Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Nhật Bản tăng tốc nhờ xuất khẩu và du khách quốc tế

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong quí 2 tăng cao gấp đôi so với dự báo của các nhà kinh tế nhờ xuất khẩu mạnh mẽ và dòng du khách đổ vào nước này.

Du khách tập nập ở khu phố mua sắm Nakamise thuộc quận Asakusa, Tokyo trong tháng 7 vừa qua. Ảnh: Kyodo/AP

Dữ liệu của Văn phòng nội các Nhật Bản công bố hôm 15-8 cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quí 2-2023 với tốc độ hàng năm là 6%. Đó là bằng chứng cho thấy Nhật Bản đang phục hồi mạnh mẽ sau đòn giáng của đại dịch Covid-19, ngay cả khi vẫn còn những thách thức đáng kể.

Đây là quí mở rộng thứ ba liên tiếp của nền kinh tế Nhật Bản sau khi tăng trưởng 3,7% trong quí 1 và tăng nhẹ 0,2% trong quí cuối năm ngoái. Con số quí 2 gây sốc cho các nhà kinh tế vì cao hơn gấp đôi mức dự báo của họ.

Lĩnh vực xuất khẩu đóng góp động lực quan trọng cho tăng trưởng của Nhật Bản trong quí vừa qua. Xuất khẩu bật tăng 3,2% so với quí trươc đó, chủ yếu nhờ xuất khẩu ô tô tăng lên. Lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô trong nước, gồm Toyota, Honda và Nissan, tăng lên trong những tháng gần đây nhờ nhu cầu xuất khẩu cải thiện.

Trong khi đồng tiền yếu khiến những mặt hàng nhập khẩu của nước này trở nên đắt đỏ hơn, giá cả hàng hóa trên thị trường toàn cầu, như dầu mỏ và khí đốt, giảm trong những tháng gần đây.

Điều đó giúp kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Nhật Bản giảm 4,3% so với quí trước.

Nền kinh tế Nhật Bản cũng được hỗ trợ nhờ lượng khách du lịch tăng sau khi chính phủ dỡ bỏ các hạn chế biên giới vào cuối tháng 4. Tính đến tháng 6, lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã phục hồi về mức khoảng 70% so với trước đại dịch. Chi tiêu của du khách được kỳ vọng sẽ mang lại cho nền kinh tế nước này một cú hích lớn hơn kể từ tháng này sau khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm tour du lịch theo đoàn sang Nhật Bản. Trước đại dịch, khách Trung Quốc chiếm hơn 1/3 chi tiêu của khách du lịch nước ngoài tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong quí vừa qua, chi tiêu tiêu dùng cá nhân ở Nhật Bản giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Sayuri Shirai, giáo sư kinh tế của Đại học Keio và là cựu thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng trung ương Nhật Bản, dù Nhật Bản đạt mức tăng trưởng ấn tượng, sự sụt giảm trong tiêu dùng trong nước vẫn là điều đáng lo ngại.

Bà giải thích, “lý do duy nhất giúp GDP tăng trưởng mạnh mẽ đến từ phía bên ngoài”, ám chỉ đến hoạt động xuất khẩu và làn sóng du khách quốc tế đến thăm Nhật Bản.

Các hộ gia đình và các tập đoàn Nhật Bản đang chi tiêu ít hơn ở thị trường nội địa. “Điều đó thực sự cho thấy, nền kinh tế trong nước đang hoạt động không tốt”, bà nói.

Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba và chủ nợ lớn nhất thế giới. Điều đó có nghĩa là hiệu quả hoạt động kinh tế của Nhật Bản có tác động tích cực trên toàn cầu.

Covid-19 không khiến nền kinh tế Nhật Bản “bầm dập” nghiêm trọng như các nước khác. Nhưng thiệt hại do tác động của đại dịch kéo dài lâu hơn đối với nước này, một phần là do những ách tắc trong chuỗi ảnh hưởng lớn nền kinh tế thiên về xuất khẩu của Nhật Bản. Một phần nữa là do Tokydo chậm dỡ bỏ các biện pháp phòng chống Covid-19.

Dữ liệu công bố hôm 15-8 cho thấy Nhật Bản cuối cùng cũng bắt kịp tăng trưởng của các nền kinh tế lớn khác. Tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản mạnh lên nhờ các nút thắt giảm dần trong chuỗi cung ứng các linh kiện quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản.

Stefan Angrick, chuyên gia kinh tế cấp cao của Moody’s Analytics tại Nhật Bản, nhận định, các dữ liệu mới nhất “là tin tốt cho các nhà xuất khẩu, sản xuất và ngành dịch vụ ở Nhật Bản”.

Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước vẫn chưa bắt nhịp với các lĩnh vực khác.  Chi tiêu trong nước chậm lại một phần do đồng yen yếu. Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thực phẩm và năng lượng, đồng thời đồng yen đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên so với đồng đô la Mỹ. Điều này đã đẩy chi phí nhập khẩu tăng cao, gây ra mức lạm phát cao chưa từng thấy ở nước này trong nhiều thập niên.

Đồng yen mất giá phần lớn là do chính sách sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng của Nhật Bản. Ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn duy trì mức lãi suất thấp nhất ngay cả khi Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác liên tục tăng.

Takahide Kiuchi, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura, cảnh báo đồng yen yếu là con dao hai lưỡi đối với nền kinh tế.

“Đây có thể là điều tích cực cho các nhà xuất khẩu, giúp họ tăng khả năng cạnh tranh và doanh thu. Tuy nhiên, đồng yen yếu có thể làm suy yếu tiêu dùng trong nước”.

Nhật Bản từ lâu bị mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp. Lợi nhuận và tiền lương ở các doanh nghiệp giảm trong nhiều thập niên. Các vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn khi dân số Nhật Bản giảm và già đi nhanh chóng, đồng nghĩa với việc ít người lao động và người tiêu dùng hơn.

Nhật Bản đã nỗ lực vượt qua sức ỳ kinh tế bằng các khoản chi tiêu khổng lồ của chính phủ và lãi suất thấp, nhằm khuyến khích doanh nghiệp và hộ gia đình vay mượn và chi tiêu.

Nhưng trong nhiều năm, tăng trưởng vẫn yếu hơn so với kỳ vọng và nợ công của đất nước ngày càng tăng.

Izumi Devalier, nhà kinh tế trưởng Nhật Bản ở ngân hàng Bank of America, cho rằng, số liệu tăng trưởng tích cực của quí 2 có thể giúp tạo tiền đề cho Ngân hàng trung ương Nhật Bản bắt đầu rời xa chính sách nới lỏng tiền tệ, một mục tiêu bị cản trở lâu nay do tăng trưởng chậm chạp. Tuy nhiên, sự phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu khiến triển vọng tăng trưởng của Nhật Bản dễ bị tổn thương

Takahide Kiuchi của Viện nghiên cứu Nomura cảnh báo, tình trạng tăng trưởng trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, là điều đặc biệt đáng lo ngại.

“Chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu chậm lại rõ ràng ở Trung Quốc và châu Âu. Điều đó có nghĩa là tính ổn định của mức tăng trưởng cao hiện tại của Nhật Bản không rõ ràng”, ông nói.

Theo NY Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới