Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế số sẽ chiếm 40% GRDP của TPHCM vào năm 2030

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Năm 2024, chỉ tiêu về kinh tế số của TPHCM phải đóng góp là 22% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Đến năm 2025, chỉ tiêu kinh tế số sẽ chiếm 25% và đến năm 2030 là chiếm 40% vào GRDP của TPHCM. Những chỉ tiêu từ nay đến năm 2030 của TPHCM đều cao hơn mặt bằng chung của cả nước từ 5-10%. Các chuyên gia nhận định, đây là một thách thức lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số của TPHCM.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Nghiên cứu giải pháp phát triển kinh tế số TPHCM” do Sở Thông tin và Truyền Thông TPHCM phối hợp với Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức vào ngày 26-4.

Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM nhìn nhận, kinh tế số là một khái niệm hoàn toàn mới và khó, không chỉ ở TPHCM mà kể cả Việt Nam. Thời gian vừa qua, TPHCM đã có nhiều hoạt động nhằm định hướng, phát triển kinh tế số cho thành phố.

Hiện TPHCM đang tập trung tìm giải pháp thúc đẩy phát triển tế số; từ đó nhằm thực hiện được những chỉ tiêu của quốc gia nói chung và TPHCM nói riêng. Trong quá trình thực hiện, không phải chỉ các cơ quan quản lý thành phố mà cần nhiều sự phối hợp của các đơn vị, doanh nghiệp, chuyên gia trí thức cùng tham gia cùng thực hiện các định hướng và giải bài toán đầy thách thức của TPHCM.

Ông Thắng thông tin Nghị quyết 31 năm 2022 của Bộ Chính trị đặt ra chỉ tiêu rất thách thức cho TPHCM, phải trở thành đầu tàu về kinh tế số và xã hội số. Theo đó, năm 2024, chỉ tiêu về kinh tế số của TPHCM phải đóng góp là 22% vào GRDP của thành phố. Đến năm 2025, chỉ tiêu kinh tế số sẽ chiếm 25% và đến năm 2030 là chiếm 40% vào GRDP của TPHCM. Tỷ lệ này là cao nhất cả nước và cao hơn mặt bằng chung của cả nước là 5-10%.

Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, thời gian vừa qua, TPHCM đã có nhiều hoạt động nhằm định hướng, phát triển kinh tế số cho thành phố.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp miền Nam thuộc Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cho rằng, mục tiêu kinh tế số năm 2025 của TPHCM đã gần kề nên đây là con số tạo thách thức rất lớn. Do đó, thành phố cần nghiên cứu sâu cách tính và các chỉ số mà Tổng Cục thống kê ban hành để đồng hành và phát triển.

Để đạt được mục tiêu này, TPHCM xác định các giải pháp trọng tâm trong năm 2024 là thúc đẩy kinh tế số trong một số ngành quan trọng. Đó là giáo dục, y tế, an sinh xã hội, du lịch; đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Cùng với đó là thúc đẩy hai cụm phát triển quan trọng của thành phố là khu công nghệ cao và khu công nghệ phần mềm Quang Trung.

“Các ngành và lĩnh vực này chiếm 70-80% đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế số. Trước đây, TPHCM tập trung và phát triển kinh tế số vào các doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp viễn thông. Tuy nhiên, đến nay việc dùng nền tảng số để thúc đẩy sự phát triển của các ngành chuyên sâu khác mới là vấn đề quan trọng”, ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp miền Nam thuộc Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel, TPHCM cần ban hành kế hoạch về kinh tế số tổng thể.

Để phát triển kinh tế số, đại diện Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố cho rằng TPHCM cần giải quyết ba vấn đề lớn là bộ đo lường kinh tế số định kỳ, chính sách để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Vấn đề thứ ba thành phố cũng cần tập trung là phát triển kinh tế số và chuyển đổi số ở 7 lĩnh vực chuyên sâu là y tế, giáo dục, du lịch, lao động, logistics, nông nghiệp, môi trường.

Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số, ông Thắng thừa nhận, vấn đề chính sách này thành phố còn chậm. “Đối với các doanh nghiệp lớn, họ có nguồn lực, có điều kiện có chuyên gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỉ trọng lớn lại chưa đủ điều kiện, nguồn lực và chính sách thúc đẩy để chuyển số nhanh. Nếu khối này chuyển đổi số nhanh, sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế số của TPHCM rất lớn”, ông nêu khó khăn.

Theo Tiến sĩ Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện đô thị thông minh và quản lý, Trường Công nghệ và thiết kế thuộc Trường Đại học Kinh tế TPHCM, có ba yếu tố quan trọng nhất để tiếp cận kinh tế số. Đầu tiên thành phố phải xác định được bộ khung đánh giá, tiếp theo xây dựng được chiến lược kinh tế số và làm thế nào để đánh giá được giá trị lan toả của kinh tế số cho tất cả các lĩnh vực khác.

Để đạt được những chỉ tiêu đề ra, ông Tuấn cũng đề xuất: “TPHCM phải xây dựng được một kế hoạch tổng thể, trong đó từng ngành cụ thể sẽ làm việc gì, đóng góp bao nhiêu, cách làm như thế nào, có chỉ tiêu cụ thể và có văn bản chính thức từ UBND TPHCM ban hành. Tất cả các ngành sẽ thấy chỉ tiêu, cách tính, phương pháp để cùng vận hành. Lúc này, TPHCM mới có thể đạt được chỉ tiêu đề ra”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới