(KTSG Online) - Có sự tiên liệu nếu thị trường bất động sản bất ổn sẽ khiến các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán các khoản trái phiếu. Và một lượng lớn trái phiếu đang được các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ, chính họ là nhóm sẽ phải gánh chịu các tổn thất lớn.
Đó là nhận định của nhóm tác giả Lê Hoài Ân - Trần Viết Lảm nêu trong bài viết của họ có tựa đề Ai đang nắm giữ phần lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ xuất hiện trên KTSG bản in phát hành sáng mai, ngày 5-5.
Và các đề tài kinh tế- xã hội khác theo dòng thời sự:
Siết cho vay bất động sản chưa hẳn đã làm giảm rủi ro (Thanh Đào): Siết cho vay bất động sản sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm có nhu cầu mua nhà ở thật (chứ không riêng nhóm đầu cơ, đầu tư). Nhóm này chắc chắn gồm không ít người nên không thể áp dụng chính sách kiểu cào bằng.
Bất cân xứng lợi ích trong hợp đồng mua bán căn hộ (Trương Trọng Hiểu): Dù đã được quy định và có sự rà soát của cơ quan quản lý, nội dung quy định trong nhiều hợp đồng mẫu mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai vẫn chưa giải quyết và đảm bảo quyền lợi của các bên một cách hợp lý nhất.
Tự doanh chứng khoán và kiểm soát xung đột lợi ích (Lưu Minh Sang): Sự tách bạch trong các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các hoạt động có tính đan xen về lợi ích như môi giới, tự doanh, tư vấn đầu tư và cho vay ký quỹ, là nền tảng quan trọng cho việc kiểm soát xung đột lợi ích.
Diễn biến chứng khoán: VN-Index đã về mức hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư dài hạn! (Thanh Thủy).
“Trợ lực” của nhóm cổ phiếu thủy sản! (Đăng Linh): Trong nhịp điều chỉnh của VN-Index, dù cũng lao dốc vài phiên theo thị trường chung nhưng nhóm cổ phiếu thủy sản đã nhanh chóng hồi phục trở lại.
Sau MBBank đến lượt VCB “làm nhiệm vụ” (Thụy Lê): Mới đây, Vietcombank đã xin ý kiến cổ đông về việc tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc.
Ném chuột không để vỡ bình (Châu Phan): Thị trường chứng khoán và bất động sản dường như đã gánh chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc lành mạnh hóa thị trường tài chính.
Bức tranh lợi nhuận quí 1 và sự phân hóa của dòng tiền (Triêu Dương): Bất chấp những công bố lợi nhuận quí 1 tăng trưởng mạnh, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp vẫn lao dốc không phanh. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục và tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới hấp dẫn hơn.
Vượt Trung Quốc ở thị trường Mỹ, nội thất Việt đối diện với thách thức (Quốc Hùng): Vượt Trung Quốc và trở thành nước xuất khẩu hàng gỗ nội thất lớn nhất sang thị trường Mỹ từ năm 2020, nhưng Việt Nam đang đứng trước những thách thức về phòng vệ thương mại trước sự nghi ngờ có gian lận thương mại từ các nhà nhập khẩu Mỹ.
Doanh nghiệp cần bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài (Ngân Trần): Không tồn tại khái niệm nhãn hiệu được bảo hộ quốc tế. Nhãn hiệu chỉ được bảo hộ ở nước hay vùng lãnh thổ nơi mà chúng chính thức được đăng ký.
Kinh doanh hàng hóa thương phẩm: Đến lúc bí mật phải “bật mí” (Nguyễn Quang Bình): Giá hàng hóa nguyên liệu bất thường, nhà kinh doanh xuất khẩu cần hỗ trợ xoay vòng vốn nhanh.
Thu phí không dừng: Phải “siết” nhà cung cấp dịch vụ trước (Song Nghi): Để người dân nhanh chóng dùng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) thì ngoài các biện pháp hành chính, các trạm BOT và nhà cung cấp dịch vụ là những nơi cần được Bộ Giao thông Vận tải “siết” trước, sau đó mới tới người sử dụng dịch vụ.
Không hình sự hóa - trấn an thôi thì chưa đủ (mục Ý kiến): Việc Bộ Tài chính trấn an doanh nghiệp bằng quan điểm “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” là chưa đủ, mà phải là một sự bảo đảm chắc chắn bằng các điều luật.
Bảo hiểm D&O: Lá chắn bảo vệ nhà quản lý doanh nghiệp (Phạm Thị Kiều Oanh - Lê Nữ Thành Minh): Các vụ khiếu nại đòi bồi thường bảo hiểm trách nhiệm nhà quản lý doanh nghiệp gia tăng nhanh chóng. Các nhà bảo hiểm đang nỗ lực hạn chế rủi ro đối với chính họ, do vậy, đơn bảo hiểm loại này có khuynh hướng tăng mức phí và thu hẹp phạm vi bảo hiểm.
Phục hồi giáo dục sau Covid: Cần chương trình linh hoạt (Anh Vũ): Đưa giáo dục trở lại nguyên trạng như trước đại dịch Covid-19 là một nhu cầu rất cấp thiết. Bởi nếu còn chần chừ, chậm trễ trong giáo dục làm ảnh hưởng đến thành tích học tập, sức khỏe tâm sinh lý học sinh và tương lai của sinh viên khi ra trường. Nhìn rộng ra, nó ảnh hưởng đến cả gia đình, xã hội và nền kinh tế trong dài hạn.
Sách giáo khoa mới: liệu sẽ hết quá tải? (Nguyễn Hoàng Chương): Việc cấp thiết là tập huấn giúp giáo viên am hiểu chương trình môn học, còn sách giáo khoa (với nội dung quá tải) chỉ là một trong nhiều tài liệu được giáo viên dùng để thiết kế bài giảng mà thôi.
Đấu giá quyền sử dụng biển số ô tô - chuyện cũ viết lại (Phan Minh Ngọc): Cách thức cấp biển số xe của Việt Nam mang tiếng là ngẫu nhiên nhưng không phải ngẫu nhiên mà nhiều “siêu xe” của các đại gia lại được gắn biển hiếm, độc, đẹp.
Lương hưu, đâu phải ai cũng có thể chờ! (Phan Thị Ngọc Thắng): Việc có nhiều người đồng loạt rút BHXH một lần sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý những người đang tham gia BHXH và đe dọa chế độ an sinh xã hội trong tương lai.
Không thể không thấy sân Mỹ Đình (Quỳnh Đan): Phá rừng ở Quảng Trị với diện tích lên đến 18,6 héc-ta, rộng hơn cả sân vận động Mỹ Đình thì cơ quan chức năng không thể không nhìn thấy.
Sài Gòn có cặp, có đôi (Trần Thanh Tâm): TPHCM không hề thiếu những câu chuyện có cặp, có đôi rất thú vị, như chuyện những “cây cầu đôi”: Sài Gòn 1 - Sài Gòn 2, Bình Triệu 1 - Bình Triệu 2, Thủ Thiêm 1- Thủ Thiêm 2; hay chuyện những con đường được đặt tên theo các “cặp đôi”: Nguyễn Thái Học - Cô giang, Cô Giang - Cô Bắc, Hai Bà Trưng - Thi Sách, Phan Tôn - Phan Liêm, Lê Lai - Lê Lợi, Hồ Xuân Hương - Bà Huyện Thanh Quan…
Ngồi thật vững chãi chuyện gì cũng qua! (Vũ Thị Huyền Trang): “Ngồi thật vững chãi, chuyện gì cũng qua”, câu nói của sư ông Làng Mai không chỉ đúng trên thị trường chứng khoán mà còn trong mọi biến cố của đời sống.
Coi trọng tri thức: phải bắt đầu từ đâu? (Đinh Hoàng): Để một quốc gia thịnh vượng, không thể bỏ qua tầm quan trọng của nền kinh tế đặt cơ sở trên những thành tựu của phát triển tri thức.
Khi quyền tác giả là một phần của văn hóa! (Lê Thiên Hương): Luật Bản quyền không chỉ bảo vệ văn hóa, nó còn là một phần của văn hóa. Tôn trọng Luật Bản quyền, vì thế cũng là khuyến khích phát triển văn hóa và kiến thức.
Làn sóng mới “tuần làm bốn ngày” (Ricky Hồ): Theo khảo sát của Đại học Reading, 68% trong khoảng 500 nhà tuyển dụng áp dụng “tuần làm việc bốn ngày” nói cơ chế mới giúp tuyển dụng được nhân tài, trong khi 66% nói nó giúp giảm chi phí.
Sau cú trượt dài, Netflix làm gì để trở lại? (Lạc Diệp): Việc số lượng người dùng sụt giảm lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua và sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng phát nội dung trực tuyến khác đang gia tăng áp lực buộc Netflix phải điều chỉnh mô hình kinh doanh.
Ấn Độ quyết tâm gia nhập đường đua chip công nghệ cao (Song Hảo): Chính phủ Ấn Độ đã thông qua kế hoạch chiêu dụ các hãng chip hàng đầu đến Ấn Độ.
Malaysia tăng lương tối thiểu đến 35% (Thư Kỳ): Mức lương mới sẽ giúp người nghèo Malaysia chống chọi với đại dịch cũng như giá cả đang tăng, nhưng cũng gây lo ngại về giảm đầu tư, giảm tuyển dụng, đất nước vẫn khó lòng thoát khỏi đình trệ.
Kinh tế giảm tốc, Trung Quốc phải nương tay với đại gia công nghệ (Song Thanh): Sau quãng thời gian liên tục gia tăng sức ép, chính phủ Trung Quốc đang tính nới lỏng kiểm soát đối với các đại gia công nghệ và trao cho họ vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm tốc.
Tránh thuế nhờ luật “de minimis” (Nguyễn Vũ): Ở Mỹ, trong khi các nhà sản xuất và nhập khẩu hàng hóa cho rằng cơ chế miễn thuế cho hàng giá trị nhỏ từ Trung Quốc đang bị lợi dụng để tránh thuế, thì một phía dư luận lại cho rằng cơ chế này thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới và có lợi cho người tiêu dùng.
Kinh tế Mỹ suy giảm - có nên lo không? (Ngân Diệp): Kinh tế Mỹ bất ngờ tăng trưởng âm trong quí 1 vừa qua, nhưng giới chuyên gia tin rằng điều này không đồng nghĩa với việc sắp xảy ra một cuộc suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mời bạn đọc đón xem!