Kinh tế Thái Lan: Hy vọng và thách thức
Thái Bình
Người dân miền Bắc Thái Lan reo mừng trước thắng lợi của đảng Puea Thai và bà Yingluck Shinawatra. Ảnh: Getty Images. |
(TBKTSG) - Sau thắng lợi giòn giã trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật 3-7, đảng Puea Thai (Vì người Thái), dưới sự lãnh đạo của bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, bắt đầu tập hợp một liên minh chính trị để hình thành chính phủ mới của Thái Lan; trong khi quân đội Thái nhanh chóng tỏ dấu hiệu cho thấy, họ chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử.
Những sự kiện mới nhất đó làm dấy lên niềm hy vọng, chính trường Thái Lan sẽ hạ nhiệt và nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sẽ ổn định, ít nhất trong thời gian trước mắt, sau nhiều năm bất ổn và xung đột chính trị. Thị trường chứng khoán Thái Lan đã có ngay một phản ứng tích cực: hôm thứ Hai, chỉ số chứng khoán SET Index tăng 4,7%, lên mức 1.090,28 điểm và đạt mức tăng cao nhất trong các thị trường chứng khoán châu Á.
Chính sách kinh tế mới
Trong cuộc vận động tranh cử vừa qua, với khẩu hiệu “Thaksin nghĩ, Puea Thai làm”, đảng Puea Thai hứa hẹn sẽ ban hành nhiều chính sách kinh tế giống với những chính sách mà ông Thaksin từng áp dụng trước đây mà giới kinh tế học gọi là “Thaksinomics” (kinh tế học kiểu Thaksin). Thaksinomics chính là yếu tố quyết định giúp ông Thaksin giành thắng lợi trong hai cuộc bầu cử năm 2001 và 2006 và cũng là yếu tố dẫn tơi thắng lợi của đảng Puea Thai hôm nay.
Ngay sau khi biết tin sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra, nữ doanh nhân 44 tuổi, cho biết chính phủ của bà sẽ tập trung xử lý những vấn đề kinh tế, đặc biệt là tình trạng giá cả tiêu dùng leo thang, trước khi xem xét những vấn đề chính trị chẳng hạn như ban hành lệnh ân xá để ông Thaksin có thể hồi hương.
Cũng như người anh nổi tiếng của mình, bà Yingluck nhấn mạnh rằng Thái Lan phải phát triển một nền kinh tế dựa trên tiêu dùng nội địa để hạn chế sự phụ thuộc vào các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc. Để làm được điều đó, đảng Puea Thai chủ trương phải nâng cao sức mua của người dân vùng nông thôn, vốn bị nhiều thiệt thòi so với giới trung lưu đô thị ở Bangkok và các thành phố công nghiệp khác. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, 20% dân số giàu nhất của Thái Lan nhận được 55% tổng thu nhập của xã hội trong khi 20% dân số nghèo nhất chỉ nhận được 4%, và Thái Lan là nơi có sự chênh lệch thu nhập lớn nhất châu Á.
Vì thế, trọng tâm chính sách kinh tế của tân chính phủ Thái Lan dưới sự lãnh đạo của bà Yingluck là nâng lương cơ bản cho người lao động lên mức 300 baht/ngày, tăng 40% so với hiện nay, và sẽ tăng dần lên mức 1.000 baht/ngày vào năm 2020. Chi phí lao động tăng sẽ được bù đắp bằng việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, từ mức 30% hiện nay xuống 23% trong năm tới và xuống 20% trong năm 2013.
Ngoài ra, đảng Puea Thai còn cam kết sẽ nâng giá mua lúa gạo của nông dân, khuyến khích nông dân sử dụng thẻ tín dụng (credit card), tăng mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp làm việc trong các cơ quan nhà nước thêm 41% so với hiện nay, tài trợ khoảng 1 triệu máy tính bảng (tablet PC) cho học sinh và tài trợ cho 73.000 ngôi làng của đất nước này mỗi làng 2 triệu baht để xây dựng các công trình văn hóa...
Về chính trị, chính sách của đảng Puea Thai sẽ giúp thu hẹp sự cách biệt về thu nhập và làm dịu xung đột chính trị giữa Bangkok, các tỉnh công nghiệp chung quanh thủ đô với các vùng Bắc, Đông Bắc dân cư đông nhưng ít có ảnh hưởng, nơi đảng Puea Thai có sự ủng hộ rất lớn.
Chính sách kinh tế này chắc chắn cũng sẽ làm tăng sức mua của xã hội, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Về lý thuyết, hàng trăm tỉ đô la Mỹ bơm vào vùng nông thôn sẽ nâng cao sức mua của người dân, tạo ra một hiệu ứng kích cầu rất lớn cho toàn bộ nền kinh tế. Dưới thời ông Thaksin, tiền được đưa về các thôn làng thông qua các chương trình xóa nợ cho nông dân, tín dụng giá rẻ... đã tạo ra sự bùng nổ trong chi tiêu của hộ gia đình. Trong giai đoạn 2002-2006, kinh tế Thái Lan tăng trưởng bình quân 5,7%/năm, bất chấp trở ngại do giá xăng dầu tăng, chiến tranh Iraq và sự bùng nổ dịch SARS.
Và thách thức thực tế
Tuy nhiên, hiện nay, do lạm phát đang gia tăng còn tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, nhiều nhà kinh tế đặt nghi vấn, liệu Thái Lan đã sẵn sàng cho sự hồi sinh của chương trình Thaksinomics hay chưa. Chutima Woramontri, nhà kinh tế của Ngân hàng BNP Paribas, dự tính những chính sách kinh tế chủ yếu của đảng Puea Thai sẽ tiêu tốn của ngân sách Thái Lan khoảng 264 tỉ baht (8,5 tỉ đô la Mỹ) trong năm nay và đó là một con số không nhỏ so với tình trạng của nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã lập tức bày tỏ sự quan ngại về phương hướng mà chính phủ của bà Yingluck có thể đi theo và ảnh hưởng của nó đối với trạng thái tài chính của Thái Lan, khả năng lạm phát bị đẩy lên cao và làm cạn kiệt các nguồn lực của chính phủ.
Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, tỷ lệ nợ công của Thái Lan đã vào khoảng 42% GDP và có thể tăng lên mức 60% GDP trong sáu năm nữa. Nếu thực hiện các chính sách kích cầu của tân chính phủ, con số nợ công của Thái Lan sẽ vượt qua ngưỡng an toàn.
Đó là một mối lo lớn khi tình trạng thu ngân sách của Chính phủ Thái Lan tỏ ra rất yếu kém. Tiền thuế chỉ đóng góp khoảng 17% GDP của Thái Lan, trong khi tỷ lệ này ở Nhật Bản là 27% và ở Anh là 40%. Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Paiboon Kittisrikangwan nói với hãng tin Reuters: “Trong bốn năm qua, tổng chi ngân sách tăng bình quân mỗi năm 8,8% trong khi tổng thu chỉ tăng một nửa con số đó, khoảng 4,2%/năm”, thâm hụt ngân sách là mối lo lớn của chính phủ nước này, chưa kể rằng phần lớn chi ngân sách của Thái Lan được dùng để thanh toán các nhu cầu hiện tại, chỉ có khoảng 17% là vốn đầu tư cho tương lai. Ngay từ trước bầu cử, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã đề nghị cải tổ chính sách thuế, tăng thuế giá trị gia tăng từ mức 7% hiện nay và lấp những lỗ hổng trong chính sách thuế để chặn đứng tình trạng trốn thuế và tăng thu ngân sách.
Một mối lo lớn khác là lạm phát. Lạm phát ở Thái Lan trong tháng 5-2011 đã lên tới 4,2%, cao nhất trong 32 tháng qua. Theo giới phân tích, nếu lương cơ bản được nâng lên mức 300 baht/ngày như cam kết của đảng Puea Thai, tỷ lệ lạm phát có thể lên tới 15%.
Tăng lương còn đe dọa lợi thế lao động giá rẻ của Thái Lan trong việc thu hút đầu tư. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) năm 2010, một công nhân công nghiệp của Thái Lan nhận lương bình quân khoảng 263 đô la Mỹ/tháng, thấp hơn một chút so với công nhân Ấn Độ (269 đô la Mỹ), Malaysia (298 đô la Mỹ) và Trung Quốc (303 đô la Mỹ) song đã cao hơn so với công nhân Việt Nam, Indonesia, Philippines và Campuchia. Nếu tân chính phủ Thái Lan thực hiện tăng lương cơ bản 40% như đã cam kết, các nhà đầu tư có thể phải xem xét chuyển dịch cơ sở sản xuất ra khỏi Thái Lan, tới những nơi có chi phí thấp hơn như hiện tượng đang xảy ra ở miền Nam Trung Quốc.
Các chính sách kinh tế Thaksinomics tuy giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội song cũng có những mặt trái. Một số nhà kinh tế khác cho rằng, những chính sách của ông Thaksin trước đây đem lại rất ít hiệu quả trong việc tạo công ăn việc làm hoặc chuyển dịch nền kinh tế theo hướng giảm sự lệ thuộc vào xuất khẩu. Thực tế, tỷ lệ xuất khẩu trong GDP của Thái Lan đã tăng từ mức 50% năm 2005 lên 65% hiện nay.
Tín dụng giá rẻ cho nông dân cũng làm gia tăng mức độ nợ nần mà các hộ gia đình phải gánh chịu; tỷ lệ nợ so với thu nhập của gia đình người Thái đã tăng từ mức bình quân dưới 50% vào năm 2001 lên 57% hiện nay.
(Tổng hợp)