Kinh tế tư nhân sẽ đóng góp 65% GDP của TPHCM
Văn Nam
![]() |
Dự kiến đén năm 2020 kinh tế tư nhân đóng góp 65% GDP của TPHCM - Ảnh: Văn Nam |
(TBKTSG Online) - TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng đội ngũ doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững với số lượng ít nhất 500.000 doanh nghiệp, trong đó những doanh nghiệp quy mô lớn và khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 65% GDP và đóng góp 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Trên đây là một số mục tiêu được UBND thành phố đưa ra trong một báo cáo tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển 60.000 doanh nghiệp năm 2017 và kế hoạch đạt 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 diễn ra chiều nay (5-4).
Như TBKTSG Online từng đăng tải thông tin trước đây, trong giai đoạn 10 năm (2005-2014), thống kê cho thấy đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã vượt xa đóng góp của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vào GDP của TPHCM. Trong khi đóng góp của DNNN có mức tăng khiêm tốn thì các thành phần kinh tế tư nhân và FDI có sự tăng tốc mạnh và đến nay vẫn giữ khoảng cách khá xa so với nhóm DNNN.
Cụ thể, vào năm 2005, khi tổng GDP của TPHCM khoảng 165.000 tỉ đồng, kinh tế nhà nước đóng góp gần 58.000 tỉ đồng, kinh tế tư nhân chiếm khoảng 43.300 tỉ đồng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 36.000 tỉ đồng.
Sau gần 10 năm, đến năm 2014 tổng GDP của thành phố đạt khoảng 852.000 tỉ đồng thì đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 202.000 tỉ đồng, khu vực tư nhân tăng gần 10 lần và chiếm 422.000 tỉ đồng. Khu vực kinh tế nhà nước chỉ có mức tăng gần ba lần với mức đóng góp gần 150.000 tỉ đồng.
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, giai đoạn 2011-2015, vốn đầu tư từ thành phần kinh tế ngoài nhà nước chiếm khoảng 61% tổng vốn đầu tư cả giai đoạn, thành phần kinh tế nhà nước chiếm 21% và thành phần kinh tế có vốn nước ngoài chiếm 18%.
Tại TPHCM, mặc dù vẫn còn giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của thành phố, song xét trên các phương diện như tốc độ tăng trưởng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thì khu vực kinh tế nhà nước có sự hạn chế và tụt hậu so với khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Ưu tiên hỗ trợ chuyển hộ cá thể lên doanh nghiệp
Liên quan đến các thông tin nêu ra tại hội nghị về giải pháp phát triển doanh nghiệp, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết để đạt mục tiêu 60.000 doanh nghiệp trong năm nay, chính quyền thành phố cho biết sẽ cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động. Các sở ngành, quận huyện sẽ tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm giữa lãnh đạo đơn vị với các doanh nghiệp, giảm 30% các cuộc họp để dành thời gian đi thực tế nắm bắt kiến nghị của doanh nghiệp, cắt giảm chi phí thủ tục hành chính nhằm đạt mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Theo bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, để thúc đẩy hoạt động sản xuát kinh doanh ngày càng minh bạch, việc chuyển đổi từ hình thức hộ kinh doanh cá thể sang hình thức doanh nghiệp đang là xu hướng quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung.
Do vậy, đối với các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động như doanh nghiệp, thành phố sẽ xem xét rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu trong vòng một ngày, hỗ trợ toàn bộ chi phí đăng ký chuyển sang doanh nghiệp, miễn các chi phí thủ tục thuế trong vòng một năm đầu, đào tạo kiến thức khởi nghiệp, kế toán, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Cũng theo bà Minh, thành phố sẽ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp tại thị trường trong nước, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh tại các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết, hiện thành phố có tổng cộng khoảng 302.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Thời gian tới thành phố sẽ tập trung vừa phát triển thêm số lượng doanh nghiệp mới, vừa tạo chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng và tính bền vững của các doanh nghiệp hiện hữu.
Xem thêm: