Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Mỹ suy giảm – có nên lo không?

Ngân Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau quãng thời gian tăng trưởng ấn tượng, kinh tế Mỹ đã bất ngờ tăng trưởng âm trong quí 1 vừa qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng điều này không đồng nghĩa với việc sắp xảy ra một cuộc suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bất ngờ suy giảm

Theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 28-4, GDP ba tháng đầu năm của nước này đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này là sự đảo lộn đáng kể so với hồi năm ngoái khi kinh tế Mỹ tăng tới 5,7% - mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1984.

Theo The Washington Post, một trong những lý do chính dẫn đến sự sụt giảm trong quí 1 của nền kinh tế Mỹ bắt nguồn từ hoạt động đầu tư hàng tồn kho của các nhà bán lẻ tư nhân. Thông thường, các hãng bán lẻ mua trước một lượng hàng hóa để chuẩn bị cho các đợt bán hàng trong tương lai. Trong một số trường hợp, các công ty cũng sẽ tích trữ cả nguyên vật liệu thô nếu họ cảm thấy lo lắng về sự ách tắc của chuỗi cung ứng, hoặc các vấn đề khác, ví dụ như sự leo thang giá cả. Đó là những gì đã xảy ra hồi cuối năm 2021, khi các hãng bán lẻ nhập một lượng lớn hàng hóa từ khá sớm để đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm trong dịp lễ.

Tuy nhiên, bước sang đầu năm 2022, nhiều công ty trong số này nhận ra rằng họ vẫn còn thừa rất nhiều áo len, đồ chơi, hoặc đồ dùng và không cần phải tích trữ thêm nữa. Sự sụt giảm hoạt động mua hàng tồn kho đã đóng một vai trò quan trọng trong sự suy giảm GDP - khoảng 0,84 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, những hạn chế trong xuất khẩu và sự gia tăng hoạt động nhập khẩu đã nới rộng mức thâm hụt thương mại, ảnh hưởng lớn đến số liệu GDP với mức giảm 3,2 điểm phần trăm. Điều này có nghĩa là nhập khẩu tăng chiếm hơn một nửa mức suy giảm GDP của Mỹ, một báo cáo của Goldman Sachs nêu rõ, và nói thêm rằng điều này “có thể phản ánh nhu cầu mạnh của thị trường nội địa” cũng như việc các nhà nhập khẩu gom mua hàng vì lo ngại chiến tranh Nga - Ukraine.

Joe Brusuelas - chuyên gia kinh tế trưởng tại RSM nhận định “Nhu cầu hàng hóa quá cao, buộc các doanh nghiệp Mỹ phải tìm tới các thị trường quốc tế để nhập hàng hóa. Nhu cầu này ngày càng gia tăng, và là vấn đề chính dẫn đến mức tăng trưởng âm”.

Những điểm sáng bị che khuất

Sự sụt giảm đã làm dấy lên nỗi lo ngại về một cuộc suy thoái - sự tăng trưởng âm trong hai quí liên tiếp, có thể sắp xảy ra khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ nâng lãi suất bảy lần trong năm nay.

“Không có gì phải nghi ngờ về việc nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức”, James Knightley, chuyên gia kinh tế quốc tế tại Công ty dịch vụ tài chính ING nhận định. “Nhiều gia đình đang ở trong tình trạng kiệt quệ vì giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, trong khi tốc độ gia tăng tiền lương không theo kịp với giá cả”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế không xem báo cáo này là một lý do để hoảng hốt. Họ tin rằng bức tranh kinh tế Mỹ nhìn từ số liệu GDP đã bị bóp méo bởi một số yếu tố, trong đó phải kể đến mức thâm hụt thương mại khổng lồ do gián đoạn nguồn cung. Các yếu tố này đã phần nào che lấp những điểm sáng đáng chú ý của nền kinh tế.

Ví dụ như, chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm khoảng hai phần ba GDP Mỹ, đã tăng khá tốt trong quí 1 với mức tăng 2,7%, cao hơn so với mức tăng 2,5% ghi nhận trong quí 4-2021, dù lạm phát vẫn tiếp tục gây áp lực lên giá cả hàng hóa. “Đây là sóng nhiễu chứ không phải là tín hiệu”, ông Ian Shepherdson, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics đánh giá.

Ông Ian Shepherdson cho rằng: “Xuất khẩu ròng đã bị ảnh hưởng bởi nhập khẩu tăng lên, đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng. Điều này không thể kéo dài lâu hơn nữa, và sẽ đến lúc nhập khẩu giảm hẳn, còn xuất khẩu ròng sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quí 2 và có thể là cả quí 3”.

Các công ty cũng đẩy mạnh đầu tư vào nhà máy, trang thiết bị và phần mềm nhằm tăng cường năng suất và sản lượng. Đầu tư doanh nghiệp trong quí 1 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ 2,9% trong quí 4-2021.

Thị trường việc làm cũng tiếp tục duy trì được sự khởi sắc với tỷ lệ thất nghiệp giảm nhiều hơn dự kiến ​​xuống còn 3,6%, gần chạm mức thấp kỷ lục trước cuộc suy thoái do Covid-19. Nền kinh tế Mỹ hiện đã phục hồi khoảng 93% số việc làm bị mất kể từ thời điểm phong tỏa ban đầu. Dữ liệu gần đây cho thấy Mỹ đã bổ sung 431.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 3-2022. Con số này gấp đôi so với mức trung bình trước dịch bất chấp ảnh hưởng từ lạm phát cao và tình trạng thiếu hụt lao động.

Với những cơ sở như vậy, các chuyên gia tin rằng con tàu tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm trở lại đường ray sau cú trật bánh trong quí 1. “GDP sụt giảm là điều gây bất ngờ, nhưng không phải là một con số thực chất”, nhà phân tích Mark Zandi của Moody’s Analytics nhận định với trang CNN Business. “Nền kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ đủ để kéo tỷ lệ thất nghiệp giảm sâu hơn”.

Cùng chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia kinh tế trưởng Joe Brusuelas của RSM cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng dương trở lại trong quí 2 năm nay. “Chắc chắn là như vậy”, ông Brusuelas khẳng định.

“Dù GDP giảm trong quí 1, nền kinh tế Mỹ sẽ không suy thoái. Nhu cầu trong nền kinh tế vẫn mạnh và thị trường lao động đang ở trong một trạng thái tuyệt vời. Tăng trưởng sẽ được nối lại trong quí 2”, chuyên gia kinh tế trưởng Gus Faucher của PNC phát biểu.

Giới chức Nhà Trắng cũng không mấy lo ngại về các số liệu GDP vừa được công bố. “Tôi không lo về suy thoái”, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định trong bài phát biểu ngày 28-4. “Trong quí vừa rồi, tiêu dùng đầu tư doanh nghiệp và đầu tư xây dựng nhà ở đều tăng mạnh… Tôi cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh, cho dù Mỹ vẫn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi như đại dịch Covid-19”.

Những rủi ro suy thoái trong dài hạn

Các nhà phân tích Phố Wall đánh giá nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ ở vẫn ở mức thấp, nhưng khó khăn trước mắt là vẫn còn. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, một thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 5,2% trong quí 1, cao gấp 2,6 lần so với mục tiêu lạm phát 2% mà cơ quan này đề ra.

Việc giá cả liên tục tăng cao được dự báo có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng chi tiêu của người dân - trụ cột quan trọng của nền kinh tế Mỹ. Các khảo sát gần đây về tâm lý người tiêu dùng cho thấy nhiều người Mỹ cảm thấy không chắc chắn về tương lai tài chính của mình. “Mọi người đang cảm thấy thận trọng hơn khi lãi suất bắt đầu tăng. Điều này là một cú sốc với nhiều người”, chuyên gia Knightley nhấn mạnh.

Beth Ann Bonino, chuyên gia kinh tế trưởng của S&P Global Ratings cũng bày tỏ lo ngại “Vấn đề lớn trong tương lai là khi nào người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu chậm lại? Liệu có lúc nào đó, mọi người bắt đầu cảm thấy rằng, họ đang tiêu quá nhiều vào khoản tiền tiết kiệm của mình, và cảm thấy mệt mỏi vì việc phải trả mức giá cao hơn hay không?”.

Để kiềm chế lạm phát, Fed dự kiến sẽ tiến hành một loạt đợt tăng lãi suất trong năm nay và điều này được dự báo sẽ kìm hãm hơn nữa tăng trưởng kinh tế. Các nhà giao dịch và đầu tư tại Mỹ kỳ vọng lãi suất cơ bản của Fed sẽ được đẩy lên khoảng 2,75% vào cuối năm nay sau nhiều đợt tăng. Trước đó, Fed đã tạm dừng chương trình mua trái phiếu hàng tháng nhằm duy trì lãi suất ở mức thấp. Ngay trong tháng này, Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lượng trái phiếu đang nắm giữ và nâng mức cắt giảm dự kiến lên tối đa 95 tỉ đô la/tháng.

Nhiều chuyên gia lo ngại nếu Fed mạnh tay quá mức trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, nền kinh tế có thể giảm tốc mạnh, thậm chí rơi vào suy thoái. Trong một dự báo mới đây, Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) đánh giá rủi ro “suy thoái đáng kể” sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 - hệ quả từ việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để ứng phó với mức lạm phát cao kỷ lục. Còn theo Goldman Sachs, khả năng nền kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng âm trong vòng một năm tới là khoảng 35%.

Theo ông José Torres, nhà kinh tế cấp cao tại Interactive Brokers, Fed đang ở một tình thế khó khăn. “Cơ quan này phải nhanh chóng siết chặt chính sách, và hy vọng rằng việc nâng lãi suất sẽ không giáng đòn lên nền kinh tế. Đó là cách duy nhất mà họ có vào thời điểm này. Việc hành động quá muộn đã làm giảm tính linh hoạt mà Fed có”, ông Torres nhận định.

CNBC nhận định, để duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như trong năm 2021, Washington sẽ phải đối mặt với nhiều bài toán khó, từ giải quyết các chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn cho tới việc tiến hành một số giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ cũng phải chuẩn bị tâm thế đối mặt với áp lực từ lãi suất cao hơn không chỉ từ Fed mà còn từ các ngân hàng trung ương khác cũng đang ra sức ứng phó với lạm phát.

Nguồn: Washington Post, CNBC, CNN Business, Yahoo News

2 BÌNH LUẬN

  1. Mỹ có suy thoái hay không cũng không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất cả. Vì nhu cầu là có thật, và nguồn cung đang thắt chặt. Fed tăng lãi suất cũng sẽ chỉ ảnh hưởng nhẹ đến Việt Nam mà thôi, lạm phát hiện tại bắt nguồn từ sốc cung, tăng lãi suất không giúp giảm mạnh lạm phát. Việt Nam muốn giảm thiệt hại từ tác động bên ngoài thì cứ tập trung vào sản xuất. Thực tế, các đơn hàng xuất khẩu như gỗ, dệt may… vẫn nhiều, thậm chí là đặt vượt công suất của doanh nghiệp.

  2. Thị trường Mỹ là rất lớn. Có những mặt hàng, tỷ lệ hàng xuất của ta đã vượt quá tỷ trọng 50% thị phần. Nhưng không vì vậy mà gia tăng, cứ nhắm mắt tối đa hóa công suất. Phải biết dè chừng, tránh rủi ro, bỏ trứng vào một giỏ, dễ đối phương đánh tập hậu. Bài toán đa phương, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, đối tác … vẫn chưa bao giờ cũ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới