KVIP: hoạt động khó khăn vì thiếu máy móc, thiết bị
Trung Chánh
Hàn Quốc hứa dành 5 triệu đô la Mỹ đầu tư thiết bị, máy móc cho KVIP, nhưng thực tế chỉ đầu 2 triệu đô la Mỹ. Ảnh: Trung Chánh |
(TBKTSG Online) – Cam kết dành 5 triệu đô la Mỹ cho hợp phần đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động của Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (Korea Vietnam Incubator Park - KVIP), nhưng trên thực tế cho đến nay, phía Hàn Quốc chỉ mới đầu tư 2 triệu đô la Mỹ.
Trao đổi với TBKTSG Online bên lề buổi làm việc của UBND thành phố Cần Thơ với KVIP về công tác quí 1 và kế hoạch quí 2-2017 tổ chức tại địa phương này hôm nay, 11-4, ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc KVIP, cho biết ban đầu phía Hàn Quốc hứa sẽ đầu tư 5 triệu đô la Mỹ cho máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động của KVIP. “Tuy nhiên, vào cuối năm ngoái, sau khi họp Ủy ban hỗn hợp giữa Việt Nam và Hàn Quốc, họ thông báo Quốc hội Hàn Quốc đã chấm dứt dự án này, nên chỉ đầu tư được 2 triệu đô la Mỹ”, ông Quốc cho biết.
Theo ông Quốc, hệ thống máy móc, thiết bị đầu tư cho KVIP còn thiếu nên đã gây ra một số khó khăn cho hoạt động của đơn vị này. “Hiện nay, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến giao Bộ Khoa học và Công nghệ tìm nguồn vốn để hỗ trợ một phần cho vườn ươm”, ông cho biết.
Đã có 5 doanh nghiệp vào KVIP ươm tạo Ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc KVIP, cho biết tính đến nay, đã có 5 doanh nghiệp được Hội đồng xét chọn đưa vào KVIP ươm tạo, gồm Công ty TNHH Nhật Việt (sản phẩm bột cá); Công ty TNHH Hoàng Thắng (sản phẩm máy gieo hạt); Công ty Phạm Nghĩa T&N (sản phẩm chả cá thát lát nhân trứng muối); Công ty cổ phần sữa gạo Calevy (sản phẩm sữa gạo) và Công ty TNHH nuôi yến huyết Việt Nam (sản phẩm bột yến sâm thảo dược). |
Để hạn chế những khó khăn, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND Cần Thơ, yêu cầu KVIP rà soát lại hệ thống trang thiết bị, máy móc và ban hành quy chế phối hợp, chia sẻ thiết bị, máy móc giữa KVIP với vườn ươm của Đại học Cần Thơ và một số đơn vị ươm tạo khác.
Theo ông Nam, việc làm này là để tận dụng nguồn lực của nhau, tránh đầu tư trùng lắp, lãng phí và cũng phần nào giải quyết được khó khăn hiện tại của KVIP và yêu cầu KVIP hoàn thành quy chế phối hợp trong tháng 5-2017.
Còn về mặt chuyển giao công nghệ, theo ông Quốc, phía Hàn Quốc có cử chuyên gia hỗ trợ trong hai năm đầu về quản lý, vận hành thiết bị vườn ươm và việc này đã thực hiện xong. “Chúng tôi đang đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ tiếp 3 chuyên gia, gồm 1 chuyên gia về cơ khí, 1 chuyên gia về chế biến nông sản và 1 chuyên gia về chế biến thủy sản, những lĩnh vực hoạt động chính tại KVIP. Hiện nay, phía Hàn Quốc đang xem xét đề nghị này”, ông Quốc cho biết.
KVIP hiện do Sở Công Thương Cần Thơ quản lý theo phân cấp ngành dọc, bởi trước đó dự án này do Bộ Công Thương là đầu mối đối tác với phía Hàn Quốc. Tuy nhiên, quá trình hình hoạt động thực tế còn vướng như nêu ở trên và hầu hết kinh phí hoạt động thuộc lĩnh vực khoa học-công nghệ, nên dự án đang được xem xét chuyển về Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ quản lý.
Dự án Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (KVIP) được xây dựng từ cuối tháng 11-2013 tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2, phường Phước Thới, quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ. KVIP cói tổng vốn đầu tư trên 21 triệu đô la Mỹ, trong đó, vốn viện trợ chính thức (ODA) không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc gần 17,7 triệu đô la Mỹ (trong đó có 5 triệu đô đầu tư máy móc, thiết bị) và nguồn vốn đối ứng do UBND thành phố Cần Thơ bố trí từ ngân sách hàng năm là trên 3,4 triệu đô la Mỹ. KVIP được xây dựng trên tổng diện tích 4,5 héc ta, gồm ba khu vực chính: thứ nhất, khu nhà 4 tầng với diện tích sàn là 9.000 mét vuông, gồm văn phòng điều hành, hơn 30 phòng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ươm tạo và một hội trường với sức chứa 160 người; thứ hai, khu nhà thí nghiệm với diện tích sàn 4.000 mét vuông được trang bị các thiết bị hiện đại nhằm phục vụ công tác nghiên cứu thí nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm; thứ ba, khu nhà xưởng với trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc sản xuất thử nghiệm các sản phẩm nghiên cứu tại KVIP. |
Mời xem thêm: