Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỹ năng cho toàn dân và thách thức đào tạo cho doanh nghiệp

Lê Hữu Huy(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Nếu như việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam được gói gọn trong mục 2 của Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn việc thực hiện điều 14 thuộc Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ, thì tại Singapore, đó là một phần trong chiến lược trang bị kỹ năng cho tất cả người dân để đối đầu với thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cơ chế thực thi chiến lược phát triển kỹ năng cho toàn dân.

Chiến lược trang bị kỹ năng toàn dân của Singapore được chính thức công bố qua phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long nhân quốc khánh vào tháng 8-2014 và ngay sau đó là việc hình thành một hội đồng mang tên SkillsFuture do đích thân Phó thủ tướng Tharman Shanmugaratnam làm chủ tịch. Ý nghĩa của SkillsFuture được ông Tharman giải thích trong buổi họp đầu tiên của hội đồng: “Tương lai của chúng ta phải là việc thông thạo các kỹ năng, trong mọi công việc và tạo điều kiện cho mọi người Singapore phát triển bản thân một cách tối đa”. Ông cũng cho rằng những nỗ lực này không chỉ từ riêng chính phủ mà còn có sự tham gia của doanh nghiệp, nghiệp đoàn và tất cả người dân.

Vai trò của cục tác nghiệp

Để cụ thể hóa chiến lược nói trên, Chính phủ Singapore đã thành lập một cục tác nghiệp (statutory board) mang tên SkillsFuture Singapore (SSG) trực thuộc Bộ Giáo dục (MOE) với chức năng thúc đẩy và điều phối các hoạt động về đào tạo kỹ năng, cổ động phong trào học tập suốt đời đồng thời củng cố hệ sinh thái giáo dục và đào tạo chất lượng trên toàn đảo quốc. Như vậy, ngoài hệ thống đào tạo phổ thông và đại học, SSG là cơ quan đầu mối đảm nhận việc duy trì và củng cố hệ thống đào tạo dành cho người thành niên trong đó có các tổ chức như Ủy ban Giáo dục Tư nhân (CPE), Học viện cho người thành niên (IAL).

10 kỹ năng hàng đầu người lao động cần có trong năm 2025.
Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)

Với vai trò đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo tư nhân dành cho người thành niên, SSG cùng với các tổ chức giáo dục và đối tác đào tạo giúp người dân trong độ tuổi làm việc được tiếp cận với chương trình đào tạo chất lượng cao, phù hợp với ngành nghề mà mình lựa chọn. Đồng thời, SSG cũng phối hợp với các hoạt động giáo dục và đào tạo thường xuyên (Continuing Education and Training) và đào tạo trước khi làm việc (Pre-Employment Training-PET) sao cho người lao động có thể đáp ứng nhu cầu kỹ năng đa dạng trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Vai trò nói trên quan trọng đến nỗi Quốc hội Singapore đã thông qua một đạo luật dành riêng cho SSG (SSG Act) vào năm 2016. Với một hội đồng quản trị bao gồm các thành viên khác nhau từ khu vực nhà nước, tư nhân và nghiệp đoàn, SSG vận hành như một doanh nghiệp với các chỉ số đánh giá hiệu quả (KPI) và kiểm toán hàng năm. Nhờ vậy, SSG đã trở thành một kênh đáng tin cậy cho người dân Singapore báo cáo về những hành vi sai trái hoặc bất thường có thể xảy ra liên quan đến các tổ chức đào tạo, nhà tuyển dụng, nhà cung cấp, nhà thầu hoặc bất kỳ vấn đề nào khác được SSG phê duyệt.

Một cơ quan khác không kém phần quan trọng là Workforce Singapore (WSG) trực thuộc Bộ Nhân lực (MOM) được thành lập năm 2003 khi Singapore phải đối đầu với những đợt bùng bùng phát hội chứng hô hấp cấp (SARS) và vẫn còn cố gắng phục hồi kinh tế sau một loạt thảm họa khu vực và thế giới như khủng hoảng tài chính châu Á 1997, sự kiện 11-9-2001, vụ đánh bom Bali năm 2002. Thị trường việc làm bị thu hẹp, thất nghiệp gia tăng và chỉ trong hai tháng (4 đến 6-2003), đã có 25.963 người dân mất việc – nhiều hơn con số của cả năm 2002.

Trong bối cảnh đó Ủy ban Đánh giá Kinh tế (ERC) khuyến nghị chính phủ thành lập Cơ quan Giáo dục và Đào tạo Thường xuyên (CET) để thúc đẩy và phát triển giáo dục và đào tạo thường xuyên sao cho người dân có thể tiếp tục có việc làm. Đáp lại khuyến nghị này, MOM thành lập cục tác nghiệp mang tên Cơ quan Phát triển Lực lượng Lao động (WDA) và đầu tư vào các chương trình đào tạo để giúp người lao động có được các kỹ năng cần thiết. Năm 2016, WDA được cơ cấu lại và đổi tên thành WSG với chức năng chính là giúp doanh nghiệp tinh gọn về nhân lực nhưng vẫn đảm bảo khả năng cạnh tranh. Không khác SSG, WSG cũng có hẳn một bộ luật riêng (Workforce Singapore Agency Act) được quốc hội thông qua vào năm 2003.

Cổ xúy văn hóa học tập và rèn luyện suốt đời

Chia sẻ kinh nghiệm trong Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức hồi tháng 9-2021, bà Gog Soon Joo, Giám đốc quản lý đào tạo Kỹ năng của SSG, cho biết Singapore vẫn luôn xem xét và đánh giá lại việc đào tạo lại lực lượng lao động kể từ ngày lập quốc. Để đảm bảo người lao động có các kỹ năng cần thiết cho công việc trong tương lai, Chính phủ Singapore đã ưu tiên các nguồn lực cho giáo dục và khơi dậy động lực học tập của người dân. Thông điệp cho người dân là tăng trưởng kinh tế sẽ ảnh hưởng đến thành đạt cá nhân nhưng mọi người phải thấm nhuần văn hóa học tập suốt đời.

Trên tinh thần đó, các sáng kiến của SSG đã được triển khai cho học sinh ngay từ lớp 5, bậc tiểu học theo đó các em có thể khám phá sở thích của mình thông qua các công cụ như tự đánh giá trực tuyến và trò chơi để hiểu các lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Cổng thông tin của SSG cũng cho phép khám phá các cơ hội giáo dục và đào tạo, đồng thời tìm kiếm các cơ hội việc làm trong nhiều ngành khác nhau. Ở bậc đại học, các chương trình của SSG cho phép sinh viên học hỏi thông qua các bài tập có ý nghĩa và tiếp xúc với ngành nghề cụ thể trước và sau khi tốt nghiệp. Một số chương trình còn cho phép sinh viên thực tập tại các công ty khởi nghiệp và công nghệ ở các nước để trang bị cho họ kiến ​​thức và hiểu văn hóa làm việc ở các quốc gia khác nhau.

Kể từ năm 2015, chính phủ cấp cho tất cả công dân Singapore từ 25 tuổi trở lên một khoản “tín dụng” trị giá 500 đô la Singapore để đóng học phí cho khoảng 20.000 khóa học trên cổng điện tử của SSG.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhằm khuyến khích hơn nữa người dân Singapore hành động kịp thời để đào tạo lại và nâng cao kỹ năng để bắt kịp với những thay đổi liên quan đến công nghệ và nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế tương lai, chính phủ lại “tặng” thêm cho mỗi người dân 500 đô la Singapore nữa. Tuy nhiên, khoản tiền này sẽ không còn giá trị nếu người dân không sử dụng trước ngày 31-12-2025.

Thách thức cho doanh nghiệp

Theo nhận định của Bộ Công Thương (MTI) trong báo cáo về ngân sách 2020 bao gồm các biện pháp để giúp các doanh nghiệp Singapore chuyển đổi và nắm bắt các cơ hội trong tương lai, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những thay đổi về cấu trúc với sự thay đổi của chuỗi cung ứng và sự tăng tốc trong phát triển công nghệ. Các doanh nghiệp Singapore sẽ phải vượt qua các thách thức về năng lực của doanh nghiệp như phát triển kinh doanh và lãnh đạo, quốc tế hóa, đổi mới và sáng tạo, số hóa nhưng nổi cộm nhất vẫn là bài toán đào tạo kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là đối với các DNNVV.

Theo một khảo sát mới đây của Trung tâm đào tạo LHUB thuộc tổ chức nghiệp đoàn Singapore (NTUC), 50% DNNVV cho biết việc “thiếu ngân sách” là một thách thức chính trong việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động và 48% nói rằng việc bắt người lao động tham gia khóa đào tạo nâng cao tay nghề có thể “làm gián đoạn hoạt động hàng ngày”. Báo cáo cũng tiết lộ rằng so với tập đoàn và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, DNNVV thường chậm chạp trong việc đưa ra các kế hoạch cải thiện đào tạo cho nhân viên. Các DNNVV cũng ít có khả năng sử dụng phản hồi sau đào tạo và thực hiện các cải tiến đối với phương pháp đào tạo.

Mặc dù SSG đã đưa ra chương trình đào tạo bổ sung cho DNNVV dưới hình thức trợ cấp học phí cao hơn và có thể lên đến 90% nhưng thực tiễn cho thấy đây cũng không phải là phương thức hoàn hảo. Theo các chuyên gia, hệ thống giáo dục và đào tạo cần phải nhanh nhẹn và đổi mới hơn trước để bắt kịp với tốc độ thay đổi ngày càng nhanh của doanh nghiệp. Để làm được như vậy, việc đào tạo cần được thực hiện theo các phương thức khác nhau và kịp thời để đảm bảo sự phù hợp với các nhu cầu đa dạng. Việc học tập cũng cần phát triển từ cơ chế tuyến tính sang mô hình linh hoạt, thích ứng và suốt đời. Cuối cùng, sự hợp tác liên kết của các cơ quan chính phủ, bộ ngành, nghiệp đoàn, doanh nghiệp và nhà cung cấp giáo dục và đào tạo là yếu tố quan trọng cho sự thành công của mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của một quốc gia.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới