(KTSG Online) – Mặc dù nền kinh tế trong quí đầu tiên của năm 2022 vẫn chưa phục hồi bền vững, tuy nhiên những tín hiệu quan từ sự quay lại thị trường của doanh nghiệp cũng như người lao động là cơ sở để Đà Nẵng kỳ vọng sẽ có tăng trưởng tốt hơn trong các quí tiếp theo.
Ngành tăng, ngành giảm
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Đà Nẵng đang có xu hướng phục hồi và tăng trưởng tích cực, bình quân quí 1 năm 2022, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,12% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó có một số ngành đã tăng khá cao, góp phần khôi phục phát triển của toàn ngành công nghiệp phải kể đến như: sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc và thiết bị (28,2%), sản xuất phương tiện vận tải khác (28%), sản xuất phụ tùng xe có động cơ (12,4%), sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (13,4%), sản xuất sản phẩm điện tử và máy vi tính (12,9%), sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa (7,9%)...
Tuy nhiên, theo Cục Thống kê Đà Nẵng, trong quí 1 năm 2022 cũng có một số ngành công nghiệp chưa thể phục hồi và tiếp tục có mức giảm sâu, kiềm hãm sự tăng trưởng của toàn ngành. Đơn cử, sản xuất đồ uống giảm 16,8%, do nhu cầu tiêu dùng thấp. Công nghiệp dệt giảm 17,1% do chuỗi cung ứng còn hạn chế trong khi sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 11%, sản xuất kim loại giảm 5,2%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 33,2% hay sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 20,9%.
“Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp quí 1 năm 2022 trên địa bàn đang có dấu hiệu phục hồi nhưng mức độ chưa đồng đều giữa các ngành và còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế, tình hình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương cũng như các nước đối tác”, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, nói và cho biết thêm bên cạnh đó, do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, tác động đến chi phí sản xuất, khiến các doanh nghiệp liên tiếp đối mặt với khó khăn.
Bên cạnh công nghiệp, ngành thương mại và dịch vụ cũng có sự phục hồi không đều cho dù dịch bệnh đã dần được kiểm soát, người dân tiêm vaccine đầy đủ và các dịch vụ được phép mở cửa từ đầu năm.
Trong quí 1- 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 15.767 tỉ đồng, tăng 3,63% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, có 7/11 nhóm hàng hóa có doanh thu tăng và 4/11 nhóm có doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động bán buôn hàng hóa có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, tổng mức bán buôn hàng hóa tháng 3 năm 2022 ước đạt 12.900 tỉ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 10,2% so với tháng cùng năm trước. Tính chung quí 1-2022, tổng mức bán buôn hàng hóa ước đạt 38.100 tỉ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, ngành dịch vụ du lịch vẫn chưa thể phục hồi. Tính chung quí 1 năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt gần 2.953 tỉ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2021, Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 412,4 tỉ đồng, giảm gần 40%; doanh thu ăn uống hơn 2.240 tỉ đồng, giảm gần 25% cùng kỳ.
Theo ông Vũ, nguyên nhân do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến người dân e ngại trong việc ăn uống nơi công cộng, hạn chế thoái quen tụ tập ăn uống ngoài gia đình nên doanh thu của nhóm ngành ăn uống vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn.
Bên cạnh đó, mặc dù thành phố đang đang đồng loạt triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên, kết quả hoạt động lữ hành và các dịch vụ du lịch quí 1 năm 2022 vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Doanh thu toàn ngành quí 1 ước đạt 93,8 tỉ đồng, giảm fa6n2 60% cùng kỳ. Nhìn chung, ngành du lịch vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, người dân vẫn còn e ngại, hạn chế đi du lịch khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Doanh nghiệp bắt đầu quay lại thị trường
Theo lãnh đạo Cục Thống kê Đà Nẵng, tuy các ngành kinh tế còn bấp bênh trong quí 1, nhưng dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 đã góp phần sớm đưa các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đây là cơ sở để kinh tế Đà Nẵng có sự phục hồi bền vững hơn trong những tháng tiếp theo.
Doanh nghiệp thành lập mới gia nhập thị trường trong tháng 3-2022 tiếp tục tăng lên. Theo đó, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 457 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, với tổng vốn đăng ký đạt 4.433,6 tỉ đồng, tăng 53% về số doanh nghiệp và tăng gấp 2,5 lần vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung quí 1-2022, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 876 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 6.661 tỉ đồng; tăng 12,9% về số doanh nghiệp và tăng 10,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quí 1, có 1.071 doanh nghiệp tạm ngừng đã quay trở lại hoạt động, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên trên thực tế, một số ngành nghề vẫn còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng 47% so với cùng kỳ (tương đương 1.868 doanh nghiệp).
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn chưa dừng lại, tuy nhiên đang có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Trong quí 1, thành phố đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 145 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, giảm 7,4%; tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với 11 doanh nghiệp với số vốn giảm là 560 tỉ đồng. Tổng số hồ sơ liên quan đến đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý trong quí năm 2022 là 6.460 hồ sơ, trong đó có 4.462 hồ sơ trực tuyến (chiếm tỷ lệ 69%).
Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của một số doanh nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn quí 1-2022 của Cục Thống kê Đà Nẵng cho thấy, có 49,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quí 1 năm 2022 ổn định và tốt hơn so với quí 4 năm 2021 và có đến 50,7% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Dự báo về quí 2 năm 2022, có 88,4% doanh nghiệp lạc quan cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn quí 2; 11,6% doanh nghiệp còn lại dự báo tình hình sẽ còn tiếp tục đối mặt với khó khăn.
Trong khi đó, theo kết quả điều tra lao động việc làm, lực lượng lao động đang có xu hướng tăng lên rõ rệt. Sơ bộ quí 1-2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tại thành phố Đà Nẵng khoảng 621.500 người, tăng 4,1% so với cùng kỳ và tăng 4,7% so với cuối năm 2021.
Thu nhập của người lao động làm công hưởng lương đã có những chuyển biến rõ rệt so với quý trước, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn cùng kỳ. Cụ thể, thu nhập bình quân của người làm công hưởng lương trong quí 1-2022 sơ bộ đạt hơn 7 triệu đồng/người/tháng, giảm 2% cùng kỳ nhưng tăng 29,5% so với quí trước, đây có thể được xem là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thành phố đang dần phục hồi và phát triển trở lại. Đặc biệt, thu nhập của người làm công hưởng lương ở khu vực nông thôn tăng khá cao ở mức 7,8% so với cùng kỳ và 44,6% so với quí trước, khoảng cách chênh lệch về mức thu nhập giữa hai khu vực đang dần thu hẹp.