Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỳ 9: Đường lên hòn Đá Thiêng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ 9: Đường lên hòn Đá Thiêng

Nguyễn Đức Quỳnh Dung

Hòn Đá Thiêng (Golden Rock) trên núi Kyaiktiyo ở Kimpun. Ảnh: Quỳnh Dung

(TBKTSG Online) – Từ chùa Sule ở trung tâm thành phố Yangon, tôi đón xe buýt số 43 đến bến xe tốc hành với chiếc vé 200 kyat, để tiết kiệm tiền taxi. Sau 80 phút ê mông trên chiếc xe buýt chạy y như tàu lượn (roller coaster), tôi cũng đến được bến xe. Vừa nhảy ra khỏi xe buýt, tôi “được” vây quanh bởi một nhóm tài xế taxi.

Kỳ 8: Một ngày trên hồ Inlay.

Kỳ 7: Trekking đến vùng hồ Inlay.

Kỳ 6: Bagan – Xứ sở chùa chiền.

Kỳ 5: Chuyến phà dọc trên sông Ayeyarwady.

Kỳ 4: Một ngày ở ngoại ô Mandalay.

Kỳ 3: Cố đô Mandalay.

Kỳ 2: Thoát một cú lừa ở Yangon.

Kỳ 1: Đi bụi sang Myanmar.

Đến giờ, mọi người lần lượt lên xe. Tìm mãi tôi mới thấy số ghế được viết trên thành xe, ngang với chỗ để… đầu gối. Trái ngược với những chiếc xe buýt đêm lạnh như mùa đông châu Âu, chiếc xe buýt này nóng như mùa hè ở Ấn độ. Nhưng được cái là phong cảnh dọc đường đi khá đẹp. Giống như ở Việt Nam, mỗi khi xe dừng là có hàng tá người bán rong đội mâm đi vòng quanh xe buýt để rao hàng. Họ không được phép lên xe, chỉ đứng ở dưới đường rao thôi. Tôi cũng mua được một trái bắp nấu (giá 200 kyat) để lót dạ.

Đây là chiếc xe dành cho người dân địa phương mà tôi không được đi lên hòn Đá Thiêng. Ảnh: Quỳnh Dung

Khoảng 4 giờ chiều thì xe đến Kimpun. Xe dừng trong một cái sân khá rộng trước cửa một nhà hàng, vì thế vừa nhảy xuống xe tôi đã được nhân viên của một khách sạn gần đấy chào đón. Không thích ở đây, tôi đi về phía nhà nghỉ Pann Myo Thu. Nhà nghỉ này chỉ cần nhìn cũng đủ mê tít rồi. Khu vườn lan khá rộng và đẹp dẫn đến các phòng. Trong vườn có ghế xích đu cho khách ngồi ngắm lan. Phòng đơn là 5 đô la Mỹ, phòng có hai giường đơn là 8 đô (nếu tìm được bạn đồng hành để chia tiền thì nên chọn phòng này, vừa rẻ vừa có người nói chuyện). Giá phòng ở đây không bao ăn sáng. Nếu muốn ăn sáng phải trả thêm 1 đô.

Làm thủ tục nhận phòng xong, tôi đi dạo quanh. Ở đây vào thời điểm này người bán nhiều hơn người mua, các cửa hàng nằm san sát nhau, ở đây có hai loại “đặc sản” mà những nơi khác ít thấy. Thứ nhất súng và dao găm, kiếm được làm bằng thân cây và ống tre (ngay chân hòn Đá Thiêng mà lại bán toàn là dao kiếm, súng ống thì thật đáng ngạc nhiên quá; tôi còn nghe nói rằng ở đây những thứ “đồ chơi” bạo lực này là thứ mấy nhà sư thích nhất mới ghê chứ!). Thứ hai là các loại mứt: mứt sung, mứt cà, mứt gừng, mứt cam, mứt cóc… Thị xã này hầu như chẳng có gì để xem ngoài những cửa hàng này, vì thế khách du lịch thường chỉ ở một đêm để sáng lên núi xem Đá Thiêng chứ ít ai ở lại lâu.

Phụ nữ chỉ được ngồi từ xa cầu nguyện chứ không được đến gần, sờ vào hòn Đá Thiêng. Ảnh: Quỳnh Dung

Nghe nói 6 giờ sáng là có chuyến xe pick-up đầu tiên đưa khách lên núi rồi. Trạm xe pick-up rất gần nhà nghỉ, tôi chỉ mất 2 phút đi bộ. Thoạt nhìn, thấy một chiếc pick-up đầy nhóc người, tôi chạy đến và định leo lên thì có tiếng ai đó la lên: “Foreigner, over there” (Người nước ngoài, lại kia). Thế là tôi phải lên một chiếc xe khác, gần như trống rỗng.

Đến khoảng 7g20 thì mới đủ người. Quái lạ là người địa phương không dồn vào một chiếc pick-up mà họ cứ ngồi rải rác trên những chiếc khác nhau, cuối cùng chiếc nào cũng gần đủ người và ai cũng phải chờ đợi. Anh bạn người Bỉ ngồi kế bên tôi bực bội ra mặt, miệng luôn lẩm bẩm những câu chê bai, khó chịu. Cả người dân địa phương cũng tỏ vẻ rất bực mình.

Cuối cùng tài xế của chúng tôi cũng cho xe lăn bánh, dù trên xe vẫn còn 3-4 chỗ trống. Xe chạy khoảng 20 phút thì dừng cho hành khách đi toa lét và tài xế thu tiền xe. Người địa phương và du khách nước ngoài đều trả cùng mức giá như nhau là 1.500 kyat.

Khoảng 15 phút sau, chúng tôi lại lên đường. Quãng đường này đúng là kinh người và chiếc xe chúng tôi lao đi như một chiếc tàu lượn siêu tốc thực thụ. Đường núi dốc, có những nơi ngoặt rất gấp. Mọi người ngồi vắt vẻo trên chiếc xe tải cũ kĩ gầm gú mỗi khi lên dốc và xịt khói đen xì mỗi khi xuống dốc. Hai bên dốc thẳng đứng. Chỉ cần tài xế sơ sẩy tay lái là mọi người có thể cùng nhau về Tây phương cực lạc rồi.

Sau khoảng 30 phút “hồn xiêu, phách lạc”, cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi. Tại đây có dịch vụ khiêng kiệu dành cho những người không thể leo nổi đoạn đường còn lại. Tất nhiên, tôi đi bộ bởi vì khoảng cách và độ dốc ở đây so với những ngọn núi ở Việt Nam thì chẳng thấm vào đâu. Đưòng đi được tráng xi măng sạch sẽ chứ không phải lởm chởm đá, gập ghềnh như ở núi Yên Tử ở Việt Nam.

Trong khi đàn ông có thể tự tay dán những miếng vàng ròng mỏng như giấy lên tảng đá để cầu phúc, cầu may cho mình và gia đình. Ảnh: Quỳnh Dung

Vừa đi vừa ngắm cảnh thoải mái, khoảng 45 phút sau tôi cũng đến hòn Đá Thiêng. Tại đây, người nước ngoài phải trả 6 đô la mua vé vào cửa và 2 đô cho máy ảnh. Ở đây đầy nhóc người cầu nguyện hoặc nhập thiền trong không gian yên tĩnh. Chỉ có nam giới mới được vào cửa (có bảo vệ canh giữ nghiêm ngặt) để đến gần và chạm vào hòn Đá Thiêng.

Đối diện hòn Đá Thiêng, người ta xây một toà nhà được chia ra hai phần, một bên cho nam và một bên cho nữ để ngồi cầu nguyện. Trong khu quanh nhà này có những ngôi nhà riêng biệt đặt hương án thờ tượng Phật và khá nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm.

Sau gần hai tiếng loanh quanh nhìn ngắm hòn đá thiêng, tôi “xuống núi”. Lần này có kinh nghiệm, tôi chọn ngồi ở băng ghế trước, nơi có chỗ để chân rộng hơn và có chỗ để tì vào nếu muốn đứng lên để chụp hình khi xe đang chạy.

Xuống núi, tôi vẫn còn đủ thời gian để đi Bago nếu muốn, bởi vì xe buýt khởi hành lúc 2 giờ. Quay về nhà trọ lấy hành lý, tôi được một anh nhân viên nhà trọ này dắt đến bến xe buýt gặp bạn anh ta. Thế là chuyến xe từ Kimpun đi Bago, tôi chỉ phải trả có 4.000 kyat thay vì 5.000 kyat. Đúng là quen biết có khác. Hình như giá vé giao thông công cộng cho người nước ngoài ở đây là vô định, vì thế họ muốn lấy bao nhiêu tiền cũng được và có thể giảm giá nếu muốn.

Du khách nước ngoài đến Myanmar luôn phải trả tiền khi vào chùa và trả tiền hơn gấp nhiều lần so với người địa phương khi sử dụng giao thông công cộng. Ví dụ giá vé xe buýt Yangon đi Kimpun, người Myanmar trả 4.000 kyat thì khách nước ngoài phải trả gấp đôi; người địa phương mua vé tàu lửa Bago đi Yangon giá 500 kyat, khách nước ngoài phải trả 2.000 kyat, gấp bốn lần cho chỗ ngồi cùng hạng. Nhưng chênh lệch cao nhất là giá vé đi phà qua sông Yangon, du khách nước ngoài phải trả 1.000 kyat, gấp 100 lần giá vé người địa phương, chỉ có 10 kyat.

Còn đây là chuyến xe xuống núi đang chuẩn bị xuất phát, có cả khách du lịch và người địa phương. Ảnh: Quỳnh Dung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới