(KTSG) - Các số liệu kinh tế của Pakistan cho thấy tình hình tài chính nước này đang nguy ngập. Tính đến tuần trước, dự trữ ngoại hối Pakistan chỉ còn 2,9 tỉ đô la Mỹ, tương đương chưa đầy ba tuần nhập khẩu trong khi nợ công đã lên đến 270 tỉ đô la, bằng 79% GDP nước này. Lạm phát lên đến 27,6% vào tháng 1-2023, mức cao nhất kể từ năm 1975. Đồng rupee sụt giá mạnh sau khi Chính phủ Pakistan chấm dứt việc kiểm soát tỷ giá theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để nhận gói giải cứu. Phải đến 275 rupee mới đổi được 1 đô la Mỹ, giảm mạnh so với mức 175 rupee cách đây một năm.
- Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý rủi ro thanh toán khi xuất hàng vào Pakistan
- Đại công xưởng Sialkot (Pakistan), nơi tiền công khâu một quả bóng chỉ 0,75 đô la Mỹ
Năm ngoái Pakistan trải qua trận lụt kinh hoàng, gây thiệt hại đến 30 tỉ đô la, tác động lên cuộc sống hàng chục triệu người dân. Hiện nay Pakistan đang lâm vào tình trạng thiếu điện, thiếu cả lương thực, thực phẩm và thuốc men. Lạm phát, tác động của cuộc chiến tranh tại Ukraine lên giá lương thực và nhiên liệu cộng với mâu thuẫn chính sách kinh tế đã dẫn tới tình trạng khó khăn hiện nay của Pakistan.
Việc thiếu hụt ngoại tệ dẫn tới những khó khăn khác như lệnh hạn chế nhập khẩu để tiết kiệm ngoại tệ đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Sản lượng của các ngành sản xuất lớn như ô tô, hóa chất và dệt may giảm 5,5% vào tháng 11-2022 so với cách đó một năm. Ngân hàng Thế giới dự báo GDP Pakistan sẽ chỉ tăng 2% trong năm nay, bằng một nửa mức dự báo trước đó. Lũ lụt làm mất mùa vụ bông đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành dệt; chừng 7 triệu công nhân dệt đã mất việc kể từ mùa hè trước. Tình hình mất điện sẽ làm ngành này tiếp tục thiệt hại thêm chừng 70 triệu đô la.
Pakistan từng nhiều lần lâm vào khủng hoảng kinh tế, phải nhờ đến bàn tay của IMF; tính từ cuối thập niên 1980 đến nay, IMF đã 13 lần ra tay giải cứu nhưng không có lần nào trọn vẹn.
Một phái đoàn IMF đã bàn thảo với chính quyền Pakistan về việc tiếp tục giải ngân từ gói giải cứu trị giá chừng 6,5 tỉ đô la, thỏa thuận từ năm 2019. Các khoản giải ngân từ gói này đã tạm ngưng vào năm ngoái do chính phủ Pakistan tiếp tục trợ cấp giá nhiên liệu dưới áp lực của Quốc hội và cử tri. Như một trong những điều kiện để được IMF giải cứu, Pakistan phải chấm dứt trợ cấp giá nhiên liệu, chấm dứt hỗ trợ đồng rupee. Hiện nay Pakistan đã quay lại làm theo các khuyến cáo của IMF và đang chờ kết luận sau cùng của IMF.
Báo chí các nước, khi đưa tin về tình hình Pakistan, đều so sánh nước này với Sri Lanka, cũng do thiếu ngoại tệ để nhập khẩu lương thực, xăng dầu và các sản phẩm thiết yếu khác đã dẫn đến bất ổn xã hội, người dân biểu tình khắp nơi. Tuy nhiên đa phần đều nhận xét quy mô kinh tế của Pakistan lớn hơn nhiều, với 230 triệu dân, Pakistan xếp thứ 5 toàn thế giới. Nếu nước này dàn xếp được với IMF, ngoài các khoản giải ngân khẩn cấp từ IMF, Pakistan sẽ vay được từ các nước từng hứa như Ảrập Saudi hay UAE. Nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ công sẽ được đẩy lùi về sau nhưng bản chất của những khó khăn kinh tế Pakistan phải đối diện vẫn còn đó.
Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn của Pakistan với những khoản vay tổng cộng chừng 30 tỉ đô la. Trung Quốc từng nhiều lần khẳng định các khoản cho vay của họ không tạo ra “bẫy nợ” với các nền kinh tế đang phát triển như phân tích của nhiều nhà kinh tế.
Pakistan từng nhiều lần lâm vào khủng hoảng kinh tế, phải nhờ đến bàn tay của IMF; tính từ cuối thập niên 1980 đến nay, IMF đã 13 lần ra tay giải cứu nhưng không có lần nào trọn vẹn. Các vấn đề của nền kinh tế nước này như nợ công cao, mất cân đối thu chi… vẫn chưa được giải quyết và đặc biệt, do áp lực của các cuộc bầu cử, Pakistan hứa hẹn cải tổ với IMF nhưng lại không mạnh tay thực hiện các giải pháp thắt lưng buộc bụng. Lần này cũng vậy, dự kiến Pakistan sẽ trải qua cuộc bầu cử chính phủ mới vào tháng 8 năm nay; các chính trị gia từng lên tiếng chống đối các chính sách khắc khổ do IMF áp đặt để thu hút cử tri. IMF muốn Pakistan chấm dứt miễn thuế cho xuất khẩu, nâng giá bán xăng dầu, điện và khí đốt để cân đối thu chi ngân sách.
Ngoài IMF, Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn của Pakistan với những khoản vay tổng cộng chừng 30 tỉ đô la. Trung Quốc từng nhiều lần khẳng định các khoản cho vay của họ không tạo ra “bẫy nợ” với các nền kinh tế đang phát triển như phân tích của nhiều nhà kinh tế. Với Pakistan có khả năng Trung Quốc sẽ cho hoãn khoản nợ 1,2 tỉ đô la sắp đến hạn. Ảrập Saudi đang xem xét cấp một khoản tín dụng chừng 2 tỉ đô la nhưng cũng đặt những điều kiện buộc Pakistan phải cải tổ nền kinh tế như IMF yêu cầu.