Kinh tế thế giới lại khủng hoảng
Huỳnh Hoa
![]() |
Hôm thứ Ba 9-8, thị trường chứng khoán Tokyo vẫn giảm điểm nhưng mức độ đã dịu hơn các ngày trước. |
(TBKTSG) - Tuần lễ vừa qua lẽ ra là một thời gian tốt lành cho kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới: sau nhiều tháng cãi vả cuối cùng giới lãnh đạo Mỹ cũng đi đến một thỏa thuận nâng trần nợ công, tránh cho nước Mỹ nguy cơ vỡ nợ và tránh cho thế giới một cơn động đất về tài chính. Nhưng tình hình đã không diễn ra như vậy.
Ngay trong ngày 2-8 - ngày nước Mỹ cạn tiền nếu chính phủ không được quyền vay mượn thêm - thị trường chứng khoán đã có một phiên tụt dốc thảm hại: chỉ số S&P 500 mất 2,6%. Xu thế bán tháo cổ phiếu lan rộng ra toàn cầu, kéo sang những ngày đầu tuần này và được củng cố bởi sự kiện lần đầu tiên trong 70 năm qua, Mỹ bị hạ bậc tín dụng. Tính đến thứ Hai đầu tuần này, thị trường Wall Street đã mất 15% giá trị chỉ trong hai tuần giao dịch và tình hình các thị trường khác cũng tương tự. Một nỗi lo âu và tâm lý mơ hồ ngự trị khắp các thị trường tài chính.
Nhà đầu tư có cơ sở để lo âu. Những số liệu mới công bố cho thấy kinh tế Mỹ vẫn chưa trở lại mức trước khủng hoảng năm 2007 và có nguy cơ rơi vào suy thoái trở lại khi Chính phủ Mỹ bị buộc phải thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt ngân sách.
Nhưng kinh tế Mỹ không phải là tác nhân duy nhất gây ra cơn tháo chạy trên thị trường. Ở châu Âu, sau khi được cứu nguy, tình hình Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã bớt căng thẳng, nhưng Tây Ban Nha và Ý - hai nền kinh tế “lớn đến mức không cứu nguy nổi” lại xấu đi rất nhanh. Nguy cơ Tây Ban Nha hoặc Ý hoặc cả hai sắp mất khả năng tiếp cận thị trường vốn cho thấy cuộc khủng hoảng nợ vẫn lây lan với những hậu quả ngày càng nghiêm trọng.
Đáng ngại hơn nữa, đã có những dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, các nền kinh tế hướng tới xuất khẩu hoặc khai thác tài nguyên như Đức, Nhật Bản và Úc sản xuất công nghiệp đang bị chậm lại đáng kể.
Trong tình hình như vậy, các chính phủ lại gần như không còn “công cụ” để đối phó. Cho đến cuối năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách kinh tế còn có thể hạ lãi suất xuống 0%, bơm tiền vào thị trường qua các chương trình “nới lỏng định lượng” QE1, QE2, nới lỏng tín dụng, kích cầu, khoanh nợ, tái cấp vốn... quy mô lên tới hàng ngàn tỉ đô la. Nhưng bây giờ, lạm phát, nợ công và thâm hụt ngân sách chẳng những khiến các chính phủ không dám tung tiền ra hoặc không còn tiền để tung ra mà ngược lại còn ra sức thắt chặt chi tiêu, bãi bỏ các khoản trợ cấp, và tăng thuế. Những biện pháp thắt lưng buộc bụng như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới sản xuất và xuất khẩu, làm cho triển vọng hồi phục kinh tế thêm xa vời ở các nước phát triển và gây thêm khó khăn cho các nền kinh tế đang phát triển.
Trong hoàn cảnh đó, Giáo sư Nouriel Roubini, Đại học New York, đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể tránh được một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nữa hay không?” Và ông trả lời: “đó là một nhiệm vụ bất khả thi”. Báo New York Times thì cho rằng, nếu xảy ra cuộc khủng hoảng lần hai - hay “khủng hoảng kép”, thì hậu quả sẽ kinh khủng hơn nhiều so với lần trước, năm 2008-2009. Cũng theo báo này, kinh tế Mỹ và châu Âu đang rơi vào một cái vòng luẩn quẩn nguy hiểm mà giới kinh tế học gọi là “feedback loop”, theo đó tình hình u ám sẽ khiến người ta co cụm lại, và vì mọi người co cụm lại nên tình hình sẽ u ám hơn, và cứ thế tiếp diễn.
Ở châu Á, mọi con mắt đang đổ dồn vào Trung Quốc. Trong cuộc suy thoái trước, kinh tế thế giới được chống đỡ phần nào nhờ sự tăng trưởng mạnh của nước này sau gói kích cầu trị giá 586 tỉ đô la Mỹ ban hành cuối năm 2008 và cao trào nới lỏng tín dụng tiếp theo đó. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 10%/năm đã giúp ổn định các nền kinh tế nhỏ hơn ở châu Á. Nhưng lần này, chẳng những Trung Quốc cũng bó tay mà bản thân Trung Quốc cũng đang gặp những bài toán khó giải: lạm phát lên tới 6,5% trong tháng 7-2011, cùng với núi nợ khổng lồ không có khả năng thanh toán của các chính quyền địa phương, đã khiến Bắc Kinh phải siết chặt tín dụng. N ếu ngành xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại, do khó khăn về thị trường hoặc tín dụng siết chặt, tác động đối với các nền kinh tế khác - dựa vào sự tiêu thụ của thị trường Trung Quốc các mặt hàng linh kiện, phụ tùng và nguyên liệu - sẽ bị suy giảm theo.
Cho dù cuộc khủng hoảng lần thứ hai này là không thể tránh được, nó vẫn không hẳn là sự tái diễn chính xác cuộc suy thoái 2008-2009. Chuyên gia về tài chính của báo Wall Street Journal Francesco Guerrera cho rằng có 3 điểm khác biệt quan trọng cần lưu ý để có biện pháp ứng phó phù hợp. Một là, cuộc khủng hoảng lần trước là “từ dưới lên”, khi người vay tiền mua nhà không trả được nợ, làm sụp đổ hệ thống tài chính; lần này là “từ trên xuống”, khi các chính phủ làm mất niềm tin của doanh nghiệp và thị trường tài chính, từ đó làm giảm đầu tư và tiêu dùng tư nhân. Hai là, lần trước các tổ chức tài chính gần như sạch vốn, phải cầu cứu các chính phủ, còn hiện thời các chính phủ mới là người trắng tay trong khi doanh nghiệp và ngân hàng dư thừa vốn liếng nhưng không chịu đầu tư và chi tiêu. Ba là, giải pháp cho cuộc khủng hoảng lần trước khá đơn giản, chỉ cần các chính phủ bơm tiền “kích cầu”, hạ lãi suất và cứu nguy thì tình hình có thể ổn định trở lại, nhưng lần này, thị trường không thiếu thanh khoản nên giải pháp đó không có hiệu quả. “Vấn đề thực là ở chỗ giới tài chính không tin tưởng lẫn nhau và không tin vào khả năng của các chính phủ trong việc kích hoạt đà tăng trưởng kinh tế”, ông Francesco Guerrera viết.
Nhưng làm thế nào để khôi phục niềm tin của thị trường là vấn đề chưa có lời giải. Trong lúc này, nhà đầu tư chỉ có thể tìm những nơi trú ẩn an toàn để bảo toàn vốn, chờ cơn giông bão qua đi. Và đó là lý do tại sao giá vàng lại tăng phi mã trong những ngày qua khi cổ phiếu và các mặt hàng khác đều xuống giá, trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn được coi là kênh đầu tư hấp dẫn bất chấp sự hạ bậc tín dụng Mỹ mà tổ chức xếp hạng S&P đưa ra.