lebanon nằm trong số các nước có lượng kiều hối hàng năm chiếm hơn hơn 20% GDP.
Lạm phát thực phẩm và nhiên liệu đang khiến chi phí sinh hoạt của người nhập cư ở các nước giàu trở nên nhiều hơn. Điều này sẽ hạn chế khả năng gửi tiền về quê nhà của họ.
“Với lạm phát lương thực cao và thực tế là các gói kích thích kinh tế ở các nước giàu hiện cũng suy yếu dần. Đó là lý do tại sao chúng tôi dự báo lượng kiều hối toàn cầu sẽ tăng chậm lại rõ rệt”, Dilip Ratha, người đứng đầu Sáng kiến Đối tác tri thức toàn cầu về di cư và phát triển, một dự án của WB, nói.
WB cho biết 5 nước nhận kiều hối hàng đầu vào năm 2022 là Ấn Độ với cột mốc mới là hơn 100 tỉ đô la Mỹ, tăng 12% so với năm ngoái, tiếp theo là Mexico với 60 tỉ đô la Mỹ, Trung Quốc, Philippines và Ai Cập.
Theo báo cáo của WB, trong vài năm qua, người Ấn Độ đã chuyển sang làm các công việc đòi hỏi tay nghề cao ở các nước có thu nhập cao như Mỹ, Anh và Singapore, thay vì những công việc có tay nghề thấp như trước đây ở các nước vùng Vịnh như Saudi Arabia, Kuwait và Qatar. Kết quả là họ gửi kiều hối về quê nhà nhiều hơn.
Năm ngoái, Ấn Độ nhận được 89,4 tỉ đô la Mỹ kiều hối, trở thành nước nhận kiều hối lớn nhất toàn cầu. WB cho biết: “Dòng kiều hối đổ về Ấn Độ tăng nhờ lương tăng và thị trường lao động mạnh mẽ ở Mỹ và các nước giàu khác”.
Tuy nhiên, năm tới sẽ có nhiều thách thức hơn đối với kiều hối của Ấn Độ. WB nhận định năm 2023 sẽ là phép thử đối với tính bền vững của hồi kiều hối từ những người dân nhập cư Nam Á làm các công việc có thu nhập cao ở các nước giàu do lạm phát tăng ở Mỹ và tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Trong khi đó, kiều hối gửi về Trung Quốc trong năm nay giảm gần 4%, xuống còn 51 tỉ đô la Mỹ do người lao động nước này bị hạn chế đi ra nước ngoài trong bối cảnh Bắc Kinh siết chắt các hạn chế biên giới để kiểm soát đại dịch Covid-19.
Báo cáo của WB ghi nhận chi phí gửi 200 đô la Mỹ qua biên giới quốc tế đến các nước thu nhập thấp và trung bình vẫn ở mức cao, trung bình 6% trong quý 2-2022. Gửi kiều hối qua nhà khai thác dịch vụ di động là rẻ nhất (3,5%), nhưng các kênh chuyển tiền số hóa chiếm chưa đến 1% tổng giao dịch gửi kiều hối toàn cầu.
Công nghệ kỹ thuật số cho phép các dịch vụ chuyển tiền nhanh hơn và rẻ hơn đáng kể. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí tuân thủ các quy định về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố tiếp tục hạn chế khả năng tiếp cận của các nhà cung cấp dịch vụ mới đối với các ngân hàng đại lý. Các quy định này cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các dịch vụ chuyển tiền kỹ thuật số của người nhập cư.
Theo Bloomberg, CNN, World Bank