(KTSG) - Nguy cơ suy thoái kinh tế tại châu Âu và Mỹ đang là điều được quan tâm sâu sắc tại Đông Nam Á, bởi đây đều là những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của khu vực.
- Suy thoái hay không suy thoái – những dấu hiệu trái ngược từ nền kinh tế Mỹ
- Đối mặt nguy cơ suy thoái, châu Âu giải cứu các công ty năng lượng
Những nguy cơ tiềm tàng khi châu Âu suy thoái
Theo DW, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt. Lạm phát đang gia tăng tại hầu hết các quốc gia thành viên.
JPMorgan Chase dự báo, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể giảm 2% trong quí 4. Tạp chí Economist mới đây cũng đưa ra cảnh báo “một cuộc suy thoái đang đến gần”.
Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hầu hết đều coi EU là một trong bốn đối tác thương mại lớn nhất của mình, đang theo dõi những diễn biến tại châu Âu với tâm lý thận trọng.
Tamara Henderson - chuyên gia kinh tế về ASEAN của Bloomberg Ecnonomics đánh giá, một cuộc suy thoái tại EU sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa, du lịch và đầu tư của ASEAN. Bà cho biết “tất cả những lĩnh vực này của ASEAN có thể ghi nhận sự suy yếu trong nửa cuối năm 2022”.
Các số liệu thống kê của EU cho thấy, các nước ASEAN đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 136 tỉ euro sang EU trong năm 2021, tăng mạnh so với mức 120 tỉ euro trong năm 2020. Còn theo dữ liệu của ASEAN, các quốc gia EU chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư vào khu vực trong năm ngoái.
Về du lịch, các du khách đến từ châu Âu chỉ chiếm khoảng 5% tổng số du khách đến khối ASEAN vào năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nhóm du khách này lại có xu hướng chi tiêu nhiều hơn so với khách du lịch từ các nước ASEAN khác hoặc từ Trung Quốc.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi tháng 7 đã sửa đổi dự báo đối với khu vực châu Á đang phát triển, bao gồm phần lớn các nước ASEAN, trong đó, tăng trưởng kinh tế được điều chỉnh giảm từ mức 5,2% xuống 4,6% trong năm 2022, và từ 5,3% xuống 5,2% trong năm 2023.
Và rủi ro nếu suy thoái kinh tế xảy ra tại Mỹ
Tình hình được dự báo sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu một cuộc suy thoái của EU kết hợp với một cuộc suy thoái tương tự ở Mỹ vào cuối năm nay.
Theo Maybank IBG Research, các nước ASEAN cũng sẽ chịu tác động lớn nếu Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế, trong đó, những nền kinh tế thiên về xuất khẩu sẽ là những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề hơn cả. Nền kinh tế Việt Nam dù không rơi vào tình trạng khó khăn sau những lần suy thoái kinh tế trước đây của Mỹ, nhưng mối tương quan giữa Việt Nam với nền kinh tế Mỹ đã gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua.
Chia sẻ với CNBC, ông Irvin Seah, chuyên gia kinh tế cấp cao của DBS Group Research cho biết: “Với quốc gia có nhiều mối liên hệ lớn với phần còn lại của thế giới như Singapore, thì bất kể một trận “sóng xung kích” ở bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ gây hiệu ứng lan tỏa lên toàn đất nước này. Dù vậy, ông không cho rằng Singapore sẽ rơi vào khủng hoảng kinh tế trong năm nay hoặc năm sau.
Ngoài Singapore, Thái Lan - nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch cũng được dự báo sẽ đối mặt với nhiều rủi ro khi du lịch chiếm tới 11% GDP của Thái Lan.
Cơ hội nào cho các nền kinh tế ASEAN?
Theo nhiều chuyên gia, các nền kinh tế ASEAN vẫn có nhiều cơ hội để hạn chế tác động tiêu cực từ những cuộc suy thoái ở Mỹ và châu Âu, nhờ hai động lực chính: các nguồn lực nội địa và quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Trước hết, ASEAN đang trải qua giai đoạn bùng nổ về nhu cầu nội địa khi nền kinh tế đã mở cửa hoàn toàn sau đại dịch. Chuyên gia Henderson cho biết “điều này có nghĩa là tăng trưởng ở hầu hết các nước ASEAN trong năm 2022 sẽ mạnh hơn so với năm ngoái”.
Mặt khác, một số nước ASEAN thậm chí có thể hưởng lợi từ những khó khăn đang xảy ra tại châu Âu. Ví dụ như Indonesia - nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ ghi nhận nhu cầu xuất khẩu năng lượng cao trong mùa đông tới, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa chấm dứt. Nước này cũng có thể hưởng lợi lớn từ việc xuất khẩu than trong dịp cuối năm, đặc biệt là sau khi EU áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với than nhập khẩu từ Nga.
Filippo Bortoletti, Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của Công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates, lưu ý rằng suy thoái kinh tế của EU thậm chí có thể khiến nhiều doanh nghiệp từ khối này cân nhắc đầu tư và chuyển đến ASEAN. Ông nói: “Các thương hiệu châu Âu có thể tìm thấy cơ hội phát triển mới bằng cách đầu tư vào một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới”.
Bên cạnh đó, Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN, cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các các quốc gia trong khu vực hạn chế tác động tiêu cực từ các cú sốc kinh tế tại Mỹ và châu Âu.
Ví dụ như trong lĩnh vực thương mại, các nước ASEAN trong năm ngoái nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 80 tỉ euro từ EU, chưa bằng 1/5 tổng lượng nhập khẩu từ Trung Quốc. Do vậy, việc gia tăng thương mại với nền kinh tế số 1 châu Á có thể phần nào bù đắp cho bất kỳ sự suy giảm thương mại nào với EU.
Tuy vậy, theo chuyên gia Chua Hak Bin, trong trường hợp Mỹ đối mặt với cuộc suy thoái “kéo dài”, việc Singapore có đối mặt với nguy cơ suy thoái như Mỹ hay không sẽ phụ thuộc vào tốc độ mở cửa lại nền kinh tế của Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này.
Ngành du lịch sẽ là minh chứng rõ nét nhất. Trước đại dịch Covid-19, có khoảng 3,6 triệu du khách Trung Quốc đã tới Singapore năm 2019, chiếm 13% tổng số du khách nước ngoài. Tuy nhiên, trong năm ngoái, con số này chỉ đạt mức khiêm tốn 88.000 người, và là một trở ngại lớn cho sự phục hồi của ngành du lịch, dịch vụ Singapore.
Tương tự, việc du khách Trung Quốc không đến ASEAN kể từ khi đại dịch bùng phát đã khiến Thái Lan rơi vào tình trạng “không thể bấp bênh hơn” nữa. “Chừng nào khách du lịch Trung Quốc chưa trở lại, Thái Lan vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi tốc độ tăng trưởng yếu, lạm phát tăng cao và đồng baht cũng đang chịu áp lực lớn,” ông Irvin Seah - chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng DBS nhận định.
Nguồn: DW, CNBC, The Star, The Edge Markets