Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Trung Quốc khựng lại, tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ cán mức kỷ lục mới

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tăng trưởng của Trung Quốc trong quí 2 chỉ nhích lên nhẹ so với quí 1. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệt ở giới trẻ cán mức cao kỷ lục mới. Các dữ liệu mới nhất cung cấp thêm bằng chứng cho thấy, xung lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai kể từ sau khi từ bỏ chính sách “zero Covid” đã khựng lại.

Điều này có thể gia tăng sức ép triển khai thêm các biện pháp kích thích lên giới hoạch định chính sách.

Các dữ liệu mới nhất về tăng trưởng GDP, doanh số bán lẻ, xuất khẩu, tỉ lệ thất nghiệp giới trẻ đều chỉ ra rằng bức tranh kinh tế của Trung Quốc ngày càng ảm đạm. Ảnh: Fxempire

Số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), công bố hôm 17-7, cho thấy GDP quí 2 của Trung Quốc tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo 7,3% của các nhà phân tích.

Số liệu tăng trưởng trong quí vừa qua được hưởng lợi nhờ hiệu ứng nền tảng thấp vào mùa hè năm ngoái khi Trung Quốc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh tế tê liệt. Nếu so sánh với quí trước, tăng trưởng của quí vừa qua của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ đạt 0,8%, chậm lại đáng kể so với tốc độ tăng trưởng hàng quí 2,2% trong quí 1.

Dữ liệu trên phản ánh sự suy yếu của doanh số bán lẻ và đầu tư của khu vực tư nhân, cũng như sự đảo chiều của hoạt động xuất khẩu, vốn là trụ cột giúp Trung Quốc tăng trưởng xuyên suốt đại dịch Covid-19 nhưng hiện tại chịu tổn thương khi các ngân hàng trung ương ở phương Tây liên tục tăng lãi suất.

Xung lực tăng trưởng suy yếu có nghĩa là Trung Quốc cần làm nhiều hơn nữa để vực dậy niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp để đưa nền kinh tế trở lại lộ trình tăng trưởng ổn định.

Bắc Kinh đã từ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt vào hồi đầu năm, mở đường cho hoạt động kinh tế phục hồi khi các doanh nghiệp nối lại hoạt động kinh doanh và người tiêu dùng chi tiêu một số khoản tiết kiệm mà họ đã tích cóp được trong thời kỳ đại dịch.

Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ là động lực cho sự phục hồi kinh tế bền vững và cơn khủng hoảng kéo dài của lĩnh vực bất động sản sẽ được giải quyết nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ.

Dữ liệu công bố hôm nay cho thấy, kỳ vọng đó đã bị đặt nhầm chỗ. Doanh số bán lẻ trong tháng 6 của Trung Quốc chỉ tăng 0,2% so với tháng 5 do các hộ gia đình thận trọng chi tiêu. Các nhà kinh tế cho biết sự thận trọng này phản ánh sự lo lắng về việc làm và triển vọng của nền kinh tế rộng lớn hơn, cũng như những tổn thương kéo dài từ đại dịch, chẳng hạn như thu nhập và việc làm bị mất mát.

Trong tháng 6, tỉ thất nghiệp ở khu vực thành thị của Trung Quốc giữ ổn định ở mức 5,2%. Tuy nhiên, tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên (16 đến 24 tuổi) tăng lên mức 21,3% trong tháng 6, vượt qua mức kỷ lục 20,8% trong tháng 5.

Đầu tư vào công trình nhà cửa, máy móc và các tài sản cố định khác chỉ tăng 0,4% trong tháng 6 so với tháng 5, do thị trường bất động sản vẫn lay lắt. Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 6 chỉ tăng 0,7% so với tháng trước.

Tuần trước, Tổng Cục hải quan Trung Quốc công bố dữ liệu cho thấy, xuất khẩu của nền kinh tế thứ hai thế giới trong tháng 6 giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong gần 3 năm.

Zichun Huang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của Công ty tư vấn Capital Economics, nhận định, suy thoái toàn cầu về nhu cầu hàng hóa sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu Trung Quốc, với khả năng xuất khẩu của nước này sẽ tiếp tục giảm trước khi chạm đáy vào cuối năm nay.

“Dữ liệu mới nhất cho thấy cơn bùng nổ kinh tế hậu Covid của Trung Quốc rõ ràng đã kết thúc. Các chỉ số tần suất cao tăng so với số liệu của tháng 5 nhưng vẫn vẽ ra một bức tranh về sự phục hồi ảm đạm, đồng thời tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên đang ở mức cao kỷ lục”, Carol Kong, nhà kinh tế tại ngân hàng Commonwealth Bank of Australia ở Sydney nói.

Tốc độ tăng trưởng chậm chạp trong năm 2023 đang đặt giới chức trách Bắc Kinh trước áp lực lớn hơn trong việc vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và xuất khẩu sụt giảm. Một cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và khối nợ khổng lồ của các chính quyền địa phương khiến bức tranh kinh tế Trung Quốc nhuốm thêm màu ảm đạm.

Các nhà kinh tế dự báo, giới chức trách Trung Quốc có thể sẽ triển khai nhiều biện pháp kích thích hơn, bao gồm chi tiêu tài chính để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, hỗ trợ nhiều hơn cho người tiêu dùng và các công ty tư nhân, đồng thời nới lỏng một số chính sách bất động sản.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Trung Quốc khó xoay chuyển nhanh chóng. Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc họp dự kiến của Bộ Chính trị Trung Quốc vào cuối tháng này, khi các nhà lãnh đạo cấp cao nhất có thể vạch ra lộ trình chính sách cho thời gian còn lại của năm.

Theo Reuters, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới