(KTSG Online) - Với chỉ số giá tiêu dùng giảm xuống còn 0% và chỉ số giá nhà sản xuất giảm mạnh hơn trong tháng 6, kinh tế Trung Quốc đang tiến đến bên bờ vực giảm phát.
Báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 10-7 cho thấy, sau hai tháng tăng nhỏ nhọt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đứng im trong tháng 6. Trong tháng trước, khu vực sản xuất, vốn đã rơi vào tình trạng giảm phát, ghi nhận giá bán từ cổng nhà máy giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 7 năm. Điều này phản ánh nhu cầu ở nước ngoài đang suy yếu tương tự như nhu cầu ở trong nước.
Dữ liệu trên bằng chứng mới nhất về đòn giáng kép đối với nền kinh tế Trung Quốc do đà phục hồi trì trệ ở thời kỳ hậu Covid-19 và làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương ở phương Tây, khiến chi tiêu của người tiêu dùng suy giảm.
Các nhà kinh tế lo ngại, tình trạng sụt giảm giá cả trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vốn đã mong manh ở Trung Quốc, khiến nền kinh tế bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn, với nhu cầu yếu và giá cả thấp tác động qua lại để càng yếu hơn nữa.
“Trung Quốc chắc chắn phải đối mặt với áp lực giảm phát lớn”, Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group, người đã cảnh báo về một vòng xoáy giá cả đi xuống nếu những kỳ vọng về giảm phát trở nên ăn sâu trong tâm lý người tiêu dùng.
Sau một thời gian phục hồi ngắn nhờ chi tiêu cho các dịch vụ vào đầu năm nay, đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại kể từ tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm lao động trẻ tăng vọt lên mức kỷ lục hơn 20% trong 5. Trong tháng 6, hoạt động sản xuất của nước này suy giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, trong khi xuất khẩu sang Mỹ và các nền kinh tế phương Tây khác cũng suy yếu.
Gần đây, đà phục hồi của thị trường nhà ở, một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, cũng mất động lực dù Bắc Kinh đã nới lỏng nhiều chính sách để kích thích nhu cầu mua nhà.
Các nhà kinh tế lập luận rằng, tình trạng thiếu vắng lạm phát ở Trung Quốc, một diễn biến trái ngược với những gì hầu hết các nước trải qua sau khi mở cửa lại nền kinh tế, phơi bày các vấn đề mang tính cấu trúc trong nền kinh tế sau ba năm Covid-19, bao gồm cả bảng cân đối kế toán hộ gia đình xấu đi, làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng.
CPI của Trung Quốc không tăng trong tháng 6 so với một năm trước đó, sau khi tăng 0,2% trong tháng 5 và 0,1% trong tháng 4.
Dữ liệu CPI này ở mức yếu nhất kể từ tháng 2-2021 và thấp hơn mức tăng 0,2% theo dự báo của các nhà kinh tế.
Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động hơn, lạm phát cơ bản ở Trung Quốc tăng 0,4% trong tháng 6, giảm so với mức tăng 0,6% trong tháng 5. Điều này phản ánh nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ chậm lại.
Trong tháng trước, chĩ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc, thước đo giá cả của nhà sản xuất bán từ cổng nhà máy, giảm 5,4% so với một năm trước đó, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 12-2015 và cũng đánh dấu tháng thứ 9 liên tiếp giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu ảm đạm ở Trung Quốc đối lập rõ rệt với Mỹ và hầu hết các nền kinh tế khác ở phương Tây, nơi giá cả tiếp tục tăng bất chấp những nỗ lực tăng lãi suất để kiểm soát.
Tại Mỹ, lạm phát cơ bản đã tăng chậm lại nhưng vẫn ở mức cao 4,6% trong tháng 5, có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất. Tương tự, lạm phát vẫn ở mức cao tại 20 nước sử dụng đồng euro (euro), tăng 5,5% trong tháng 6 từ mức 6,1% trong tháng 5.
Tại Trung Quốc, các số liệu lạm phát yếu khiến các nhà kinh tế kêu gọi nỗ lực nhiều hơn để chặn đứng tâm lý bi quan và thúc đẩy nhu cầu.
“Cần có một cách tiếp cận toàn diện và các nỗ lực chính sách phối hợp để ổn định thị trường nhà ở, thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp để phá vỡ vòng xoáy giảm phát, Jian Chang, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc của ngân hàng Barclays viết trong một báo cáo gửi khách hàng hồi tháng 5.
Nhưng cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh vẫn hạn chế tung ra các gói kích thích lớn, một phần do khối nợ trong nề kinh tế tăng cao và lợi nhuận thu các khoản đầu tư của chính phủ suy yếu. Tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm một số lãi suất chính sách quan trọng. Dù vậy, nhiều nhà kinh tế dự đoán động thái này sẽ không ra tác động đáng kể trong việc thúc đẩy nhu cầu một phần do triển vọng ảm đạm của nền kinh tế.
Những nhà kinh tế khác dự báo Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp kích thích có trọng điểm.
“Với nhu cầu tín dụng vẫn yếu và đồng nhân dân tệ chịu áp lực giảm giá, chúng tôi nghĩ rằng phần lớn hỗ trợ sẽ đến từ chính sách tài khóa”, các nhà kinh tế của Công ty tư vấn Capital Economics, nhận định.
Theo WSJ