Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Trung Quốc bắt đầu thoát ra khỏi ‘bóng đen’ Covid-19

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc mở rộng mạnh mẽ trong tháng thứ hai liên tiếp, một dấu hiệu sớm cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới có thể đã thoát ra được các tổn thương từ chiến lược “zero Covid”.

Công nhân làm việc tại một dây chuyền lắp ráp của nhà máy của hãng xe Wuling Motors ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Hoạt động của nhà máy Trung Quốc đang tăng tốc sau khi Bắc Kinh tái mở cửa nền kinh tế . Ảnh: AFP

Hoạt động sản xuất nhà máy tốt nhất trong hơn một thập niên

Dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 1-3 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng 2 tăng lên mức 52,6 điểm so với 50,1 điểm trong tháng 1, cao hơn mức dự báo 50,5 điểm của các nhà kinh tế. Đây là mức điểm PMI ngành sản xuất cao nhất của Trung Quốc kể từ năm 2012.

Chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất cải thiện và ngược lại, nếu chỉ số này dưới ngưỡng 50 điểm, có nghĩa là hoạt động sản xuất suy giảm. Một chỉ số phụ theo dõi các đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng lên mức 52,4 điểm sau khi nằm trong vùng sụt giảm trong gần hai năm.

Trong khi đó, chỉ số PMI của các hoạt động phi sản xuất, bao gồm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, tăng lên 56,3 điểm từ 54,4 điểm trong tháng 1. Đáng chú ý, chỉ số xây dựng tăng từ 56,4 trong tháng 1 lên 60,2 trong tháng 2 khi các chính quyền địa phương tăng doanh số bán trái phiếu đặc biệt, thường được phát hành để huy động vốn chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng. Khoảng 860 tỉ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt, tương đương khoảng 124 tỉ đô la, được bán trong hai tháng đầu năm nay. Con số này cao gấp hơn 8 lần doanh số bán trái phiếu đặc biệt trung bình hàng tháng của họ trong nửa cuối năm 2022, theo Công ty tư vấn Capital Economics.

Sau khi chìm sâu trong cơn khủng hoảng do Bắc Kinh áp đặt các hạn chế cho vay đối với các công ty phát triển nhà ở, thị trường bất động sản của Trung Quốc bắt đầu ghi nhận các dấu hiệu phục về nhu cầu đối. Doanh số bán hàng của 100 nhà phát triển nhà ở hàng đầu của đất nước tăng 15% trong tháng 2 so với một năm trước đó, theo nhà cung cấp dữ liệu China Real Estate Information Corp.

Các dữ liệu mới mang lại sự nhẹ nhõm cho giới lãnh đạo Trung Quốc khi họ đang tập trung cho kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (quốc hội) vào cuối tuần này. Tin tức tốt lành giúp họ chuyển hướng chú ý vào tăng trưởng kinh tế, thay vì những tổn thất do chính sách “zero Covid” gây ra.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đáng thất vọng 3% trong năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu chính thức khoảng 5,5% do tác động từ cácbiện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt gồm các lệnh phong tỏa hà khắc khiến nhà máy phải đóng cửa hàng loạt, doanh số bán nhà sụt giảm và chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu.

Dữ liệu trên có thể giúp các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tự tin nâng dự báo tăng trưởng cho năm nay. Đây được coi là một động thái quan trọng để khôi phục niềm tin vào nền kinh tế và giới lãnh đạo của đất nước.

Mục tiêu tăng trưởng hơn 5% cho năm 2023

Hồi đầu năm nay, các quan chức và cố vấn kinh tế Trung Quốc đã tranh luận về việc liệu đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% cho năm 2023 có khả thi hay không. Cuối năm ngoái, Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho biết ông Hà Lập Phong, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), người được bổ nhiệm vào ghế của Bộ Chính trị Trung Quốc hồi tháng 10, đang vạch ra một kế hoạch nhằm tạo mức tăng trưởng hơn 5% cho năm nay.

Mục tiêu tăng trưởng cuối cùng dự kiến được tiết lộ trong báo cáo công tác của chính phủ được trình bày tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc vào ngày 5-3 tới.

Dữ liệu lạc quan về PMI đã thúc đẩy thị trường cổ phiếu Trung Quốc. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông, bao gồm cổ phiếu của một số công ty lớn nhất Trung Quốc, đóng cửa hôm 1-3 với mức với tăng hơn 4,2%.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cảnh báo không nên chú trọng nhiều dữ liệu của tháng 2 vì nó phản ánh các yếu tố chỉ xảy ra một lần như thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán cũng như nhu cầu bị dồn nén được giải phóng sau khi người dân Trung Quốc dần thoát khỏi các biện pháp kiểm soát Covid-19 trong tháng 12 và tháng 1.

“Dù nền kinh tế Trung Quốc thực sự đang phục hồi, nhưng vẫn chưa đạt đến mức đảm bảo tăng trưởng 6% trong năm 2023”, Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, nói. Ông dự dự báo tăng trưởng của Trung Quốc đạt 5,5% trong năm nay.

Các số liệu chính thức được công bố vào đầu tuần này cũng làm dấy lên lo ngại rằng những vết sẹo do đại dịch có thể hằn sâu. Số lượng việc làm tại các thành phố của Trung Quốc lần đầu tiên suy giảm sau sáu thập niên vào năm ngoái. Theo NBS, số người có việc làm ở khu vực đô thị trong năm 2022 giảm còn 459,3 triệu, thấp hơn 8,4 triệu người so với năm 2021. Trong khi đó, thu nhập khả dụng bình quân đầu người trong năm 2022 tăng 2,9% theo giá trị thực, mức tăng hàng năm thấp thứ hai kể từ năm 1989.

Triển vọng việc làm và tiền lương không khả quan có nguy cơ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng, điều mà Bắc Kinh đang kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong năm nay khi nhu cầu xuất khẩu dự kiến giảm.

Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc không có kế hoạch đưa ra các gói kích thích hoặc trợ cấp tiền mặt đáng kể vì giới chức trách thận trọng với rủi ro châm ngòi cho các đợt tăng giá quá mức đối với bất động sản và các tài sản khác giống như đã từng diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Bloomberg dẫn lời một nguồn tin cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy hài lòng với thành tích phục kinh tế, vì vậy, nhu cầu kích thích hiện tại chỉ ở mức vừa phải.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới