(KTSG) - Trong khi dữ liệu - dữ liệu mở là loại tài nguyên “dầu mỏ” cho công nghiệp dữ liệu - kinh tế dữ liệu, thì đến lượt mình, kinh tế dữ liệu sẽ là một thành tố quan trọng và cốt lõi của nền kinh tế số của mỗi quốc gia.
Dữ liệu - loại “dầu mỏ” mới?
Trong nền kinh tế số, dữ liệu đang được ví như một loại “dầu mỏ” mới - loại nguyên liệu không thể thiếu cho sự vận hành của các chủ thể, từ nhà nước đến doanh nghiệp. Theo Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), dữ liệu sẽ thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc cải thiện tính hiệu quả và đổi mới của nền kinh tế.
Theo đó, dữ liệu có hai chức năng chính: (i) dữ liệu là yếu tố đầu vào quan trọng của các hoạt động sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nền kinh tế số; (ii) dữ liệu sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách lưu chuyển thông tin từ đó giảm thiểu tình trạng bất cân xứng thông tin và chi phí giao dịch, qua đó tác động đến tính minh bạch, hiệu quả, công bằng, cạnh tranh[1].
Hiện nay, quyết định dựa trên dữ liệu theo thời gian thực đang là xu hướng mới và chứng tỏ tính ưu việt trong quản trị và điều hành doanh nghiệp. Thực tế cho thấy những công ty giá trị lớn nhất trên thế giới hiện nay đều có điểm chung là lấy dữ liệu là yếu tố trung tâm.
Hình dung nền kinh tế dữ liệu
Kinh tế dữ liệu (KTDL) trở thành một chủ đề hấp dẫn trong các thảo luận ở cấp độ quốc gia cho đến toàn cầu. Tùy vào góc nhìn rộng hay hẹp mà KTDL sẽ được xác định theo phạm vi nội hàm khác nhau.
Nhìn từ góc độ hẹp, KTDL có thể đồng nhất với ngành công nghiệp dữ liệu - một ngành công nghiệp cơ bản tạo ra một nguồn tài nguyên được gọi là dữ liệu và cung cấp nó trên toàn bộ phạm vi của nền kinh tế tổng thể. Theo đó, một hệ sinh thái dữ liệu được vận hành quy tụ những người tham gia thực hiện các hoạt động liên quan đến dữ liệu như tạo lập, tích lũy, xử lý, trao đổi, khai thác và bảo vệ dữ liệu. Nói cách khác, dữ liệu và dịch vụ liên quan tới dữ liệu chính là thành phẩm của ngành công nghiệp dữ liệu.
Để dễ hình dung, xin cung cấp một bức tranh tổng thể về kết cấu ngành công nghiệp dữ liệu của Hàn Quốc trong giai đoạn từ 2010-2017 (xem biểu đồ).
Qua hình trên có thể thấy, ngành công nghiệp dữ liệu là một hệ sinh thái bao gồm ba lĩnh vực: (i) giải pháp dữ liệu; (ii) xây dựng và tư vấn dữ liệu; (iii) dịch vụ dữ liệu.
Trong đó, dịch vụ dữ liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất. Doanh thu của các công ty kinh doanh dịch vụ dữ liệu đến từ hoạt động bán, môi giới dữ liệu, cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu, xử lý dữ liệu thô. Có thể gọi các công ty này là công ty dữ liệu.
Bên cạnh đó, các công ty xây dựng, tư vấn dữ liệu chủ yếu tham gia vào hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu, tư vấn về chất lượng, thiết kế, sử dụng dữ liệu hay hoạt động xử lý tài liệu, thông tin thành dữ liệu kỹ thuật số,... Còn lại là các công ty cung cấp giải pháp dữ liệu bao gồm sản phẩm giải pháp về mô hình hóa, phân tích hoặc trực quan hóa dữ liệu, công cụ tìm kiếm,...
Tại châu Á, Hàn Quốc là một trong những đại diện điển hình cho mô hình phát triển KTDL. Với một thập niên kiên trì với chiến lược đổi mới sáng tạo thông qua tận dụng thành quả của công nghệ số, KTDL của nước này đã không ngừng phát triển và đạt quy mô lên đến lên khoảng 19.000 tỉ won (tương đương 16,81 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2020 (con số này chưa tính đến giá trị tác động gián tiếp của ngành công nghiệp này với tổng thể nền kinh tế nói chung)[2].
Với góc nhìn rộng, nền KTDL hay được gọi là nền kinh tế dựa trên dữ liệu, được định nghĩa như một hệ thống kinh tế trong đó dữ liệu được sử dụng như một nền tảng cho mọi hoạt động kinh tế và là một nguồn tài nguyên cốt lõi để tạo ra giá trị gia tăng mới trong các ngành công nghiệp truyền thống. Như vậy, bản thân ngành công nghiệp dữ liệu chỉ là một thành phần của nền KTDL. Giá trị của nền KTDL theo góc nhìn này sẽ bao gồm tổng giá trị của nền công nghiệp dữ liệu và giá trị kinh tế gia tăng dưới sự tác động của dữ liệu.
Dù nhìn ở góc độ nào thì cũng cho thấy, nền công nghiệp dữ liệu là nền tảng cho việc hình thành và phát triển của nền KTDL. Với tư cách là một ngành công nghiệp, công nghiệp dữ liệu đóng góp trực tiếp vào hệ thống kinh tế quốc gia. Mặt khác, thành phẩm của ngành công nghiệp mới này tạo nên những tác động liên kết đối với những ngành công nghiệp khác của nền kinh tế.
Bằng chứng tại các quốc gia (xem bảng) có những thành tựu ban đầu về KTDL cho thấy sự tác động này mang tính hai chiều: ngược và xuôi.
Với tác động liên kết ngược, ngành công nghiệp dữ liệu sẽ tác động đến những ngành công nghiệp thượng nguồn - cung cấp nguồn đầu vào trung gian cho ngành công nghiệp dữ liệu. Với tác động liên kết xuôi, dữ liệu lại chính là “nguyên vật liệu” đầu vào cho các ngành công nghiệp hạ nguồn để sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ phục vụ người tiêu dùng.
Hệ quả của hai chiều tác động sẽ làm “phình to” quy mô kinh tế quốc gia nói chung. Cần lưu ý rằng, việc tính toán đầy đủ quy mô của nền KTDL theo góc nhìn rộng cần phải có quá trình, số liệu trong bảng chỉ bao gồm giá trị của ngành công nghiệp dữ liệu và giá trị thặng dư nhờ tác động liên kết ngược của ngành này đối với ngành công nghiệp thượng nguồn. Đồng nghĩa, quy mô thực của nền KTDL của các quốc gia được đề cập còn cao hơn rất nhiều con số thể hiện ở đây.
Dữ liệu mở - đòn bẩy của nền KTDL
Dữ liệu là một loại “tài nguyên” đặc biệt, quy mô càng lớn thì giá trị càng cao, càng được chia sẻ và tái sử dụng càng tạo ra giá trị. Chính vì vậy, giá trị cốt lõi của nền KTDL là tạo ra một cơ chế khai thác giá trị, chia sẻ và sử dụng dữ liệu một cách tối ưu nhất. Vì lẽ đó, trong tiến trình thực hiện tầm nhìn chiến lược về nền KTDL của các quốc gia, một trong những bước đầu tiên được triển khai là xây dựng và thực thi chiến lược về dữ liệu mở.
Các chính phủ sẽ tiên phong chia sẻ công khai dữ liệu cho công chúng sử dụng cho các mục đích thương mại lẫn phi thương mại. Từ nền tảng này, các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp và gián tiếp đến dữ liệu sẽ được tạo ra và hình thành nên ý thức về khai thác giá trị kinh tế của dữ liệu trong công chúng nói chung và nền kinh tế nói riêng.
Điển hình như tại Hàn Quốc, chính phủ nước này đã có nhận thức khá sớm về tầm quan trọng của dữ liệu nên đã có những biện pháp kiến tạo nền KTDL từ năm 2011. Một trong những dấu mốc quan trọng tiếp theo đó là việc ban hành chính sách về dữ liệu mở vào năm 2013 nhằm thiết lập một hệ thống chia sẻ dữ liệu chính phủ một cách công khai để cộng đồng sử dụng.
Toàn bộ dữ liệu công cộng dưới sự kiểm soát của các cơ quan hành chính trung ương lẫn địa phương (ngoại trừ dữ liệu liên quan đến an ninh quốc gia và dữ liệu cá nhân) được cung cấp đầy đủ cho công chúng dưới định dạng mở.
Tương tự, chiến lược và chính sách về dữ liệu mở đã được Nhật Bản ban hành từ năm 2012. Mỹ cũng thực hiện việc này vào năm 2013 với một khung nguyên tắc về dữ liệu mở bao gồm: (i) tuân thủ các tiêu chuẩn dữ liệu và tiêu chuẩn siêu dữ liệu; (ii) xây dựng hệ thống thông tin để hỗ trợ khả năng tương tác và khả năng truy cập thông tin; (iii) xây dựng kho dữ liệu để tăng cường quản lý dữ liệu và tính mở; (iv) lấy người dùng làm trung tâm - cách tiếp cận thân thiện với giao diện lập trình ứng dụng (API); (v) đảm bảo cơ chế bảo vệ đầy đủ dữ liệu liên quan đến quyền riêng tư.
Suy cho cùng, bài toán của bất kỳ nền kinh tế nào cũng là sự kết nối của hai yếu tố: cung - cầu. KTDL cũng không là ngoại lệ. Cho nên, muốn xây dựng nền KTDL cũng phải giải quyết được bài toán cung - cầu. Trong tổng hòa chiến lược KTDL của một số quốc gia, người viết nhận thấy đều tập trung vào bốn khía cạnh lớn: (i) yếu tố cầu: xây dựng thị trường dữ liệu; (ii) yếu tố cung: phát triển công nghệ cốt lõi (thu thập, xử lý và hấp thụ dữ liệu) và nguồn nhân lực (các chuyên gia dữ liệu); (iii) xây dựng hệ sinh thái dữ liệu; và (iv) xây dựng khung pháp lý để xác định tính pháp lý của dữ liệu cũng như quyền của các chủ thể có liên quan đến dữ liệu như: chủ thể dữ liệu, bên xử lý dữ liệu, bên kiểm soát dữ liệu.
Tựu trung lại, KTDL sẽ là một thành tố quan trọng và cốt lõi của nền kinh tế số của mỗi quốc gia. Vì vậy, trong tầm nhìn phát triển kinh tế số cần phải có chính sách kiến tạo các tiền đề cho sự ra đời và hình thành ngành công nghiệp dữ liệu, tiến tới nền KTDL.
--------------
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM
(**) Công ty Luật Thắng và các đồng nghiệp.
Tài liệu tham khảo
[1] IMF (2019), The Economics and Implications of Data: An Integrated Perspective
[2] http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20210316001009
[3] Tác giả tổng hợp số liệu từ European Comission (2020), The European data market monitoring tool, https://op.europa.eu/en/publication-detail/-/publication/9fb0599f-c18f-11ea-b3a4-01aa75ed71a1/language-en
[4] Số liệu bao gồm EU27+ Vương quốc Anh.