(KTSG Online) - Kinh tế toàn cầu đang đối mặt thách thức lớn nhất trong nhiều thập niên, với mức lạm phát cao sẽ kéo dài dai dẳng và rất khó để kiểm soát. Đó là cảnh báo của các nhà hoạch định chính sách tại cuộc hội nghị thường niên của giới lãnh đạo ngân hàng trung ương toàn cầu tại Jackson Hole, bang Wyoming (Mỹ) trong tuần qua.
- Dow Jones giảm 173 điểm vì nỗi lo kinh tế suy thoái
- Nhiều nền kinh tế lớn có thể rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới
“Ít nhất trong 5 năm tới, việc hoạch định chính sách tiền tệ sẽ khó khăn hơn nhiều so với hai thập niên trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra”, Gita Gopinath, Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nói với Financial Times.
Bà cho biết: “Chúng ta đang ở trong một môi trường mà các cú sốc về nguồn cung sẽ biến động mạnh hơn nhiều hơn so với trước đây và điều đó sẽ tạo ra những đánh đổi tốn kém hơn đối với chính sách tiền tệ”.
Giá cả tăng vọt trong năm qua khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch Covid-19 va chạm với nhu cầu tiêu dùng cao được thúc đẩy bởi hỗ trợ tài chính và tiền tệ chưa từng tiền lệ có kể từ khi bắt đầu đại dịch. Cuộc chiến tranh quy mô toàn diện mà Nga phát động ở Ukraine đã gây ra một loạt cú sốc hàng hóa tạo, dẫn đến nhiều hạn chế về nguồn cung và tăng giá.
Những động lực này buộc các ngân hàng trung ương phải quyết liệt thắt chặt chính sách tiền tệ để đảm bảo lạm phát không ngấm sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Nhưng với khả năng hạn chế của họ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn cung, nhiều chuyên gia lo ngại họ sẽ buộc phải chấp nhận nỗi đau kinh tế hơn nhiều so với trước đây để khôi phục sự ổn định giá cả.
David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), cảnh báo các công cụ của ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển, không phù hợp để giải quyết áp lực lạm phát liên quan đến nguồn cung.
Các nhân vật chủ chốt của cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lẫn Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã cam kết hành động “vô điều kiện” để khôi phục sự ổn định giá cả. Jay Powell, Chủ tịch Fed, hôm 26-8 cảnh báo rằng có thể xảy ra một thời kỳ tăng trưởng chậm và thị trường lao động suy yếu kéo dài.
Gita Gopinath cho biết những người tham dự hội nghị còn đánh giá nhẹ sự không chắc chắn to lớn mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt.
Gopinath cảnh báo ECB sẽ đối mặt với sự đánh đổi đặc biệt gay gắt. Bà nói có nguy cơ một môi trường lạm phát đình trệ với tốc độ tăng trưởng kém và lạm phát cao sẽ xuất hiện ở châu Âu trong do tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng.
Malpass cho rằng các nền kinh tế đang phát triển cũng đặc biệt dễ bị tổn thương khi các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt.
Ông giải thích lãi suất cao làm tăng chi phí trả nợ của những nước này đồng thời khiến họ khó vay nợ mới hơn.
Ông nói: “Một thách thức đang ngày càng lớn là các nền kinh tế phát triển đang sử dụng nhiều vốn và tài nguyên năng lượng toàn cầu, dẫn đến thiếu vốn lưu động cho các khoản đầu tư mới ở những nơi khác”
Phát biểu tại hội nghị ở Jackson Hole, Changyong Rhee, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) nói rằng liệu thế giới có trở về môi trường lạm phát thấp hay không là “câu hỏi tỉ đô la”.
Mối quan tâm bao trùm tại hội nghị là thế giới và các mối quan hệ kinh tế làm nền tảng cho nó đã thay đổi cơ bản. Hội nghị chỉ ra chi tiết của những đứt gãy của nền kinh tế thế giới do tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine.
“Chúng ta có cuộc khủng hoảng năng lượng, cuộc khủng hoảng lương thực, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và chúng ta có chiến tranh. Tất cả đều có tác động sâu sắc đến hoạt động kinh tế của thế giới,” Jacob Frenkel, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Israel, chủ tịch hội đồng quản trị của Nhóm 30 (Group 30), một tổ chức nghiên cứu kinh tế độc lập, cho biết.
Vấn đề phức tạp là xác định mức độ thắt chặt chính sách cần thiết khi đối mặt với sự thay đổi không thể đoán trước của nguồn cung và giá cả.
Thomas Jordan, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ nói: “Hiện tại, chúng ta phải đưa ra quyết định của mình dựa trên bối cảnh có nhiều bất ổn. Việc diễn giải các dữ liệu kinh tế hiện tại là một thách thức và rất khó để phân biệt giữa đâu là áp lực lạm phát tạm thời và đâu là áp lực lạm phát kéo dài”.
Nhiều quan chức dự hội nghị tin rằng các sức mạnh cấu trúc giúp kiểm soát áp lực giá cả, chủ yếu là toàn cầu hóa và nguồn cung lao động dồi dào, đã đảo ngược.
Agustín Carstens, Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), cảnh báo: “Nền kinh tế toàn cầu dường như đang bước vào một sự thay đổi lịch sử khi các lợi thế của nguồn cung, giúp kiểm soát lạm phát, có thể biến thành những cản lực. Nếu vậy, áp lực lạm phát tăng gần đây có thể còn dai dẳng hơn”.
Những người hoài nghi về quan điểm này nói rằng họ tin tưởng các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới có thể ngăn chặn tình trạng lạm phát cao cố hữu.
Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết: “Vấn đề mà các ngân hàng trung ương cần tập trung là không thiết lập độ tin cậy về lạm phát. “Họ cần thực hiện lại chiến lược và điều chỉnh mục tiêu lạm phát cho một thế giới mà bạn sẽ có những cú sốc cung tiêu cực thường xuyên hơn và lớn hơn”.
Mục tiêu lạm phát 2% hàng năm, mà các ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế phát triển tuân thủ trong nhiều thập niên. đã được nêu ra nhiều lần trong suốt hội nghị. Các nhà kinh tế cho rằng mục tiêu này có thể cần được điều chỉnh để phù hợp với nền kinh tế toàn cầu đang bị rạn nứt.
Vào năm 2020, Fed tuyên bố đặt mục tiêu lạm phát ở mức trung bình 2% theo thời gian, để bù đắp cho những giai đoạn chưa đạt được mục tiêu trong quá khứ. Năm ngoái, ECB cho biết họ sẽ chấp nhận lạm phát tạm thời tăng trên 2%.
Nhiều nhà kinh tế ủng hộ mục tiêu lạm phát 3%. Theo Stephanie Aaronson, một cựu nhân viên của Fed, hiện đang làm việc tại Viện Brookings, điều này sẽ giúp các ngân hàng trung ương linh hoạt hơn để vượt qua các cú sốc về nguồn cung và hỗ trợ nền kinh tế trong những thời kỳ suy thoái.
Theo Financial Times