Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà máy ở Đông Nam Á tăng tốc sản xuất khi Trung Quốc tái mở cửa

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hoạt động của nhiều nhà máy tại Đông Nam Á đang cải thiện. Doanh nghiệp sản xuất của khu vực này kỳ vọng việc Trung Quốc tái mở cửa và đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ sớm tạo ra nhiều nhu cầu hơn cho hàng hóa của khu vực này.

Các nhà máy ở Đông Nam Á đã tăng cường sản xuất và mua nguyên vật liệu trong tháng 1 nhờ lượng đơn đặt hàng mới tăng lên, theo dữ liệu khảo sát của S&P Global Market Intelligence về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất công bố hôm 1-2.

Dữ liệu khảo sát cũng cho thấy giá, cả giảm và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng dịu lại cũng giúp nâng cao niềm tin của doanh nghiệp trong khu vực về sản lượng trong 12 tháng tới.

Công nhân làm việc trên một dây chuyền ráp láp xe tại một nhà máy của Honda ở tỉnh Prachinburi, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Thái Lan, Philippines và Indonesia vượt ngưỡng 50 điểm

Thái Lan dẫn đầu khu vực với chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 1 đạt 54,5 điểm, tăng so với mức 52,5 điểm của tháng trước. Chỉ số PMI của Philippines và Indonesia trong tháng này cũng trên 50 điểm, ngưỡng trung tính xác định hoạt động sản xuất đang mở rộng hay thu hẹp.

Dù chỉ số PMI ở nhiều nước khác trong khu vực vẫn ở trong vùng tiêu cực (dưới 50 điểm) trong tháng trước nhưng hầu hết đều ghi nhận các điều kiện sản xuất đã được cải thiện. Malaysia là nước duy nhất trong khu vực có các điều kiện xấu hơn hơn với chỉ số PMI ngành sản xuất giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng là 46,5 điểm.

Nhà kinh tế Maryam Baluch của S&P Global Market Intelligence đánh giá, với áp lực từ phía nguồn cung giảm bớt và tốc độ phát thấp hơn mức trung bình sau đại dịch Covid-19, các điều kiện kinh doanh trong những tháng tới ở Đông Nam Á có thể cải thiện hơn nữa. Điều quan trọng là các điều kiện về nhu cầu tiếp tục phục hồi và có thể hỗ trợ đà tăng trưởng sản xuất trong thời gian còn lại của năm 2023.

Ngành sản xuất Việt Nam bắt đầu cải thiện

Theo S&P Global Market Intelligence, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục đối mặt với các điều kiện kinh doanh khó khăn trong tháng đầu tiên của năm 2023.

PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 1 đạt 47,4 điểm, cải thiện nhẹ so với 46,4 điểm trong tháng 12 nhưng vẫn dưới 50 điểm do sản lượng và lượng đơn hàng mới tiếp tục suy giảm.

Tuy nhiên, ngành sản xuất của Việt Nam có một số dấu hiệu cải thiện về nhu cầu khi lượng đơn hàng mới giảm với tốc độ chậm lại với lượng đơn hàng xuất khẩu mới lần đầu tiên tăng trong 3 tháng. Việc làm nhà máy tiếp tục giảm nhưng với tốc độ chậm hơn. Trong khi đó, tốc độ lạm phát chi phí đầu vào tiếp tục tăng nhanh, đạt mức cao nhất trong 6 tháng trong tháng 1. Để bù đắp chi phí tăng lên, các nhà sản xuất ở Việt Nam đã giá bán lần đầu tiên sau ba tháng.

Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định tăng trưởng sản xuất của Việt Nam sẽ sớm nối lại nhờ động thái tái mở cửa của Trung Quốc cộng với các dấu hiệu cho thấy rủi ro tăng trưởng chậm lại ở châu Âu và Mỹ ít nghiêm trọng hơn dự kiến.

“Thực tế cho thấy niềm tin doanh nghiệp ở Việt Nam trong tháng 1 cải thiện lên mức cao nhất trong ba tháng. S&P Global Market Intelligence dự báo sản lượng công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng 6% trong năm 2023”, ông nói.

Khu vực Bắc Á chưa thực sự khởi sắc

Trong khi đó, hoạt động của các nhà máy ở khu vực Bắc Á chưa thực sự tích cực. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Hàn Quốc cải thiện nhẹ lên 48,5 điểm từ 48,2 điểm của tháng 12. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Nhật Bản ổn định ở mức 48,9 điểm, bằng với tháng trước.

Tuy nhiên, các cuộc khảo sát ở hai nước này cho thấy các nhà máy đang tăng tuyển dụng với kỳ vọng sự cải thiện của các điều kiện kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Với Đài Loan, triển vọng ngành sản xuất của lãnh thổ này đang xấu đi, chỉ số PMI giảm sâu xuống còn 44,3 điểm trong tháng 1 so với 44,6 điểm trong tháng 12. Các nhà sản xuất ở Đài Loan đang cắt giảm hoạt động mua hàng và hàng tồn kho.

Dữ liệu của S&P Global Market Intelligence cung cấp một cái nhìn rõ ràng hơn về tác động từ triển vọng nhu cầu toàn cầu đối với một số nền kinh tế dựa vào sản xuất lớn nhất của thế giới.

Trong tuần này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã lưu ý rằng chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương và cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong suốt cả năm 2023.

Tuy nhiên, IMF vẫn nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên 2,9%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đây sau khi nhận thấy nhu cầu phục hồi tốt ở Mỹ và châu Âu cũng như tác động tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng làm dấy lên hy vọng ở châu Á rằng đối tác thương mại lớn nhất của khu vực này sẽ sớm tạo ra nhiều nhu cầu hơn đối với hàng hóa của khu vực này.

Hoạt động kinh tế ở Trung Quốc đã mở rộng lần đầu tiên sau 4 tháng khi những gián đoạn do động thái chấm dứt đột ngột chính sách ‘zero Covid’ dường như đang giảm dần.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 31-1, chỉ số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc tăng lên 50,1 điểm trong tháng 1 từ 47 điểm trong tháng 12. Đây là lần đầu tiên chỉ số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc vượt mốc 50 điểm kể từ tháng 9 năm ngoái.

Tuy nhiên, theo khảo của Caixin/S&P Global, chỉ số PMI của Trung Quốc trong tháng 1 do chỉ nhích nhẹ lên 49,2 điểm so với 49 điểm của tháng 12. Điều này cho thấy ngành sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa phục hồi.

Chỉ số PMI của NBS tập trung vào các doanh nghiệp lớn của nhà nước còn, chỉ số PMI của Caixin/S&P Global tập trung vào các công ty nhỏ và các khu vực sản xuất ven biển, nơi có nhiều các công ty xuất khẩu.

Theo Bloomberg, Reuters, SPGlobal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới