Kỳ 13: Tạm biệt Vientiane
Bài và ảnh: Nguyễn Đức Quỳnh Dung
![]() |
Đường từ Thadieu đi Buddha Park dọc theo sông Mê Kông, bờ bên kia là Thái Lan. |
(TBKTSG Online) - Tôi chỉ còn khoảng 6 ngày được phép ở Lào nên không thể tiếp tục đạp xe đi các tỉnh phía nam. Vậy là tôi phải sang Thái Lan rồi nhập cảnh trở lại Lào để đóng mộc thêm 30 ngày khác. Vì thế tôi quyết định đi Buddha Park (công viên Phật), muốn đến đó, phải đến Thadieu trước nên tôi hỏi đường đi Thadieu.
>>> Kỳ trước: Hai đêm ở Vientiane.
Cuối cùng cũng lần ra con đường chính mà cứ chạy thẳng con đường ấy thì sẽ đến nơi. Đang đi thì thấy cái bảng hiệu “Vietnamese restaurant”, dĩ nhiên là tôi không thể bỏ qua nên dừng lại. Nhà hàng này ghi tiếng Việt sai bét nhè. Đó là nhà hàng nem nướng.
![]() |
Nem nướng Việt Nam ở Lào. |
Một phần nem nướng gồm hai cái nem, bún, bánh tráng, rau sống, khế chuối chát thái nhỏ và nước chấm có giá 18 ngàn kip; gỏi cuốn 2 ngàn kip/cái; còn nhiều món khác nữa nhưng tôi không để ý. Nếu không gọi nước sinh tố thì sẽ được phục vụ một ly nước đá lạnh miễn phí. Mỗi bàn đều có một cái xe đẩy inox để bỏ rác lên chứ không vứt xuống sàn hay bỏ lên bàn.
Theo tôi nhà hàng này trông khá sạch sẽ và đẹp mắt. Có thể đó là nhà hàng của người Việt thế hệ thứ hai (có nghĩa là bố mẹ Việt di cư sang và chủ nhà hàng này được sinh ra ở Lào). Đi xa mà được thưởng thức hương vị ẩm thực quê nhà thì thật “đã ghiền” các bạn nhỉ.
Trưa hôm ấy nhà hàng này khá đông khách, có nhiều khách nước ngoài nữa. Rất nhiều người đến mua theo thức ăn mang đi (take away). Đa phần khách ở đây là những người lái xe du lịch và ăn mặc rất đẹp. Tôi là người duy nhất đi xe đạp. Trông thấy cảnh “ăn nên làm ra” ở nhà hàng Việt này, tôi cũng thấy tự hào vì món ăn Việt được yêu chuộng đến thế.
![]() |
Một quán ăn Việt Nam ở Lào. |
Tại nhà hàng này, “nem nướng” được dùng luôn từ tiếng Việt, không có dịch ra tiếng Anh. Vì thế khi một người khách vừa mua túi đồ ăn đem đi; tôi chỉ vào và hỏi “ni măng nhăng?” (Cái gì thế?) cô bé phục vụ bảo: “nem nướng,” phát âm chính xác đến nỗi tôi ngỡ cô ta là người Việt nhưng khi tôi nói tiếng Việt thì cô ta lắc đầu không hiểu.
Nhiều bạn bè quốc tế mà tôi gặp khi biết tôi đến từ Việt Nam thì bảo rằng phở, nem nướng, chả giò,… là những món ăn yêu thích của họ. Ít ra Việt Nam cũng có cái mà giới thiệu ra bạn bè quốc tế chứ.
Tiến về hướng Buddha Park
Từ nhà hàng nem nướng này mà đi thẳng thì trước khi đến Thadieu, các bạn sẽ gặp cây cầu Hữu Nghị Lào-Thái số 1 (Lao-Thai Friendship Bridge 1); cũng cửa ngõ quốc tế qua lại hai quốc gia này. Nếu muốn đi Thái Lan từ cửa ngõ này, thì khi nhìn thấy cây cầu trước mặt, các bạn chớ vội mà chạy đến mà hãy nhìn sang phía tay trái sẽ thấy cổng vào để làm thủ tục hải quan (từ trung tâm Vientiane đến cầu khoảng 24 cây số).
Nếu không muốn qua Thái Lan thì cứ thẳng con đường dưới cầu mà đi. Từ Vientiane, vừa băng qua cầu thì các bạn sẽ thấy ngay đập thủy điện do Việt Nam xây dựng để tặng cho Lào. Đi thẳng, cách cầu khoảng 100 mét sẽ thấy mũi tên chỉ đường vào nhà ga xe lửa (nhà ga cách đường chính khoảng 2 cây số).
Không rẽ vào ga, cứ đi thẳng thì sẽ đến Thadieu. Ở đây có chợ địa phương nằm ngay trên đường chính, bán thức ăn nấu sẵn, mỗi que thịt gà/heo nướng là 5 ngàn kip, mỗi que ngũ tạng gà như mề, gan… có giá 1-2 ngàn kip. Tôi mua một que heo nướng, một que mề, 2 ngàn cơm nếp, 3 ngàn khoai mì nướng với nước cốt dừa, 5 ngàn da heo chiên. Vậy là có một bữa ăn khá “hoành tráng”.
Bắt đầu từ Thadieu về hướng Buddha Park thì sẽ đi dọc theo con sông Mê Kông mà bên đây bờ là Lào, còn bên kia là Thái Lan; thậm chí còn nghe được cả tiếng nhạc xập xình từ bên kia sông vọng sang. Ghé vào một ngôi chùa có ghế ngồi cạnh sông, tôi thưởng thức bữa ăn. Thật ra chỗ ấy mà cắm trại ngủ luôn cũng tuyệt. Nhưng lúc đó còn sớm nên tôi lại lên đường.
Từ Thadieu đi thêm khoảng một, hai cây số đường xấu (đá đỏ và lầy lội) thì sẽ đến Buddha Park. Giá vé vào cửa 5 ngàn, camera 3 ngàn, video camera 3 ngàn kip. Theo tôi, giá vé ở Lào không đắt đỏ như ở Trung Quốc nên không đáng để trốn vé. Vả lại Buddha Park là các tượng đá khắc hình Phật cũ kỹ lâu đời với thời gian nên cũng đáng bỏ tiền để người ta có kinh phí bảo tồn. Mặt khác, tôi thấy có lý do chính đáng để du khách phải trả tiền cho máy ảnh là do ánh đèn flash có thể làm hư hại cái công trình cổ kính này. Thực ra, chỉ 3 ngàn kip là quá bèo so với lịch sử các pho tượng này.
Nếu tôi mà là quản lý ở đây thì tôi sẽ cấm chụp hình hoặc ai muốn chụp thì phải trả tiền cực đắt; vì thế chỉ ai thật sự cần mới dám chi ra nhiều tiền để có những bức ảnh, còn đám du khách nhăng nhít như tôi thì không đủ khả năng rồi. Các bạn thử nghĩ xem, chỉ vì chúng ta muốn có vài bức ảnh khoe với mọi người rằng tôi đã đến đó mà để lại hệ quả là các bức tượng cổ ấy hư hao dần theo ánh đèn flash của chúng ta thì có đáng hay không?
Nhưng một khi đã là du khách và lại có máy ảnh trong tay nên trước sau cũng táy máy chụp vài kiểu. Vì thế tôi không có ý định vào Buddha Park (lúc tôi đến đã chiều rồi nên nơi đây đóng cửa, có muốn vào cũng không được) mà chỉ muốn tìm nơi cắm trại đâu đó gần nơi ấy và bên cạnh con sông Me kong. Tôi đi vào bãi đất trống cạnh Buddha Park, và nông dân đang cày cấy bên thửa ruộng gần sông nên họ đuổi tôi ra.
Ra ngoài, tôi chạy dọc theo đường chính, hy vọng tìm được nơi lý tưởng khác. Không thấy, càng đi thì càng không thấy sông đâu cả, dù tôi có rẽ vào các ngôi làng gần sông thì các khu đất cạnh sông đầy xe cần cẩu đang khai thác cát hoặc đang cày xới làm gì đó không biết. Tóm lại là dù thấy con sông ở ngay trước mặt nhưng tôi không thể tiếp cận.
Sang các làng khác, cũng như thế. Tôi hỏi người dân địa phương đường ra sông. Họ bảo không có và nói nếu tôi muốn ngủ thì đến chùa gần đó mà ngủ.
Tá túc trong chùa làng Xiengkuane
Trời tối dần nên tôi đành bỏ ý định cắm trại cạnh sông mà vào chùa thôi. Có một ngôi chùa nhưng tôi nhìn hoài cũng không thấy cổng đâu cả. Lúc ấy nơi chánh điện có vài chú tiểu đang tụng kinh và một con chó mực đang nằm nghe. Con chó thấy tôi vào nên sủa ỏm tỏi làm cho một chú tiểu phải đứng dậy và hỏi tôi gì đó. Tôi vỗ nhẹ vào vai chú tiểu khoảng chín, mười tuổi và ra dấu đi theo mình (thật ra là tôi quên, phụ nữ không được chạm vào người các nhà sư và chú tiểu nhưng may là trước khi tôi kịp chạm vào thì chú tiểu né kịp nên bàn tay tôi chỉ phớt qua vai mà thôi).
Tôi chỉ vào bãi cỏ bên hông chùa và hỏi tôi cắm trại ở đây ngủ được không. Chú tiểu bảo không (chắc do tôi là phụ nữ). Chú tiểu nói gì đó mà tôi không hiểu. Tôi nghĩ chú tiểu không hiểu nên giải thích lại, ý tôi là chỉ cắm trại trên cỏ, có đụng chạm gì đến chùa đâu mà không được. Lúc ấy có thêm vài chú tiểu khác đến và họ tranh luận nhau một lúc thì nói được và nói tôi có thể ngủ ở chánh điện. Tôi nói tôi không cần vào chánh điện mà tôi muốn ngủ ở trên cỏ.
Tôi lui cui cắm trại, vài chú tiểu tò mò đứng nhìn, mấy chú khác thì tụng kinh. Khi tôi làm xong thì buổi tụng kinh cũng kết thúc. Vậy là họ xúm lại xem trại của tôi và bảo tôi đem trại lên chánh điện mà ngủ. Tôi cố từ chối. Nhưng hình như ông trời cũng muốn tôi ngủ ở chánh điện hay sao ấy mà đang yên đang lành tự dưng lại nổi gió và mưa.
Tôi chạy xuống thu dọn đồ và mang trại lên. Các chú tiểu phụ tôi và mang cả xe đạp của tôi lên chánh điện (thực ra tôi dự định để xe ở dưới). Thật lạ là ngay sau khi mọi thứ được mang lên thì trời hết mưa. Chẳng lẽ tôi lại mang mọi thứ xuống.
Mấy chú tiểu thích nói tiếng Anh lắm nên cứ đi theo tôi để nói. Một lúc thì mọi người cũng đi về phòng hết. Tôi lạy Phật xong thì cũng chui vào lều ngủ.
Khi ấy tôi nghe tiếng vài người đến lạy Phật, lạ một điều là tôi nghe tiếng họ ăn cơm trước tượng Phật. Chẳng lẽ người dân ở đây mang cơm vào chùa ăn hay sao?
Đèn ở chánh điện mở suốt đêm. Theo tôi thì đây đúng là một cái chùa của dân bởi không có hàng rào, không có cửa, đèn mở cả đêm. Mọi người ở đây có thể đến chùa lạy Phật bất kể giờ nào họ muốn.
Tôi để cửa lều quay ra bãi cỏ bên ngoài chứ không quay vào chánh điện bởi vì tôi sợ phải bắt gặp cảnh những người “khuất mặt khuất mày” đến lạy Phật vào đêm khuya (cái này tôi nghe nhiều người kể là họ trông thấy chứ tôi chưa tận mắt chứng kiến bao giờ các bạn nhé!).
![]() |
Người cúng dường bỏ dép ra và kính cẩn quỳ xuống ven đường. |
Tôi nghe có tiếng động vào khoảng 12 giờ đêm nên giậc mình tỉnh giấc (tuy nhiên vẫn không dám nhìn vào chánh điện); may là tôi cũng được trấn an bởi nghe tiếng người nhậu ở quán rượu bên ngoài. Tôi tiếp tục ngủ đến khoảng 4 giờ sáng thì mấy chú tiểu vào đọc kinh và lau dọn chánh điện. Tuy nhiên tôi vẫn nằm nướng đến 6 giờ mới dậy dọn dẹp. Lúc tôi ra giếng ngồi rửa mặt thì vị sư trụ trì ở căn phòng gần đó mà buổi tối tôi thấy đóng kín cửa, mở cửa ra và hỏi tôi có uống cà phê hòa tan không. Tôi cảm ơn và từ chối.
Khoảng 6 giờ 30 tôi nghe tiếng kẻng báo hiệu giờ đi khất thực. Chùa có khoảng 11 sư và chú tiểu. Ngoại trừ vị sư trụ trì, các vị còn lại chia thành 2 nhóm. Một nhóm 4 người đi vào ngôi làng ngay cạnh; một nhóm khác đi ra ngoài đường cái. Tôi đi theo nhóm các chú vào làng bên cạnh và chụp hình. Cảnh khất thực ở đây khác với cảnh mà tôi từng tham gia và chứng kiến ở Inlay Lake, Myanmar.
Ở Myanmar, người cúng dường bỏ dép ra và đứng để cho thức ăn vào bình bát; các sư cứ lần lượt mà đi qua, chỉ dừng lại để hé nắp bình bát thôi, sau đó lại tiếp tục đi. Ở ngôi làng này, người cúng dường, bỏ dép ra, quỳ xuống ven đường, trước khi cúng dường, họ nâng thức ăn lên ngang trán, xá rất kính cẩn. Các nhà sư sau khi nhận đồ cúng dường thì đứng sang một bên và đọc kinh cảm ơn hay chúc phúc gì đó. Trong khi sư đọc kinh thì người cúng dường rót nước từ ly hoặc chai mang theo sẵn vào một ít cơm được để sẵn ra ngoài đất. Một tay chắp trước ngực, một tay cầm nước rót.
![]() |
Người cúng dường rót nước từ ly hoặc chai mang theo sẵn vào một ít cơm được để sẵn ra ngoài đất. |
Theo tôi, người dân Lào rất chăm chỉ cúng dường. Họ cúng ở ngoài đường khi các sư đi khất thực. Họ mang thức ăn đến chùa và sắp vào mâm cho các sư dùng bữa; thường bữa ăn của các sư khá tươm tất do tập hợp món của nhiều người cúng dường lại.
Cách dùng bữa ở ngôi chùa làng này như sau: Cũng tương tự như ở các nơi khác. Có một người trưởng nhóm tiếp nhận thức ăn của người cúng dường và sắp vào mâm, sau đó lấy đồ phủ đậy lên mâm. Mọi người ngồi chờ giờ làm lễ.
>>> Nhấn vào đây để xem thêm ảnh.
Trước tiên các chú tiểu sau khi đi khất thực về sẽ để bình bát ngay hàng thẳng lối đối diện tượng Phật nhưng không xa người cúng dường lắm. Thức ăn được cho vào chén và sắp lên mâm. Một sư dâng mâm này lên dâng cúng Phật. Sư sãi và người cúng dường chắp tay hướng về phía Phật đọc kinh và lạy. Sư trụ trì và sư phó quay ra; các chú tiểu đọc kinh và cúi lạy hai vị này, chắc cảm ơn hai vị đã cưu mang và dạy dỗ họ. Sau đó vài chú tiểu đến mở nắp các bình bát ra. Những người cúng dường cơm nếp, quỳ gối, xếp hàng và lần lượt lấy một ít cơm từ thố mây của mình cho vào bình bát.
![]() |
Các nhà sư lễ Phật trước khi dùng bữa trưa. |
Các chú tiểu xuống bưng các mâm thức ăn lên. Một mâm cho sư trụ trì, một mâm cho sư phó, một mâm cho các chú tiểu lớn và một mâm cho các chú tiểu nhỏ. Người cúng dường chắp tay hướng về các sư, đọc kinh, chắc ý nói là cảm thấy hân hạnh được cúng dường.
Sư sãi chắp tay hướng về người cúng dường đọc kinh (chắc là cảm ơn họ đã cúng dường); trong lúc ấy thì những người cúng dường tay trái chắp trước ngực; tay phải cầm chai nước nhỏ mang theo rót vào ly. Các chú tiểu lấy bình bát và xoay vào mâm cơm để dùng bữa. Trong khi các phật tử ngồi chờ đợi.
Ăn xong thì các chú tiểu sắp thức ăn lại cho ngay ngắn và lấy đồ phủ đậy lên. Hai cái mâm nhựa được mang ra. Các chú tiểu cho tất cả thức ăn được cúng dường trong bình bát mà sau khi dùng bữa vẫn còn, trút ra mâm, có cả trứng gà luộc và thức ăn khác.
Sau đó các chú tiểu bưng các mâm cơm và hai mâm này xuống để chỗ những người cúng dường. Mọi người ai thích món gì thì lấy món đó cho vào làn mây của mình. Họ chia nhau cơm nếp trong mâm. Các mâm cơm dù đã có người dùng qua nhưng nhìn vẫn còn khá tươm tất. Hình như các chú tiểu được dạy các ăn uống gọn gàng như một quy tắc của nhà Phật ấy. Không có cảnh cơm rơi vương vãi, các dĩa chén thức ăn nhìn vẫn như mới.
![]() |
Phật tử cúng dường tại chùa làng Xiengkuane. |
Sau khi ăn xong thì mọi người lại chia nhau thức ăn thừa để mang về nhà. Vì vậy dù mang thức ăn đến cúng dường nhưng mọi người vẫn luôn có thức ăn để mang về. Chỉ khác là thức ăn mang về là thức ăn được ban phúc.
Cùng mọi người dọn dẹp xong thì sau khi họ về nhà, tôi cũng lên đường. Lúc tôi đẩy xe ra cổng thì sư trụ trì mang đến cho tôi một bịch bánh ngọt. Tôi chụp sư này một kiểu hình. Sư bảo gửi hình cho sư. Tôi không dám hứa bởi vì nơi này cách Vientiane đến 30 cây số mà xung quanh lại không có chỗ rửa hình.
Chia tay sư trụ trì, tôi lần theo lối khác để ra thì thấy cổng chùa (vậy mà tôi cứ đinh ninh là chùa này không có cổng) nằm gần đường chính, cách chùa khoảng một cây số. Lúc ấy tôi mới biết nơi này có tên là Xiengkuane. Buddha Park trong tiếng Lào được gọi là Xiengkuane; vì thế tôi không biết do Buddha Park nằm ở làng Xiengkuane nên có tên gọi ấy hay do làng này nằm gần Buddha Park mà được gọi là làng Xiengkuane.
Từ Xiengkuane, tôi đạp xe về cầu Hữu Nghị để sang Thái Lan.
Qua cầu Hữu nghị Lào - Thái
Khi tôi đến trạm hải quan cửa khẩu Lào, mấy anh gác cổng chỉ tôi vào kê khai thủ tục chung với những người có xe. Tôi là người duy nhất lái “xế điếc” qua biên giới, mọi chiếc xe khác ở đây đều có động cơ. Thấy có nhiều cửa quá, không biết cửa nào đúng nên tôi vào đại một cửa. Lúc tôi móc hộ chiếu ra thì một người đang xếp hàng như tôi nói: “passport” rồi chỉ tôi qua phía bên kia. Ở phía kia, tôi lại được chỉ vào đứng đúng ô cửa. Tất cả mọi người đều trình hộ chiếu và giấy tờ xe. Tôi chỉ đưa hộ chiếu. Anh hải quan nói gì đó mà tôi đoán là hỏi tôi giấy tờ xe đâu (bởi ai có xe mới phải xếp hàng ở đây chứ), tôi chỉ vào chiếc xế điếc của mình. Anh ta không nói gì hết, lấy hộ chiếu của tôi để làm thủ tục.
Hôm ấy có một việc khiến tôi xấu hổ ghê!
Tôi cất tiền lẻ của các nước mà tôi đã đi qua, có cả tiền Việt Nam trong ba lô đựng máy tính, buộc trong bao ny lông và ràng kỹ lưỡng nên khi gặp những người Lào muốn xem cho biết tiền Việt như thế nào, tôi thường từ chối để khỏi tốn thời gian lấy ra. Nhưng nhiều người muốn xem quá nên tôi lấy ra vài tờ kẹp vào hộ chiếu để có gì đem ra “khoe” cho tiện. Chuyện là vậy nhưng lúc anh chàng hải quan mở hộ chiếu ra thấy có kẹp tiền nên lấy đưa trả lại cho tôi. Tôi thấy mình giống như người đưa hối lộ mà bị từ chối ấy (dù tôi có muốn vậy đâu). Khi cầm tiền mà anh hải quan đưa lại, tôi xấu hổ ghê và mong rằng không có người nào đứng sau lưng nhìn thấy.
Thủ tục hải quan phía Lào khá nhanh và tôi không tốn một cắc bạc nào cả dù tất cả những người khác đều phải nộp tiền cho chiếc xe của họ; riêng chiếc "xế điếc" của tôi là miễn phí.
Đạp xe lên cây cầu Hữu Nghị (phải qua hải quan Lào xong thì mới được qua cầu), tôi thấy bảng chỉ dẫn là phải đi bên tay trái (Thái Lan lái xe bên trái). Cây cầu thật lớn và từ trên cầu nhìn xuống thấy sông Mê kong thật vĩ đại. Phân nửa cây cầu treo cờ Lào và nửa kia là cờ Thái. Tôi nghĩ bụng, nếu vậy tại sao lại phải lái xe bên trái cả cây cầu nhỉ? Nếu bên Lào lái bên phải được nửa cây cầu và qua Thái phải lái bên trái nửa cây cầu còn lại thì chắc buồn cười lắm nhỉ và làm sao mà lái? Chả lẽ đến giữa cầu lại có đường vượt cho xe lái cho đúng làn đường sao?
Cảnh bên Thái trông tươm tất hơn bên Lào nhưng kém thân thiện hơn (do cảm giác của tôi thôi). Tôi lại chạy theo các xe ô tô vào ô cửa để lấy tờ khai hải quan. Tại đây họ nhìn xế điếc của tôi và ra dấu bảo tôi qua khu vực dành cho khách bộ hành mà làm thủ tục. Do tôi làm biếng quay xe chạy trở lại khu vực ấy nên sau khi điền xong thông tin, tôi vào ô cửa của những người cần kê khai giấy tờ xe. Tôi lại xếp hàng và lại bị hỏi giấy tờ xe. Tuy nhiên ở đây, tôi chưa kịp giải thích thì người đàn ông đứng sau lưng tôi đã giải thích và chỉ vào chiếc xe đạp của tôi rồi. Anh chàng hải quan không tin nên mở hẳn cửa sổ ra để nhìn, nhìn xong, anh ta cười và nói gì đó với đồng nghiệp đứng bên cạnh.
Anh ta làm thủ tục cho tôi xong thì nói: “100 bạt” bằng tiếng Việt. Tôi hơi bất ngờ khi bị đòi phí cho xe đạp (cũng đáng đời cái tội làm biếng đi qua khu vực cho khách bộ hành) nên đứng phân vân (tiếc tiền đấy mà). Anh ta tưởng tôi không hiểu nên nói tiếng Thái: “nueng roi.” Anh chàng đứng sau lưng chìa ra tờ 100 baht ý nói trả số tiền này nè.
Đi xe đạp thì làm sao mà tốn phí được cơ chứ. Lúc ấy tôi có 6 ngàn baht (khoảng 200 đô Mỹ), tiền còn dư từ những lần đi trước. Tuy nhiên tôi không muốn tốn tiền mà đáng lẽ không tốn nên nói đại: “bo mi” (không có) và hồi hộp bởi vì có thể anh ta quy ra tiền kip và bắt tôi đóng không chừng. Anh ta ngồi lật lật quyển hộ chiếu của tôi xem các trang có đóng mộc và visa các nước khác. Trong lúc ấy, tôi phân vân không biết nếu anh ta đòi tiền kip thì có nên đưa hay không hay lại tiếp tục “bo mi” rồi mọi chuyện tới đâu thì tới (dù tôi còn hơn 300 ngàn kip cơ).
Cuối cùng anh ta hỏi tôi đi đâu; tôi nói Bangkok; anh ta hỏi đạp xe đi à. Tôi nói vâng. Anh ta cười và lắc đầu vẻ không tin. Thật may là sau đó anh ta trả lại hộ chiếu và khoác tay ý bảo tôi đi. Tôi lấy lại hộ chiếc và không nhớ ra câu cảm ơn tiếng Thái nên lên xe đi luôn.
Ra ngoài, tôi kiếm chỗ ngồi kiểm tra hộ chiếu xem các con mộc đã đủ chưa và cất tiền kip vào, lấy tiền Thai baht ra. Tôi theo bảng chỉ dẫn mà đạp xe vào thị trấn Nong Khai của Thái Lan.
Kỳ sau: 9 ngày vòng sang Thái.