(KTSG) - Cần phải gấp rút đầu tư vào nguồn nhân lực và hóa giải những điểm nghẽn về con người thì mới mong chúng ta sẵn sàng cho một nền kinh tế số.
Ngày 15-4-2022, UBND TPHCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) với chủ đề “Kinh tế số - Động lực tăng trưởng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai”.
Mặc dù các lãnh đạo, diễn giả cũng như người tham dự đã đề cập đến nhiều vấn đề, từ thử nghiệm cơ chế quản lý kiểu sandbox, cho đến nguồn lực đâu để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số, tính thiếu đồng bộ của chuyển đổi số trong các cơ quan công quyền, cho đến sự thiếu sẵn sàng của Việt Nam trước một số công nghệ mới, thì nổi lên trên hết lại là một vấn đề có thể bất ngờ với nhiều người: con người.
Ngay bản thân người viết trước khi tham dự diễn đàn cũng không cho rằng vấn đề con người là một điểm nghẽn của kinh tế số ở TPHCM hay Việt Nam vì nhiều người vẫn luôn tin rằng người Việt Nam có thể tiếp cận nhanh với công nghệ mới, và chính người viết nhìn thấy rất nhiều người Việt Nam đang triển khai các ứng dụng công nghệ rất hay trong lĩnh vực kinh tế số ở trong cũng như ngoài nước.
Quyết sách hay cơ chế sandbox, tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức và tầm nhìn của lãnh đạo về kinh tế số.
Thế nhưng, sau diễn đàn này, người viết nhận ra điểm nghẽn lớn nhất của kinh tế số ở Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, có lẽ chính là con người. Vấn đề con người có hai cấp độ.
Thứ nhất, là mức độ sẵn sàng tiếp cận công nghệ số của lực lượng lao động còn thấp. Chỉ 37% lao động ở TPHCM đã qua đào tạo, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia hay Singapore.
Mà đó là đã xem xét ở TPHCM, đầu tàu kinh tế, nhân lực của cả nước. Theo phân tích năng lực cạnh tranh kỹ thuật số của các quốc gia ASEAN+ do Viện Năng lực cạnh tranh châu Á tiến hành, nguồn nhân lực, đầu tư vào công nghệ - thông tin, và mức độ sẵn sàng của chính phủ điện tử của Việt Nam đều ở mức dưới trung bình của khu vực và thậm chí là tụt lại khá xa.
Chúng ta có thể thấy những bạn trẻ của Việt Nam “quẹt” Tiktok rất nhanh, nhưng khả năng viết e-mail, liên hệ công việc, hình dung được một quy trình giao dịch số hợp lý cũng như khả năng giải quyết vấn đề trên không gian số đều chưa đáp ứng được, và giải pháp đều dựa trên những nền tảng đầy rủi ro giao dịch và an ninh mạng.
Đó là những gì tôi quan sát được trong mấy ngày dự hội thảo ở TPHCM, và đi giao dịch giải quyết một số vấn đề cá nhân. Nó giúp tôi hiểu ra một nghịch lý giữa các con số điều tra và cảm nhận ban đầu của chúng ta là các bạn trẻ rất giỏi và tiếp cận công nghệ nhanh.
Thứ hai, là vấn đề nhận thức về kinh tế số. Ở đây lại có nhiều tầng.
Ở tầng thấp nhất là triển khai cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nơi vừa không có “số” (dữ liệu không được số hóa, thiếu hệ thống, chất lượng thấp) để hội nhập kinh tế số, vừa không có nguồn lực để làm chuyển đổi số.
Một điều rõ ràng là hoạt động chuyển đổi số là hoạt động đầu tư, tức là ban đầu phải bỏ tiền ra, mà như nhìn nhận của nhiều nước phương Tây là một khoản “chi phí” ban đầu trong hạch toán kế toán.
Nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ với tầm nhìn ngắn hạn sẽ rất khó bỏ tiền ra thực hiện chuyển đổi số trừ khi có sự hỗ trợ, sức ép từ bên ngoài hay nhiều yếu tố khác. Dịch Covid-19 đã tạo ra một phép thử cho phép một số dịch vụ trực tuyến thay thế các dịch vụ trực tiếp, nhưng khi nền kinh tế quay lại bình thường, câu chuyện tiếp tục chuyển đổi số có thể chững lại.
Ở tầng thứ hai, là nhận thức của các cơ quan công quyền tiến hành chuyển đổi số. Chuyện “quyền anh, quyền tôi”, “xài app của ai”, “tài liệu hướng dẫn của ai”, “chuyển đổi số theo cách của ai”, “ai làm đầu mối” là cực kỳ phức tạp. Câu chuyện các ứng dụng y tế trăm hoa đua nở trong dịch Covid-19 là một ví dụ rõ ràng.
Một vấn đề rất quan trọng là cách hiểu kinh tế số, chuyển đổi số của nhiều bộ ngành, các cơ quan tư vấn chính sách cho Chính phủ còn rất khác nhau, và điều này là bình thường ngay cả với nhiều nước đã đi trước Việt Nam về chuyển đổi số. Lấy ví dụ, nhiều người chỉ tập trung kinh tế số vào những ứng dụng công nghiệp 4.0, trong khi bỏ qua những tiềm năng của ứng dụng kỹ thuật số vào nông nghiệp, y tế, giáo dục...
Sự khác biệt về quan điểm này sớm muộn sẽ thể hiện ra bề mặt của các chính sách kinh tế số. Độ vênh trong chính sách, khác biệt lớn trong suy nghĩ, cách triển khai mô hình kinh tế số của các bộ, ngành, mà thiếu một đầu mối liên kết, điều phối chính là một điểm nghẽn tiềm tàng.
Tầng cuối cùng, chính là nhận thức về kinh tế số của các lãnh đạo cao nhất. Kinh tế số ở đâu trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, trật tự ưu tiên như thế nào so với những chiến lược kinh tế khác, và mối tương tác, quan hệ của nó đến các mục tiêu kinh tế - xã hội như thế nào?
Sẽ có nhiều người lao động bị mất việc do chuyển đổi số loại bỏ một số dịch vụ, công việc truyền thống (ví dụ trí tuệ nhân tạo, robot, chatbot, lấy đi công việc của con người), và luôn tồn tại những khó khăn do thiếu nguồn lực chuyển đổi số ở doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Những khó khăn này bản thân doanh nghiệp và hệ thống công quyền không thể giải quyết nếu thiếu nguồn lực đầu tư xã hội, mà muốn dẫn vốn đầu tư xã hội giải quyết những vấn đề này cần có những quyết sách và cơ chế ở cấp cao nhất. Mà quyết sách hay cơ chế sandbox, tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức và tầm nhìn của lãnh đạo về kinh tế số.
Chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang kinh tế số thật ra là mang một nhóm người có công nghệ, vốn, hiểu biết, năng lực thực thi chính sách lại với nhau trong một khu vui chơi “sandbox”, để họ mày mò, thử nghiệm mô hình mới, sản phẩm, dịch vụ mới với hy vọng tạo ra giá trị gia tăng cao cho xã hội. Để làm được thì tất nhiên cần hạ tầng, thể chế, công nghệ, vốn, nhưng trên hết, yếu tố con người vẫn là quyết định.
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Ai cũng nói về kinh tế số nhưng không ai nói an toàn về kinh tế số, người sử dụng có thể mất sạch 1 đêm hay thiết bị chỉ còn là cục gạch, tôi chưa bao giờ tin vào điện thoại hay PC.
Con người lúc nào cũng là trung tâm. Nhưng thời đại 4.0 cũng đòi hỏi yêu cầu cao hơn về con người thực tiễn, hơn là con người mang tính máy móc, rập khuôn, bị động, thậm chí a dua. Khi có tính thực tiễn, chiến lược số hóa sẽ được phân tích, chuẩn bị, tính toán một cách cẩn thận và khả thi hơn, cả về phương diện hiệu quả công việc và bài toán kinh tế. Công việc này đòi hỏi những con người kết nối, nghĩa là giữa các cấp lãnh đạo, cấp thừa hành, đến từng người dân… phải có sự liên thông chặt chẽ, trước hết cần phải đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo/ đào tạo lại chiến lược chuyển đổi số gắn với đào tạo nghề nghiệp.