Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm khi lạm phát siết chặt chi tiêu của người dân

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, tăng trưởng âm trong quí 1-2024. Đây là hệ quả của việc đồng yen suy yếu khiến lạm phát tăng và người tiêu dùng ngần ngại chi tiêu.

Người dân mua sắm tại chợ Kuromon 200 năm tuổi ở Osaka, Nhật Bản. Giá cả tăng cao khiến người dân Nhật Bản siết chặt chi tiêu trong quí vừa qua. Ảnh: WSJ

Theo số liệu của Văn phòng nội các Nhật Bản công bố hôm 16-5, GDP thực của Nhật Bản trong quí 1-2024 suy giảm 0,5% so với quí trước đó. Nếu tính trên cơ sở hàng năm (phản ánh mức tăng trưởng cả năm nếu tốc độ tăng trưởng quí 1 giữ nguyên trong các quí còn lại), GDP của Nhật Bản suy giảm 2%. Đây là quí thứ 3 liên tiếp kinh tế Nhật Bản tăng trưởng ì ạch. GDP của nước này suy gảm trong quí 2-2023, sau đó đi ngang trong quí 4.

Trong quí vừa qua, tiêu dùng cá nhân (chiếm hơn 50% nền kinh tế), giảm 7% so với quí cuối năm ngoái, đánh dấu mức giảm hàng quí lần thứ tư liên tiếp. Chi tiêu vốn, phản ánh nhu cầu của khu vực tư nhân, giảm 0,8% trong quí đầu tiên dù thu nhập doanh nghiệp tăng cao.

Ngoài ra, tăng trưởng cũng bị ảnh hưởng do các vấn đề tại Daihatsu Motor, công ty con của Toyota. Đầu năm nay, chính phủ Nhật Bản ra lệnh Daihatsu ngừng sản xuất vì vụ bê bối liên quan đến giấy chứng nhận kết quả kiểm định an toàn giả mạo.

Nhu cầu tiêu dùng trong nước của Nhật Bản đang suy yếu vì tốc độ tăng giá cả nhanh hơn tăng trưởng của tiền lương. Đồng yen yếu dai dẳng là yếu tố khiến giá cả tăng cao do người dân Nhật Bản phải trả nhiều hơn để mua xăng dầu và thực phẩm nhập khẩu bằng đồng đô la Mỹ. Đồng yen gần đây rơi xuống mức thấp nhất so với đồng bạc xanh kể từ năm 1990. Tính đến tháng 3, tiền lương thực nhận (sau khi điều chỉnh lạm phát) của người lao động Nhật Bản giảm 24 tháng liên tiếp.

“Giá tăng, đặc biệt là đối với nhu yếu phẩm hàng ngày đã làm nguội lạnh tâm lý người tiêu dùng”, Hiroshi Miyazaki, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu Itochu cho biết.

Trong mùa đàm phán tiền lương vừa qua, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đồng ý mức tăng lương lớn nhất trong 3 thập niên. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho biết, tiền lương sau khi điều chỉnh lạm phát của người lao động có thể tiếp tục giảm cho đến cuối năm nay vì sự suy yếu dai dẳng của đồng yen.

Toru Suehiro, nhà kinh tế trưởng của Daiwa Securities nhận định, đồng yen yếu làm phức tạp thêm câu hỏi liệu Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có nên duy trì kích thích tiền tệ hay rút dần chính sách này.

“Những tác động bất lợi của đồng yen yếu đang trở thành mối lo ngại lớn, có thể ủng hộ lập luận BoJ nên tăng lãi suất. Dù tiền lương thực có thể sẽ chuyển biến tích cực một chút trong nửa cuối năm nay, nhưng sẽ không tăng mạnh do đồng yen tiếp tục yếu”, Suehiro nói.

Yoshimasa Maruyama, chuyên gia kinh tế thị trường của SMBC Nikko Securities dự báo, thời điểm tăng lãi suất có thể bị đẩy lùi tùy thuộc vào mức độ phục hồi của GDP trong quí 2 hiện tại. “Việc BoJ tăng lãi suất hoặc giảm hoạt động mua trái phiếu có thể vực dậy đồng yen, giúp mức tăng thu nhập lan tỏa sang mức tăng tiêu dùng. Nếu điều đó không xảy ra, việc tăng lãi suất sẽ càng gây khó khăn, đặc biệt khi mức tiêu dùng vẫn còn yếu”, vị này nói.

Ông cho biết, dù nền kinh tế chắc chắn phục hồi trong quí hiện tại nhờ tiền lương tăng, nhưng bất ổn xung quanh hoạt động tiêu dùng lĩnh vực dịch vụ vẫn còn.

Hồi tháng 3, BoJ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007. Nhưng trong cuộc họp chính sách hồi cuối tháng 4, BoJ giữ nguyên mức lãi suất ngắn hạn ở biên độ từ 0-0,1%.

Đồng yen yếu đã tạo ra một nền kinh tế hai tốc độ ở Nhật Bản. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu và du lịch được hưởng lợi rộng rãi nhờ tỷ giá hối đoái cạnh tranh hơn, nhưng các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ chịu áp lực vì chi phí hàng nhập khẩu tăng cao.

Những biến động mạnh gần đây của đồng yen sau khi trượt xuống mức thấp mới trong 34 năm so với đồng đô la khiến Bộ Tài chính can thiệp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá đồng yen. Dòng tiền chảy ra khỏi tài khoản của BoJ cho thấy có thể có 2 đợt can thiệp trị giá khoảng 9.400 tỉ yen (60,8 tỉ đô la Mỹ).

Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách ở Tokyo trông cậy vào việc doanh nghiệp tăng lương và kế hoạch giảm thuế thu nhập sắp tới để thúc đẩy tiêu dùng và ngăn chặn tình trạng giảm phát quay trở lại.

Năm ngoái, Nhật Bản mất ngôi vị nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay của Đức, phản ánh mức giảm sâu của đồng yen so với đô la Mỹ cũng như tăng trưởng trì trệ của Nhật Bản trong nhiều thập niên.

Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế Nhật Bản sẽ tụt xuống vị trí thứ năm toàn cầu sau Ấn Độ vào năm 2025. Thời điểm này sớm hơn 1 năm so với dự đoán của IMF hồi tháng 10 năm ngoái.

Theo WSJ, AP, Reuters

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới