(KTSG Online) - Chỉ trong vòng 10 tháng có đến hơn 97.000 doanh nghiệp buộc phải rút khỏi thị trường vì hoạt động gặp khó khăn. Đáng chú ý, hàng trăm doanh nghiệp có quy mô vốn lớn hơn 100 tỉ đồng cũng phải đóng cửa trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành hiện nay.
Cùng thời gian trên, cả nước có gần 93.720 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái), tức thấp hơn số doanh nghiệp đóng cửa.
Dưới tác động của dịch bệnh, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng đầu năm nay là 97.089 doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó có 48.487 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 49,9% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 34.994 doanh nghiệp, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2020 và có hơn 13.600 doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài các doanh nghiệp đang chờ giải thể và đã giải thể, các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cũng chủ yếu thuộc các lĩnh vực: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (17.905 doanh nghiệp, chiếm 36,9%); xây dựng (6.661 doanh nghiệp, chiếm 13,7%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (5.738 doanh nghiệp, chiếm 11,8%).
Có một điểm đáng chú ý trong báo cáo của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh là bên cạnh số doanh nghiệp có quy mô vốn thấp từ 10 tỉ đồng trở lại chiếm đa số (91%) thì đợt rút lui khỏi thị trường này còn có cả những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn hàng chục tỉ đồng đến hàng trăm tỉ đồng.
Cụ thể, doanh nghiệp có quy mô vốn từ 50 - 100 tỉ đồng có 415 doanh nghiệp rút lui (tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020) và quy mô trên 100 tỉ đồng có 261 doanh nghiệp (tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái).
Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng đầu năm 2021 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 24.745 doanh nghiệp (chiếm 51,0%); 13.127 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 27,1%) và 10.615 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 21,9%).
Tính riêng ở TPHCM, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng là 13.836 (chiếm 28,5% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của cả nước), tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Có thể con số doanh nghiệp rút khỏi thị trường sẽ tiếp tục gia tăng trong 2 tháng còn lại của năm nay khi mà khắp các tuyến đường hình ảnh các tòa nhà, điểm kinh doanh treo bảng trả mặt bằng, hay cho thuê mặt bằng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài ở TPHCM và các tỉnh phía Nam vừa qua.
Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2021 là 93.716 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 1.304.370 tỉ đồng, tương ứng giảm 15,7% và 18,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, trong cùng thời gian trên có 35.339 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Như vậy, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 10 tháng đầu năm 2021 là 129.055 doanh nghiệp, giảm 13,3% so với cùng kỳ 2020.
Bước sang quý 4/2021, Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine, có thuốc điều trị đã giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc bệnh. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó với dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.
Tại Việt Nam, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Đây là yếu tố được đánh giá sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021.