Thứ Hai, 2/10/2023, 16:29
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Kỳ 2: Tiếng thở dài London

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ 2: Tiếng thở dài London

Nguyễn Hữu Tài

(TBKTSG Online) – Người ta nói rằng, trong tháp Bloody Tower (Tháp Máu), hồn ma không đầu, mặc váy trắng xóa của hoàng hậu Anne Boleyn thỉnh thoảng đi lại trong tháp. Hồn ma của Arabella Stuart, cháu gái nữ hoàng Mary xứ Scotland, vẫn vất vưởng sau khi bị bỏ cho chết đói. Rồi các vị vua và các hoàng tử mấy trăm năm rồi vẫn chưa siêu thoát, oan hồn vật vờ dưới bóng trăng thanh. Tất cả khiến tôi rùng mình, ớn lạnh.

Bài viết được trích trong tập du ký Đi rong trên những múi giờ sẽ được phát hành vào tháng 12-2018.

Kỳ 1: Đến “platform 9 ¾” tìm chuyến tàu của Harry Porter

Kỳ 2: Tiếng thở dài London
Cầu tháp London, nằm bên bờ Bắc sông Thames.

Sáng mai nắng lên cao nhưng khí trời còn khá lạnh. Thành phố đa sắc tộc nhất thế giới với hơn 300 ngôn ngữ cùng tồn tại đang háo hức đợi chờ tôi. Sau một giấc ngủ đã đời, việc đầu tiên tôi phải làm là bắt tàu đến ga Waterloo thăm chuông đồng hồ Big Ben danh tiếng.

Khi đặt chân lên cầu Westminster trứ danh, tôi mừng phát khóc. Sông Thames mùa thu nước xanh trong, êm đềm chảy qua cây cầu đông đúc. Thames không đơn thuần là dòng sông lớn, uốn quanh, chia cắt London thành hai bờ Nam – Bắc, mà còn mang trong lòng bao lịch sử kiêu hùng lẫn đau thương của thủ đô và cả nước Anh xinh đẹp.

Nhà văn trẻ Nguyễn Hữu Tài, sinh năm 1981, tại thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa, hiện đang định cư tại bang Maryland, Mỹ từ năm 2000.

Anh tâm sự: "Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sống bằng nghề viết lách. Với tôi, viết đơn giản chỉ để giải tỏa nỗi nhớ nhà luôn quay quắt trong lòng".

Từ di chỉ khai quật, các nhà khảo cổ đã xác định con người bắt đầu định cư bên dòng Thames khoảng 4.500 năm trước Công nguyên. Vào năm 43 sau Công nguyên, người La Mã đã lập nên Londinium (còn gọi là London La Mã), tiền đề của London, rồi người Anglo-Saxon (thuộc bộ tộc German cổ, các dân tộc Đức, Hà Lan hoặc Anh thường được coi là hậu duệ của họ) chuyển đến cư trú vào thế kỷ thứ 7. Sau hai ngàn năm đằng đẵng, London chuyển mình kỳ vĩ bên hai bến.

Dưới đáy sâu trầm tích, Thames đã khóc cười với phố phường, chứng kiến bao đau thương, tang tóc. Sông chôn vào lòng hàng ngàn người chết vì dịch bệnh và hỏa hoạn, sông đi qua bao thế hệ cuộc đời, vào bóng bẩy thơ ca, làm nhiều người như tôi mơ ước chạm vào, giờ mới thỏa lòng, toại nguyện.

Và thoáng thấy bóng dáng Big Ben soi bóng dưới Thames, tôi mới biết mình đã thực sự đến London rồi đấy. Big Ben trên bưu thiếp trước tu viện Westminster, Big Ben trong tờ lịch treo tường, Big Ben biểu tượng cao quý của nước Anh, đang hiện ra sờ sờ trước mặt. Tôi thiệt tình muốn hét thật to cho cả thế giới biết mình đang vui sướng và hạnh phúc thế nào khi đối diện với "người tình" trong mộng.

Big Ben là tên gọi thân thương của quả chuông bên trong tháp đồng hồ lớn. Còn tên thật của "nàng" là Great Bell (quả chuông lớn). Từ tiếng chuông đầu tiên vào năm 1859, Big Ben và nước Anh đã đi qua những khủng hoảng quốc gia, Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai, Chiến tranh lạnh… nhưng dáng vẻ oai phong của tháp chưa bao giờ đánh mất. Chuông vẫn vang giòn khắp bốn phía thủ đô.

Vòng quay Thiên niên kỷ khổng lồ.

Tôi không muốn rời xa nơi này tí nào hết. Tôi muốn dựa vào thành cầu nghiêng mình xuống Thames xanh thẳm, để nhìn London Eyes, vòng quay Thiên niên kỷ khổng lồ, cao 135m lúc nào cũng đông nghẹt khách ngồi trong lồng kính ngắm 55 địa danh nổi tiếng nhất thủ đô từ thấp đến cao.

Tôi muốn im lặng ngắm chuyến xe bus hai tầng màu đỏ qua lại trên cầu. Bác tài nào cũng nhấn ga chầm chậm, không phải để né người khỏi tai nạn, mà để cho khách thỏa lòng chụp hình, lưu lại khoảnh khắc tuyệt đẹp lúc xe chạy ngang qua.

Tôi và Hoàng chầm chậm đi bộ xuống cạnh bến sông để có thể thấy toàn cảnh tu viện Westminster Abbey xây bằng đá vàng in bóng dưới Thames. Nằm trước nghị viện Vương quốc Anh, giữa hai ngôi tháp Big Ben và Victoria, thánh đường có hai tháp chuông bằng đá giống Notre Dame (nhà thờ Đức Bà) ở Paris, luôn là một biểu tượng gắn liền với sự thăng trầm của thành phố.

Được vua Edward the Confessor (một trong những vị vua Anglo-Saxon cuối cùng của nước Anh, cai trị từ 1042 đến 1066) xây vào năm 1042, đến nay đã gần một ngàn tuổi mà Abbey chưa hề già cỗi. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ trọng đại của hoàng gia, cũng là nơi an nghỉ của các vị vua, nữ hoàng của nước Anh hùng mạnh, nơi chôn cất hay khắc tên của những nhà khoa học nổi tiếng như Newton, Darwin và Shakespeare lừng danh.

Nhà văn Nguyễn Hữu Tài bên buồng điện thoại đỏ, một biểu tượng của London.

Được nhà thiết kế nổi tiếng Giles Gilbert Scott giới thiệu vào năm 1924, hơn 90 năm sau, buồng điện thoại đỏ đã trở thành background (bối cảnh chụp ảnh) cho hàng tỉ tấm hình du khách đến London. Và tất nhiên, chẳng có lý do gì để tôi không có một vài pô với "nàng" ấy.

Sau này đi nhiều thành phố khác như Oxford, Manchester, Blackpool, tôi cũng gặp các buồng điện thoại đỏ, nhưng hình như chỉ ở London mới rực rỡ, nồng nàn và tươi thắm, như mới được sơn từ tối qua. Thời đại công nghệ thông tin, smartphone thay thế vai trò của các buồng điện thoại công cộng nên chắc chẳng mấy ai dùng nó nữa. Nhưng biểu tượng muôn đời vẫn là biểu tượng. Mỗi đất nước, mỗi thành phố có một biểu tượng nổi tiếng đã vui rồi. Nhưng không hiểu sao với tôi ở London, cái gì cũng là biểu tượng.

Một số tác phẩm của Nguyễn Hữu Tài đã xuất bản tại Việt Nam: Nỗi buồn rực rỡ (2012); Những chuyến thiên di (2012); Cô đơn thẳng đứng (2013); Chồm hỗm giữa chợ quê (2013); Nước Mỹ có gì vui (2014); Sài Gòn yêu em đi (2015); Còn lại gì cho nhau (2015); Nước Mỹ những ngày xê dịch (2016); Thiên đường phải không anh (2017).

Hai đứa xuống thuyền đi dọc Thames. Thay vì ngắm "nàng" ấy từ trên cầu cao, tôi có cơ hội ngồi trong lòng, sát một bên, len lén thò tay vọc nước và ngửi được mùi rong nồng ấm từ dưới đáy. Sông Thames đoạn qua London có 33 cây cầu lớn nhỏ bằng đá, thép, bê tông, cầu vòm, dây võng, dây văng… nối hai bờ Nam Bắc. Cầu sông Thames không chỉ là phương tiện qua sông, mà còn gieo thương nhớ cho bao nhiêu người.

Tower Bridge (Cầu Tháp) kết hợp giữa cầu treo và máy nâng cho thuyền lớn đi qua là cây cầu đẹp nhất, làm xao xuyến lòng người. Tower Bridge được xây theo lối Gothic, hoàn thành năm 1894, với hai ngọn tháp cao 65m oai phong hiện lên uy dũng, bất chấp thời gian tàn phá. Thuyền đi qua City Hall (tòa thị chính) có hình vỏ sò bằng kính và tòa nhà chọc trời khổng lồ The Shard ở phố Southwark đang dần dần hoàn thiện. Cầu Waterloo ngay tại nhà ga Waterloo đông người, gợi nhớ trận đánh kinh hoàng trên đất vương quốc Bỉ, đã làm vỡ tan giấc mộng vĩ cuồng của Napoleon, thống nhất châu Âu…

Chui qua London Bridge (cầu London) từng được bán với giá 2,5 triệu đô la cho doanh nhân người Mỹ, giờ đã thay hình đổi dạng từ cầu đá cong sang dầm hộp bê tông. Anh hướng dẫn cất giọng đọc bản đồng dao buồn của con nít xứ này:

London Bridge is falling down

Build it up with wood and clay

Wood and clay will wash away

Build it up with bricks and mortar

Bricks and mortar will not stay

Build it up with iron and stell

Iron and sell will bend and bow

London bridge is falling down

                                          (Tạm dịch:

Cây cầu London đang gãy đổ

Hãy xây nó bằng gỗ và đất sét

Gỗ và đất sét rồi sẽ bị mục ruỗng

Hãy xây lại nó bằng gạch và vữa

Gạch và vữa rồi cũng sẽ rơi

Hãy xây lại nó bằng sắt và thép

Sắt và thép rồi cũng bị uốn cong

Cây cầu London đang gãy đổ…

Bài ca nghe như tiếng thở dài của dân London cho cây cầu cả ngàn năm tuổi giờ chẳng còn hồn vía.

Chúng tôi xuống thuyền ngay bến London Tower (tháp London) bên bờ bắc của Thames. Trải theo dòng lịch sử, nơi đây từng là pháo đài, rồi cung điện, xưởng đúc tiền, kho vũ khí và sở thú. Tương truyền đây là nơi bị ma ám nhiều nhất nước Anh. London Tower từng giam nữ hoàng Elizabeth II (khi còn là công chúa) và hàng ngàn người khác theo đạo Tin Lành, rồi những người không từ bỏ niềm tin Công giáo hoặc chống đối với vương lệnh của Elizabeth II khi bà lên ngôi.

Hoa dạ yến thảo trên những mái tường London.

Hai đứa ngồi bệt trên thềm đá, nhìn bãi cỏ xanh bị hàng rào ngăn lại. Lũ bồ câu dạn dĩ nhào tới tìm thức ăn như chỗ không người. Xa xa, Bloody Tower (Tháp Máu) hiện lên đau đớn. Tôi dỏng tai nghe hướng dẫn viên gần đó say sưa trình bày cho du khách. Sau khi vua Edward IV (28/4/1442 – 9/4/1483) qua đời vào năm 1483, em trai của ông, Richard công tước xứ Gloucester, đã tiếm ngôi, giam cầm hai người cháu là vua Edward V và Richard trong tòa Tháp Máu. Mãi đến năm 1674, mấy người thợ sửa sang tòa tháp đã đào được hộp gỗ chứa hai bộ xương trẻ nhỏ, nhưng tới giờ hoàng gia vẫn chưa khẳng định đó là xác của vụ án năm xưa.

Dù hàng ngàn người bị giam cầm ở đây, nhưng chỉ có năm phụ nữ và hai đàn ông bị chém đầu trong khu vực của tháp để giữ danh tiếng cho họ. Đó là hoàng hậu Anne Boleyn của vua Henry VIII (1491- 1547), nữ hoàng Catherine Howard và nữ hoàng Jane Grey. Gần 1.500 người khác bị chém ở ngọn đồi Tower. Đầu bị bêu thị chúng trên London Bridge sau đó thi thể được chôn dưới nền nhà thờ trong tháp. Người ta nói rằng, các hồn ma vẫn còn đâu đây chưa siêu thoát.

Đói bụng quá, hai anh em tới gần đó mua đồ ăn. Đã đến nước Anh rồi thì phải thưởng thức đặc sản fish (cá) và chips (khoai tây). Nắng bớt gắt hơn, nhạt dần giữa bãi cỏ xanh, trên nóc London Tower và vàng đi hẳn. Tôi ngước mặt lên để tia nắng lung linh nhảy múa lên da mình. Có cảm giác ngồi một tí thôi là đủ vitamin D cho cả mùa thu đông sắp tới.

Dạ yến thảo, loài hoa rực rỡ mùa hè với đủ màu đỏ, hồng, vàng, tím, ở Mỹ giờ có lẽ sắp tàn, thay bằng cúc nồng nàn thơm mát nhưng ở London lại đi sau vài tháng, sắc thắm hắt lên trời, lên mắt, lên tay, lên màu tường xám của những lâu đài chung quanh như bức tranh đẹp tuyệt trần, khó lòng phai nhạt.

Mời các bạn đọc kỳ 3: Nét kiêu kỳ trong lớp trầm tích thời gian

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới