Thứ Năm, 30/03/2023, 08:47
29 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Kinh tế châu Á trước nguy cơ “nhiễm bệnh”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế châu Á trước nguy cơ “nhiễm bệnh”

Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu hàng đầu của các nước châu Á. Trong ảnh là hàng hóa đang được tập kết tại một thương cảng khu vực Đông Nam Á để chuẩn bị xuất đi

(TBKTSG Online) – Trước đây, nhiều nhà đầu tư châu Á tỏ ra lạc quan rằng nền kinh tế châu Á không nhất thiết bị “cảm lạnh” khi nền kinh tế Mỹ “hắt hơi” nhưng giờ đây quan điểm ấy ít nhiều đã thay đổi.

Mặc dù thế và lực đã mạnh hơn nhiều so với trước đây nhưng không thể không thừa nhận rằng khả năng “đề kháng” của nền kinh tế châu Á vẫn còn yếu.

Tại Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ từ ngày 23 đến 27-1, các nhà kinh tế đã bàn luận xung quanh câu hỏi “Nếu nước Mỹ hắt hơi, thế giới có bị cảm lạnh hay không?”.

Xuất khẩu sụt giảm

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Kamal Nath đã thừa nhận: “Không một quốc gia nào có thể tách khỏi kinh tế Mỹ. Vấn đề là chúng ta bị ảnh hưởng ở mức độ nào”. Mới đây, ông Deborah Schuller, chuyên viên tín dụng khu vực của Công ty dịch vụ đầu tư Moody (Moody’s Investor Service), đưa ra nhận xét: “Nếu người Mỹ bớt tiêu xài, các nền kinh tế châu Á sẽ bị tổn thương nặng”. Đây là một nhận xét có nguyên cớ.

Sự trì trệ của kinh tế Mỹ trước hết sẽ làm giảm xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á. Kể từ năm 2000, lượng hàng hóa Mỹ mua của thế giới đã giảm từ 19% xuống 14%. Hiện xuất khẩu chiếm 55% GDP của các nền kinh tế châu Á. Doanh số của các nhà xuất khẩu Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc giảm mạnh vì các nước này xuất rất nhiều vật liệu bán dẫn và hàng kỹ thuật vào Mỹ.

Lần đầu tiên, kinh tế Singapore sa sút mạnh trong quý 4-2007, phần lớn do xuất khẩu bị chựng lại. Ở Thái Lan, nhiều xí nghiệp may mặc xuất khẩu phải đóng cửa. Tại Trung Quốc, nhiều sàn giao dịch chứng khoán lên xuống theo những chuyển biến của nền kinh tế Mỹ.

Giữa tháng 1-2008, ông Haruhiko Kuroda, Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), cho biết ADB sẽ điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á năm 2008 là gần 8% thay cho mức dự báo 8,2% đưa ra hồi tháng 9-2007. Thêm vào đó, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á từ 8,6% xuống 8,3%. Tuy nhiên, Goldman Sach cho rằng mức giảm này là “đáng kể nhưng chưa phải là tai họa”. Citigroup ước tính nếu tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 1 phần trăm điểm thì tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm 1,3 % do xuất khẩu giảm.

Giải pháp khéo léo nhưng chưa đủ

Các nền kinh tế mới nổi (emerging economies) là thuật ngữ dùng để chỉ các nước đang phát triển, trong đó được nhắc đến nhiều nhất là các nền kinh tế châu Á mà Trung Quốc và Ấn Độ là hai đại diện tiêu biểu. Nhờ vào tăng trưởng mạnh mà một số quốc gia châu Á đã khả năng chống chọi tốt hơn nhiều so với trước đây và bớt phụ thuộc vào các nước phát triển. Từ mức dự trữ ngoại tệ hầu như bằng 0, thậm chí mắc nợ nước ngoài thì sau môt thập niên, nhiều nước châu Á tỏ ra biết “chắt chiu” hơn. Cụ thể, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã lên đến 1.500 tỉ đô la Mỹ.

Hiện nay, xuất khẩu sang Mỹ chiếm 24% trị giá hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế -Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sự trì trệ của kinh tế Mỹ sẽ làm cho hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ giảm. Đồng thời, cạnh tranh giữa xuất khẩu Việt Nam với các nước Đông Á sẽ gay gắt hơn vì các nước sẽ chuyển từ xuất khẩu sang Mỹ sang mua bán với các nước trong khu vực mà cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam và các nước này khá giống nhau.

Khi xuất khẩu vào Mỹ giảm, các nhà nhập khẩu châu Á sẽ đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhờ vào một ngân quỹ khôn khéo hơn trước đây. Trên thực tế, vai trò nhà nhập khẩu hàng đầu của Mỹ đã giảm dần. Xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ (kể cả tái xuất qua Hongkong) hiện nay đã giảm còn 24% so với mức 34% của năm 1999. Trung Quốc tăng cường xuất khẩu sang các thị trường mới và những nền kinh tế mới nổi khác tại châu Á cũng đang có xu hướng xuất sang Trung Quốc nhiều hơn sang Mỹ. Điều này phần nào lý giải lý do vì sao nhập khẩu của Mỹ giảm mà xuất khẩu của các nước này lại tăng mạnh. Và các chuyên gia kinh cho rằng chừng nào kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì được sự cường tráng thì nó đủ sức kéo các nền kinh tế khác phát triển theo.

Tuy nhiên, nền kinh tế một số quốc gia châu Á vẫn chưa đủ sức để “tự lực cánh sinh”. Người tiêu dùng Mỹ vẫn đóng một vai trò khá quan trọng đối với nền kinh tế châu Á. Trong năm 2007, chi tiêu của người Mỹ khoảng 9.500 tỉ đô la, gấp 6 lần mức người Trung Quốc và Ấn Độ tiêu dùng hàng của nhau. Theo dự báo gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tiêu dùng của Mỹ chiếm 22,5% nền kinh tế thế giới, trong khi chi tiêu của Nhât, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Anh cộng lại chỉ khoảng 22,5%.

Nhiều nước đã thực hiện các biện pháp để giảm tối thiểu sự phụ thuộc này bằng cách tăng tiêu dùng trong nước. Thế nhưng, tiêu dùng của Trung Quốc năm 2007 chỉ chiếm 35% nền kinh tế, giảm so với mức 46% của năm 1990 (tỷ lệ này ở Mỹ là 70%). Thời gian gần đây, các nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đang phải đối phó với lạm phát tăng cao và thị trường chứng khoán “bong bóng”. Và điều này lại góp phần tăng thêm nguy cơ về sự trì trệ của kinh tế châu Á khi kinh tế Mỹ đang trên bờ vực suy thoái.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khách, sự suy thoái đang được dự báo của nền kinh tế Mỹ đang được xem là cơ hội đối với những nền kinh tế khác để giảm dần sự thống trị của đồng đô la Mỹ và hình thành nên một trật tự thế giới mới, trong đó vị thế của các nền kinh tế mới nổi ắt phải thay đổi.

MỸ HẠNH (Tổng hợp từ Economist, IHT)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới