Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế quí 1-2024 cho thấy sự phục hồi khó khăn

Trịnh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cuối tuần trước, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế, xã hội quí 1-2024 với nhiều thông tin lạc quan khi các chỉ số vĩ mô đang cho thấy nền kinh tế đã đi qua đáy và đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi vẫn đang chậm với nhiều biến số cần theo dõi thêm trong những quí sắp tới.

Gạo lứt được chuyển lên nhà máy để chế biến thành gạo thành phẩm để cung ứng xuất khẩu tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc (Tiền Giang). Ảnh: Trung Chánh

Nền kinh tế phục hồi từ nền thấp

Các chỉ số vĩ mô chính đang cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế. So với cùng kỳ 2023, GDP quí 1-2024 tăng 5,66%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,18%; bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 8,2%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,5%. Trong khi đó, lạm phát vẫn được giữ ổn định với mức tăng 3,77% so với quí 1-2023.

Quí 1-2023 là giai đoạn nền kinh tế khá ảm đạm, các chỉ số sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu suy giảm trong khi môi trường lãi suất ở mức cao. Chính vì vậy, mặc dù kết quả tăng trưởng quí 1-2024 khá tốt nếu so với cùng kỳ, nhưng nếu xem xét xu hướng trong vài quí gần đây thì nền kinh tế vẫn đang phục hồi chậm từ nền thấp của năm 2023 và chưa có sự bứt phá mạnh mẽ.

Phục hồi chưa thể bứt tốc trong quí 2

Với nền kinh tế vẫn đang đi lên từ nền thấp, các chỉ báo khác từ doanh nghiệp và dân cư trong tháng 3 và quí 1 cho thấy quá trình phục hồi kinh tế trong quí 2 sẽ vẫn khá khó khăn.

Về phía doanh nghiệp, số liệu tháng 3 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI đang quay trở lại mức dưới 50, đạt 49,9 điểm, cùng với đó là chỉ số sản xuất công nghiệp cũng đang có tốc độ tăng giảm dần trong quí 1.

Nền kinh tế sẽ vẫn đi theo xu hướng phục hồi, tuy nhiên quá trình phục hồi sẽ mất nhiều thời gian do động lực tăng trưởng đến từ doanh nghiệp và người dân vẫn còn khá yếu. Ngoài ra, những thay đổi sắp tới trong chính sách lãi suất tại Mỹ, EU và áp lực giảm phát tại Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam.

Một điểm đáng lưu ý là số liệu đăng ký doanh nghiệp. Trong quí 1, có gần 60.000 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, ở chiều ngược lại có gần 74.000 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động. Số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động vẫn đang nhiều hơn số lượng doanh nghiệp mới thành lập hoặc quay lại hoạt động, phản ánh sự phục hồi kinh tế vẫn đang rất khó khăn. Tín dụng bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3 là một chỉ báo cho thấy doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi và sẽ cần có thêm thời gian để hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại ổn định.

Về phía khu vực dân cư, khi kinh tế phục hồi, thu nhập và tích lũy của dân cư được cải thiện sẽ kéo theo sự tăng trưởng của chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ. Do đó, các chỉ tiêu về bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sẽ phản ánh được mức độ lan tỏa của phục hồi kinh tế đến người tiêu dùng cuối cùng.

Có thể thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ quí 1-2024 mặc dù tăng 8,2% so với quí 1-2023 nhưng lại đang trong xu hướng giảm kéo dài từ quí 4-2023 đến nay. Do vậy, sẽ cần thêm thời gian để tăng trưởng kinh tế thẩm thấu và phản ánh lên chỉ tiêu này.

Nhìn chung, kịch bản tăng trưởng cho các quí tiếp theo cho thấy kinh tế sẽ vẫn đi theo xu hướng phục hồi, tuy nhiên quá trình phục hồi sẽ mất nhiều thời gian do động lực tăng trưởng đến từ doanh nghiệp và người dân vẫn còn khá yếu. Ngoài ra, những thay đổi sắp tới trong chính sách lãi suất tại Mỹ, EU và áp lực giảm phát tại Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam.

Lạm phát là biến số cần theo dõi trong quí 2

Mặc dù lạm phát vẫn đang ở mức ổn định trong ba tháng đầu năm 2024 nhưng diễn biến của giá hàng hóa trong những tháng tiếp theo có thể sẽ kéo lạm phát vào chu kỳ tăng mới. Một số mặt hàng ảnh hưởng đến CPI như giá xăng, giá điện và giá thịt heo đang có xu hướng tăng từ đầu năm đến nay.

Giá xăng dầu là một biến số cần quan tâm khi các vấn đề căng thẳng địa chính trị đang tạo nên những lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung. Trong khi đó, các quốc gia sản xuất dầu mỏ vẫn đang duy trì thắt chặt sản lượng dẫn đến giá dầu giữ xu hướng tăng. Theo kế hoạch của OPEC, phải đến tháng 6 thì các quốc gia thuộc nhóm này mới nhóm họp để đưa ra quyết định cho kế hoạch sản xuất dầu mỏ trong nửa cuối năm. Do đó, trong quí 2, nhìn chung giá xăng dầu sẽ tiếp tục xu hướng đi lên.

Cùng xu hướng, giá thịt heo cũng đang giữ đà tăng trong ba tháng đầu năm trong bối cảnh quy mô đàn heo chưa phục hồi. Giá heo hơi cuối tháng 3 đang dao động quanh mức 60.000 đồng/ki lô gam, tăng 20% so với giai đoạn đầu năm 2024.

Giá điện sau hai lần điều chỉnh tăng trong năm 2023 thì Bộ Công Thương đã kiến nghị tiếp tục xem xét điều chỉnh giá điện trong năm 2024 trong bối cảnh EVN vẫn đang báo lỗ. Với việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ sáu tháng xuống ba tháng, các đợt điều chỉnh giá điện có thể diễn ra ngay từ giữa quí 2-2024.

Xu hướng tăng giá của các mặt hàng nói trên sẽ ảnh hưởng đến các cấu phần CPI chính là giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; và giao thông - vốn chiếm hơn 60% cấu phần của CPI. Nếu các cấu phần kể trên tiếp tục đà tăng trong quí 2, áp lực lạm phát sẽ tăng cao và có thể ảnh hưởng đến xu hướng chính sách tiền tệ - vốn đang duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới