Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

KTSG số 33-2023: Tăng lương hay tăng năng suất?

Tòa soạn KTSG

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Báo cáo của Oxfarm thực hiện năm 2018 cho thấy ngay cả khi mức lương công nhân ngành may nhận được cao hơn mức lương tối thiểu quốc gia thì thu nhập vẫn chưa đủ sống. Dù vậy, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ rõ từ 2012 đến 2017, khoảng cách giữa tốc độ tăng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ngày càng giãn rộng.

Theo tác giả Hoàng Hạnh của bài tựa đề Lương tối thiểu và năng suất “tối thiểu” trên KTSG bản in sáng mai (17-8), nếu tăng lương tối thiểu không đi kèm với tăng năng suất lao động thì doanh nghiệp không thể duy trì nguồn lực hiện có cũng như chuẩn bị cho các đợt tăng lương kế tiếp. “Tận dụng cơ hội khi Việt Nam được coi là một mắt xích thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu để tạo động lực tăng năng suất lao động mới có hy vọng giải quyết bài toán lương cho người lao động”, tác giả viết.

Cũng theo bài viết này, việc có hay không tăng lương tối thiểu vùng đã được gác lại tới cuối năm 2023 để tránh gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng dù có trì hoãn thì việc tăng lương vẫn luôn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp trong một nền kinh tế mà động lực chủ yếu vẫn dựa vào nhân công giá rẻ.

Các đề tài kinh tế - văn hóa - xã hội khác trên cùng số báo:

Giá rẻ lên ngôi (TS. Võ Đình Trí): Một khi hàng hóa, dịch vụ giá rẻ được ưa chuộng thì đó là lúc khả năng chi trả của số đông bị hạn chế. Hiện tượng này đang xảy ra ở nhiều nước châu Âu và Trung Quốc, tuy nhiên nguyên nhân khác nhau: một bên do lạm phát, còn một bên do thiểu phát.

Đừng chỉ đánh giá qua lăng kính màu hồng (mục Ý kiến): Không thiếu những dự án, chương trình đầu tư lớn do chính quyền các cấp đề xuất, được thiết kế để đạt những mục tiêu kinh tế và xã hội to lớn, nhưng kết cục lại trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

Đường mía và biện pháp phòng vệ: nhìn xuôi và nhìn ngược (Trương Trọng Hiểu): Bộ Công Thương vừa quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía Thái Lan. Đây có là thông tin tốt đối với ngành đường trong nước?

Sẽ có một bộ sách giáo khoa của Nhà nước? (An Nhiên): Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nghiên cứu giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước. Đang có những ý kiến khác nhau về việc này...

Áp lực “rung lắc” khi VN-Index tiến đến vùng điểm cao! (Thanh Thủy): Sau hai phiên tăng mạnh đầu tuần, thị trường chứng khoán có phần hụt hơi. Dù vậy, lực cầu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn giúp VN-Index lấy lại sắc xanh.

Cổ phiếu ngành gạo hưởng lợi từ cú “sốc cung” trên thị trường thế giới! (Đăng Linh): Yếu tố lớn nhất giúp nhóm cổ phiếu lúa gạo tăng giá mạnh là những tin tức xoay quanh tình hình thời tiết có thể ảnh hưởng đến sản lượng lương thực thế giới. Nhiều nước đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo khiến giá lương thực tăng vọt.

Tỷ giá tăng và hàm ý trong chính sách tiền tệ (Phạm Long): Ngân hàng Nhà nước hiện chưa có động thái can thiệp đà tăng tỷ giá và vẫn duy trì chênh lệch lãi suất tiền đồng và lãi suất đô la Mỹ ở mức âm lớn. Điều này nhìn chung gây áp lực tăng mạnh hơn cho tỷ giá.

Tăng phát hành giấy tờ có giá nhưng ngân hàng lại hạn chế đầu tư (Triệu Minh): Ngược với sự tăng trưởng mạnh lượng giấy tờ có giá, hoạt động đầu tư tại nhiều ngân hàng giảm sút chứ không tăng để bù đắp tín dụng đang trì trệ.

Tỷ lệ CASA tăng có liên quan gì tới sự sôi động của thị trường chứng khoán không? (Lê Hoài Ân - Đồng Hoàng Hương Liên): Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã phục hồi sau bốn quí sụt giảm. Thị trường chứng khoán đột nhiên sôi động. Nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn bấp bênh…

Chuyển đổi khoản vay nước ngoài thành vốn góp: luật có, nhưng làm thì khó (Lưu Minh Sang - Nguyễn Đình Thức): Thông qua một “lát cắt” về quy định và thực tiễn liên quan đến chuyển đổi khoản vay thành vốn góp trong doanh nghiệp FDI để thấy thể chế và pháp luật điều chỉnh hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần tiếp tục được rà soát và cải cách.

Tăng trưởng và những điểm nghẽn (Tuệ Nhiên): Một số dự báo gần đây khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn có thể kìm hãm tăng trưởng vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được hóa giải.

Kinh nghiệm quốc tế về các phương thức khai thác giá trị từ đất (Huỳnh Thế Du): TPHCM đang triển khai cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội. Trong đó, khai thác giá trị từ đất cho đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những vấn đề mang tính chiến lược.

Đơn hàng rục rịch trở lại (Quốc Hùng): Các báo cáo nghiên cứu cho thấy đơn đặt hàng đang quay trở lại trong nhiều lĩnh vực. Điều này có thể sẽ giúp doanh nghiệp ngừng việc cắt giảm lao động. Dù vậy, dự báo phải đến giữa hoặc cuối năm 2024 thị trường mới có thể phục hồi.

“Người giữ rừng” đã vui hơn trước... (Lư Thế Nhã): Đến với nông trại du lịch “Người giữ rừng”, bạn có thể sẽ thích thú với những tán rừng xanh mát; trải nghiệm trồng rừng, các sinh hoạt giải trí như câu cá, đặt lú xố cá tôm, bắt nghêu, hàu...; thưởng thức các món thủy sản tươi, sạch; hay nhảy múa dưới ánh lửa trại bập bùng…

Cuộc chiến logo: khi Chanel chẳng ngại cả Tòa án Tư pháp Tối cao Pháp! (Lê Thiên Hương): Từ giữa năm 2023, Tòa án Tư pháp Tối cao của nước Pháp đã cải tiến logo của mình, tạo ra nhiều sự khác biệt hơn so với logo của Chanel. Ở diễn biến khác, yêu cầu của Chanel về việc hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu của Huawei đã bị Tòa án Liên minh châu Âu bác bỏ vào năm 2021.

1.000 đồng và chuyện đóng góp để giảm phát thải (Hồ Nguyên Thảo): Người tiêu dùng tại Việt Nam sẽ sớm ghé vai “gánh vác” một phần nhỏ chi phí giảm phát thải. Đây là điều các nhà sản xuất công nghiệp phải quan tâm khi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU sắp có hiệu lực.

Thị trường chăm sóc người bệnh vẫn mênh mông (Xuân Hy): Các dịch vụ tư nhân về chăm sóc người bệnh mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và người nhà, góp phần giảm áp lực cho hệ thống y tế công, gia tăng hiệu quả điều trị…

Nghịch lý khủng hoảng y tá ở Philippines (Trí Minh): Philippines đứng đầu thế giới về xuất khẩu lao động trong lĩnh vực y tế, nhưng cũng thiếu hụt nhân sự một cách trầm trọng bao gồm nhân viên điều dưỡng. Trong khi đó, y tá, điều dưỡng của Việt Nam đang nhận được sự ưa chuộng nhiều hơn.

Cần rà soát để sớm tháo ngòi “bom nổ chậm” sạt lở (Song Nghi): Để tránh xảy ra thêm những tai nạn sạt lở, cần sớm rà soát lại các dự án để việc vận hành, xây dựng bảo đảm an toàn hơn cho người dân.

Hoàn thuế VAT: Cần công bằng với doanh nghiệp! (Đức Hoàng): Nếu ngành thuế chậm hoàn thuế VAT mà không phải do lỗi của doanh nghiệp thì cũng cần xem xét bồi thường, ít nhất cũng bằng với mức phạt chậm nộp thuế.

Phải cải tiến cách làm việc với doanh nghiệp (Long Châu): Một nhóm doanh nghiệp ngành thép không gỉ (inox) đã gửi đơn khiếu nại vì họ cho rằng báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ với Chính phủ chưa phản ánh đúng các vấn đề được nêu trong cuộc làm việc. Sự việc có lẽ đã không lùm xùm nếu việc gửi báo cáo được thực hiện sau khi Bộ trả lời đầy đủ các câu hỏi của doanh nghiệp.

Có một nghề... buồn da diết! (Nguyễn Hoàng Chương): Lối sống thực dụng không chỉ khiến nghề giáo trở nên đáng buồn mà còn gây những hệ lụy khôn lường.

Vết thương và nụ cười (Nguyễn An Nam): Khổ đau đến nỗi phải đi đến lựa chọn cái chết thì đó là bi kịch. Nhưng ngay cả khi chọn cái chết, mà hết lần này tới lần khác cũng không xong, thì lại trở thành... hài kịch. Người đàn ông cô độc trong phim A Man Called Otto ở vào trường hợp thứ hai.

Mang theo tiện ích (Vũ Thị Huyền Trang): Từ chuyện quét QR code trong thanh toán các giao dịch, nghĩ đến sự tiện ích của nhiều ứng dụng đã trở thành công cụ đa năng phục vụ đời sống.

Sống như loài mèo? (Mộc Yên): Cho dù ngày qua đã xảy ra chuyện gì thì sáng mai ra vẫn là ngày mới, cơ hội mới để bắt đầu lại.

Kinh tế Trung Quốc trì trệ - cảnh báo rủi ro tới toàn cầu (Song Thanh): Sự sụt giảm về tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại hay tình trạng giảm phát tại Trung Quốc có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc: chính sách kinh tế có thể vãn hồi? (Phạm Sỹ Thành): Kỳ vọng đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cần được điều chỉnh; những tác động lan tỏa của Trung Quốc cần được cập nhật và đánh giá lại.

Du lịch không thể quá kỳ vọng vào một thị trường đơn lẻ (Ricky Hồ): Trung Quốc từng là thị trường khách trọng tâm của nền du lịch nhiều nước. Sự thiếu vắng lâu ngày của khách Trung Quốc buộc các nước phải từ bỏ hy vọng vào thị trường lớn này, và tìm kiếm thị trường mới.

Nghịch lý thuốc tốt hơn nhưng cũng đắt hơn (Nguyễn Vũ): Nền y học hiện đại có những loại thuốc ngày càng hữu hiệu để điều trị, từ ung thư đến béo phì. Tuy nhiên, chúng rất đắt tiền và đẩy nhiều bệnh nhân đến sự chọn lựa: cạn kiệt sức khỏe hay cạn kiệt tài chính.

Sách dỏm do AI viết (Nguyễn Vũ): Những “con sâu AI” đang làm rầu nồi canh viết sách du lịch. Chúng có thể giết chết lĩnh vực tự xuất bản của những người đam mê viết sách dựa trên trải nghiệm thật, đơn giản vì họ không “cạnh tranh” nổi.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới