Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế tăng trưởng thấp và những nỗ lực kích cầu

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Những nỗ lực kích cầu lại được nhắc đến trong bối cảnh dòng tiền đầu tư, tiêu dùng chảy chậm từ đầu năm đến nay. Nhưng trong đó một điểm mới là nỗ lực “làm sạch” dòng tiền, bao gồm hạn chế hoạt động cho vay sân sau, cho vay theo hệ sinh thái của các ông chủ nhà băng.

"Làm sạch" dòng tiền là một trong những cách để dòng chảy tín dụng bền vững hơn trong dài hạn. Ảnh minh họa: L.Vũ

Những diễn biến mới trong bức tranh tăng trưởng cho thấy nền kinh tế cuối năm còn gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo ADO công bố giữa tháng 12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam xuống mức 5,2%, từ mức 5,8% đưa ra hồi tháng 9, vì “sự suy giảm không lường trước được”.

Theo báo cáo, lý do chính giải thích sự tăng trưởng yếu hơn là vì tích lũy tác động của bên ngoài khi nhu cầu giảm, giải ngân đầu tư trong nước chậm, tăng trưởng việc làm và tiêu dùng trong nước chậm chạp, sản lượng công nghiệp và dịch vụ thậm chí còn tăng trưởng thấp hơn.

Bức tranh tăng trưởng tín dụng cũng cho thấy nhu cầu của nền kinh tế vẫn chưa phục hồi. Tính đến cuối tháng 11, tín dụng tăng trưởng 9,15% so với cuối năm 2022, con số được đánh giá là thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Trong khi đó, nhận định về tình hình vĩ mô trong 11 tháng đầu năm, nhiều chuyên gia đánh giá rằng vẫn có nhiều điểm sáng, khi có những tín hiệu tích cực xuất hiện, cho thấy nền kinh tế đang ở giai đoạn đầu của phục hồi. Các chỉ tiêu sản xuất, thương mại, tiêu dùng có cải thiện nhẹ, đầu tư cũng tăng trưởng trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm, lạm phát hạ nhiệt, mặt bằng lãi suất giảm về mức thấp.

Với các thông tin tốt xấu đan xen lẫn nhau, hàng loạt các cuộc họp tháo gỡ khó khăn, thảo luận giải pháp kích cầu được tổ chức, trong bối cảnh tình trạng sức khỏe của nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm lo ngại.

Chẳng hạn, cuối tháng 11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, trong bối cảnh được đánh giá là có một số tín dụng tăng trưởng âm, một số thì tăng trưởng ở mức cao.

Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) có dư nợ tín dụng đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những ngân hàng tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên, hạ lãi suất cho vay về mức thấp. ”Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung”, thông cáo của NHNN khi đó có đoạn.

Đến ngày 7-12, Chính phủ lại tổ chức họp với các ngân hàng, thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo Thông báo số 527 do Văn phòng Chính phủ phát đi ngày 18-12, về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị này, ngành ngân hàng sẽ phải tập trung giải quyết nhiều câu chuyện hơn, không chỉ nói đến việc đẩy mạnh cho vay theo hướng linh hoạt mà không hạ chuẩn, đồng thời còn nhắc nhiều đến việc quản trị ngân hàng.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Cơ quan quản lý cần đẩy mạnh thanh tra việc cấp tín dụng lãi suất thấp cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan, lợi ích nhóm của các ngân hàng thương mại.

Không chỉ có chính sách tiền tệ được rà soát lại để khơi thông dòng vốn, các chính sách tài khóa cũng được nhắc đến.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều ngành nghề, từ bất động sản, du lịch, sản xuất kinh doanh, cho đến tiêu dùng.

Tại kỳ họp mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi (chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi), đồng thời cũng gia hạn việc giảm thuế VAT (hiện mức 8%) cho đến tháng 6-2024.

Ngoài ra, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024 và dự toán ngân sách nhà nước cũng được thông qua, trong đó có cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024, hay cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đã bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán MSVN đặt kỳ vọng các chính sách tiền tệ, tài khóa và kích cầu tiêu dùng được ban hành trong nửa đầu năm 2023 sẽ cần thêm thời gian để phát huy tác động một cách rõ ràng hơn. Ngoài ra, niềm tin người tiêu dùng dần cải thiện trong bối cảnh mùa mua sắm cao điểm cuối năm đang đến cũng là một yếu tố hỗ trợ cho sự hồi phục của hoạt động tiêu dùng.

Hầu hết các chuyên gia và giới quản lý đều đồng tình rằng việc kích cầu nền kinh tế cuối năm cần sự phối hợp tổng thể, không chỉ từ phía đầu tư, tiêu dùng, mà còn đến từ việc cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, giải quyết các tồn tại trên thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp) hay bất động sản.

Tuy nhiên, vấn đề cuối cùng được quan tâm nhất vẫn là sự hiệu quả của các gói hỗ trợ, tránh tiêu cực, giảm thiểu tiền “rơi rớt” khi luân chuyển trong nền kinh tế. Chính phủ đã nhấn mạnh rằng kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt được như kỳ vọng, chẳng hạn như gói 120.000 tỉ đồng liên quan đến nhà ở xã hội hay gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước.

Một số nỗ lực kích cầu từ đầu năm đến nay

  • Nghị quyết số 33 của Chính phủ (ban hành 11-3-2023) về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
  • Quyết định 388 của Thủ tướng Chính phủ (4-2023), phê duyệt đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030
  • Nghị định 10 của Chính phủ (4-2023) sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
  • Nghị định 12 của Chính phủ (4-2023) cho phép giãn hoãn thuế, tiền thuê đất năm 2023.
  • Nghị quyết 82 của Chính phủ (18-5-2023) về thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch bền vững.
  • Nghị định 08 (ban hành 5-3-2023), sửa đổi một số quy định trong Nghị định 65 (năm 2022) về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng mở hơn, có lộ trình phù hợp hơn.
  • Nghị định 35 của Chính phủ (20-6-2023) sửa đổi một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, nhà ở.
  • Nghị định 41 của Chính phủ (28-6-2023) về giảm 50% lệ phí trước bạ xe ô tô trong nước, giảm 2% thuế VAT.
  • Nghị quyết 105 của Chính phủ (15-7-2023) về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính…
  • Quyết định 25 (10-2023) của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất năm 2023; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu năm 2024
  • Thông báo số 527 do Văn phòng Chính phủ (12-2023) về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới