(KTSG) - Giới chuyên gia cảnh báo, các quốc gia ASEAN cần sẵn sàng đối mặt với một môi trường thương mại khó khăn hơn khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại; còn những nỗ lực tăng cường thương mại với Mỹ là chưa đủ để bù đắp sự sụt giảm về nhu cầu.
- Kinh tế Trung Quốc trì trệ, phủ bóng đen lên ASEAN
- Covid-19 tàn phá kinh tế Trung Quốc mạnh hơn dự báo
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu vì dịch bệnh
Hiện tại, các ngân hàng đa quốc gia bao gồm Goldman Sachs, Citi, JP Morgan và Morgan Stanley đều đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc xuống còn 4-4,3%, so với mục tiêu của chính phủ nước này là 5,5%, do lo ngại tác động từ chính sách zero Covid.
Các dữ liệu chính thức được công bố hôm thứ Hai tuần trước cho thấy, nhiều chỉ số quan trọng đo lường tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc đều không đạt mức kỳ vọng. Sản lượng công nghiệp trong tháng 4 đã giảm 2,9% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2-2020, trong khi doanh số bán lẻ lao dốc tới 11,1% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3-2020.
Tỷ lệ thất nghiệp dựa trên khảo sát toàn quốc tăng từ mức 5,8% lên 6,1% trong tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 2-2020, và vượt xa mức mục tiêu 5,5% của Chính phủ Trung Quốc. Đầu tư vào tài sản cố định, động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế khi xuất khẩu sụt giảm, dù đạt mức tăng 6,8% trong bốn tháng đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng dự kiến là 7%.
Trong chuyến thăm Vân Nam hôm 18-5, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhận định dữ liệu kinh tế tháng 4 “rõ ràng là yếu” và Trung Quốc sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để ổn định tăng trưởng và chuỗi cung ứng.
Kinh tế ASEAN đối mặt với nhiều khó khăn
Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc được dự báo có thể tác động tiêu cực và lan rộng tới nền kinh tế các quốc gia ASEAN. Theo Ban Thư ký ASEAN, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN kể từ năm 2009 và chiếm 18% tổng giá trị hàng hóa giao dịch của khối vào năm 2019. Ở chiều ngược lại, ASEAN cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
“Sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đang có những tác động khác nhau đến các khu vực khác nhau của ASEAN”, ông Jayant Menon, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở ở Singapore cho biết. “Ở khu vực sông Mêkông, các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc thuộc nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, tác động lớn hơn cả đối với các nước thành viên ASEAN diễn ra thông qua sự gián đoạn và đứt gãy của chuỗi cung ứng, do các biện pháp phong tỏa kéo dài được áp dụng liên tục tại Trung Quốc”.
Theo bà Park Cyn-young, giám đốc đơn vị hợp tác và hội nhập khu vực tại bộ phận nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc sản xuất đình trệ ở Trung Quốc sẽ có tác động lớn đến ASEAN. Trong đó, các ngành sản xuất, dệt may, thực phẩm và nguyên liệu thô sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Timothy Uy, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Moody’s Analytic cho biết, sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2023, tạo ra tình trạng thiếu hụt lao động và linh kiện, ảnh hưởng lớn tới các nước ASEAN.
Những nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng
Ngân hàng Natixis của Pháp cảnh báo, trong số các nước ASEAN, tăng trưởng kinh tế của Singapore có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự sụt giảm nhu cầu của Trung Quốc, tiếp theo lần lượt là Thái Lan và Malaysia.
Còn theo Nikkei Asia, nhiều quốc gia ASEAN như Thái Lan và Philippines từng kỳ vọng vào một sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm nay, đã phải điều chỉnh các dự báo lạc quan của mình, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng phi mã và dịch bệnh vẫn hoành hành tại Trung Quốc.
Ví dụ như tại Thái Lan, nền kinh tế trong quí 1 đã ghi nhận mức tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quí tăng trưởng thứ hai liên tiếp của nền kinh tế xứ chùa vàng, với tốc độ cao hơn đáng kể so với mức 1,8% của quí 4-2021. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá cả leo thang, và các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nước này, buộc giới chức Thái Lan phải hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay từ mức 3,5-4,5% xuống còn 2,5-3,5%.
Chia sẻ với Bangkok Post, ông Mana Nimitvanich, Phó chủ tịch phụ trách mảng nghiên cứu vĩ mô và rủi ro kinh doanh tại Krungthai Bank cho biết, chính sách zero Covid tại Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng của Thái Lan. “Trong quí đầu năm, lượng hàng hóa Thái Lan nhập khẩu từ sáu tỉnh Trung Quốc có số ca nhiễm Covid-19 cao, bao gồm Thượng Hải, Quảng Đông, Phúc Kiến, Sơn Đông, Chiết Giang và Giang Tô đã giảm mạnh. Các mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm hóa chất, phân bón, thủy tinh và sản phẩm gỗ”.
Các dữ liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu từ sáu tỉnh này sang Thái Lan đã giảm 16,4% trong tháng 2 và 2,4% trong tháng 3. Theo ông Mana, mặc dù các nhà máy tại Thái Lan đã tích trữ đủ sản phẩm công nghiệp cho khoảng từ 3-6 tháng, “tình hình xuất khẩu sụt giảm được dự báo có thể sẽ kéo dài trong phần còn lại của năm 2022, khiến những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu thô”.
Ông Chaichan Chareonsuk, Chủ tịch Hội đồng Vận tải Quốc gia Thái Lan cho biết, tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại dù đã ghi nhận mức tăng trưởng 4,18% so với cùng kỳ năm ngoái trong quí đầu tiên của năm nay. “Nếu xem xét kỹ các số liệu của quí đầu tiên, ba danh mục hàng xuất khẩu sang Trung Quốc có sự sụt giảm đáng kể là ô tô và phụ tùng ô tô (giảm 44,4%); các mặt hàng dễ hư hỏng như trái cây và rau quả (giảm 23,9%); và hóa chất (giảm 13,0%)”.
Một nền kinh tế khác trong khu vực là Philippines cũng được dự báo chịu nhiều tác động, ngay cả khi đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP đạt 8,3% trong quí đầu năm. Oxford Economics nhận định, triển vọng xuất khẩu hàng hóa của Philippines sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trước tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại chính của nước này. Trong quí 1, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Philippines, chỉ sau Mỹ, với tổng kim ngạch đạt 2,88 tỉ đô la, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam cũng được dự báo sẽ phải đối mặt với những tác động đáng kể. Theo Nikkei Asia, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 4 đã giảm khoảng 20% so với tháng trước. Sản xuất điện thoại thông minh cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm hoạt động xuất khẩu sang Nga, cũng như các vấn đề liên quan đến hải quan và chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. ADB hồi tháng 4 từng dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2022, tuy nhiên, mức tăng trưởng này có thể bị ảnh hưởng bởi những gì đang diễn ra tại Trung Quốc.
Mỹ gia tăng hiện diện thương mại tại ASEAN
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ đang đẩy mạnh các cam kết hợp tác với ASEAN trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Washington - Bắc Kinh ngày càng gia tăng. Hồi đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp đón các nhà lãnh đạo ASEAN tại Washington và gửi đi thông điệp rằng Mỹ rất nghiêm túc trong việc nâng cao quan hệ với khối 10 thành viên và cũng là nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới.
ASEAN hiện đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường sự hiện diện ở ASEAN.
Mỹ và các nước đối tác đã bắt đầu khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) khi ông Biden thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong chuyến công du kéo dài bốn ngày từ 19 đến 22-5. Theo dự thảo, IPEF sẽ bao gồm bốn trụ cột chính là thương mại; ổn định chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, giảm phát thải carbon và cơ sở hạ tầng; thuế và các biện pháp phòng chống tham nhũng. Giới chức Mỹ hy vọng các thành viên ASEAN sẽ tham gia sáng kiến mới của Washington.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ không tạo nhiều cơ hội để Mỹ mở rộng quan hệ với ASEAN trong ngắn hạn. Chuyên gia Menon cho biết: “Nhiều khả năng doanh số bán hàng của các nước ASEAN bị mất ở Trung Quốc sẽ được bù đắp bởi các thị trường khác trong khu vực hơn là ở Mỹ, nơi đang ngày càng có tính bảo hộ cao hơn”.
Các nhà quan sát ngoại giao nhận định, các quốc gia ASEAN sẽ không đứng về phía nào khi cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gia tăng trong khu vực, nhưng họ sẽ hợp tác với hai cường quốc dựa trên nhu cầu của riêng mình. Ông Louis Chan, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại nhóm nghiên cứu toàn cầu của Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông, cho biết “các sáng kiến thương mại khác nhau - do Trung Quốc và Mỹ thúc đẩy - sẽ tạo ra sự cân bằng lẫn nhau ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Cũng theo ông Chan, đại dịch và các biện pháp ngăn chặn “đột ngột” đã khiến nhiều nhà sản xuất bắt đầu suy nghĩ về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng ở châu Á, đặc biệt là đối với các sản phẩm phức tạp hơn như ô tô và hàng điện tử. “Kỷ nguyên hậu Covid sẽ không tuân theo mô hình toàn cầu hóa của quá khứ. Các doanh nghiệp sẽ phải tính đến khả năng phục hồi khi đối mặt với một vấn đề mang tính cấu trúc như đại dịch và họ phải nghĩ đến giá trị của việc duy trì khả năng phục hồi”.
Nguồn: SCMP, Nikkei Asia, Business Inquirer, Bangkok Post