Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kỷ nguyên tiền rẻ đã kết thúc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Kỷ nguyên lãi suất cực thấp và nới lỏng định lượng đã kết thúc vào năm 2022 khi các ngân hàng trung ương quyết liệt tăng chi phí vay để chống các mức lạm phát cao xuất hiện khắp nơi trên thế giới.

Sự dịch chuyển chính sách này đã đảo ngược các giả định trước đây về thị trường và nền kinh tế. Các ngân hàng trung ương sẽ không còn sẵn sàng giải cứu các thị trường bị thiệt hại. Khi bước sang năm 2023, câu hỏi lớn đối với giới đầu tư là môi trường lãi suất cao sẽ tồn tại trong bao lâu.

Chi phí vay tăng mạnh trên toàn cầu trong năm 2022 đã kết thúc kỷ nguyên lãi suất cực thấp và nới lỏng định lượng. Ảnh: Getty

Nguyên nhân trực tiếp nhất dẫn đến sự đảo ngược đối với kỷ nguyên tiền rẻ là tốc độ tăng mạnh mẽ bất ngờ của lạm phát. Tất cả các ngân hàng trung ương lớn, với một ngoại lệ đáng chú ý là Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), đã nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ trong 12 tháng qua.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 4,25 điểm phần trăm, lên mức cao nhất trong 15 năm. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất thêm 3,25 điểm phần trăm lên mức cao nhất kể từ tháng 11-2008. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tăng chi phí vay chuẩn thêm 2,5 điểm phần trăm, lên mức cao nhất từ cuối năm 2008.

Lợi suất trái phiếu của các chính phủ cũng tăng mạnh. Tính từ tháng 12 -2021, lợi suất của trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 2,6 điểm phần trăm, trái phiếu chính phủ Đức và trái phiếu chính phủ Mỹ trong cùng kỳ hạn cũng tăng lần lượt tăng 2,2 điểm phần trăm và 2,3 điểm phần trăm.

Lợi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ chưa bao giờ tăng cao như vậy kể từ đầu năm 2011. Lợi suất thực cũng tăng vọt. Trong năm qua, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, được điều chỉnh theo lạm phát, tăng từ mức âm 1% lên hơn 1,5%.

Chắc chắn, các mức lãi suất cao hơn gây mất ổn định các tài sản khác. Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc năm 2022 với điểm số nằm sâu dưới mức đỉnh nhưng mức định giá vẫn còn cao.

Giá bitcoin, đồng tiền ảo có vốn hóa lớn nhất, đã giảm từ 65.000 đô la Mỹ vào cuối năm 2021, xuống còn quanh mức 16.600 đô la hiện nay. Cú sụp đổ giá cả của các tài sản rủi ro hiện nay là do sự thịnh vượng giả tạo được tạo ra trong các thời kỳ thanh khoản dồi dào, giúp giới đầu tư đổ xô mua các tài sản này.

Tuy nhiên, khi thanh khoản bị rút ra khỏi các doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế, mức định giá của các tài sản đó sẽ suy giảm mạnh. Sàn giao dịch tiền ảo FTX, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ là một ví dụ điển hình. Sau khi đạt đỉnh quanh mức giá 78 đô la Mỹ, FTT, token của sàn FTX, hiện nay chỉ giao dịch ở mức trên 0,8 đô la Mỹ.

Triển vọng của các tài sản rủi ro trong năm 2023 vẫn không chắc chắn. Ngoài các căng thẳng địa chính trị và khủng hoảng năng lượng, những hoài nghi lớn nhất liên quan đến diễn biến của lạm phát và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trong tương lai. Nếu lạm phát nhanh chóng giảm xuống, chính sách tiền tệ có thể sẽ nới lỏng ở các nền kinh tế lớn trước cuối năm nay. Nếu điều đó không xảy ra, lãi suất vẫn sẽ được duy trì ở mức cao.

Lãi suất cao sẽ gây ra những tổn thương vì điều này khiến chi phí trả nợ trở nên đắt đỏ hơn. Với triển vọng lãi suất không chắc chắn, tình trạng hỗn loạn của thị trường cũng có khả năng kéo dài trong năm tới. Tất cả những điều này có thể làm chấn động những tài sản được mua quá mức và làm tăng khả năng vỡ nợ.

Nếu lãi suất tăng hơn nữa, nguy cơ vỡ nợ của các nền kinh tế yếu kém sẽ cao hơn. Các dự án đầu tư mạo hiểm, sử dụng đòn bẩy tài chính cao cũng sẽ chịu áp lực ở các nước giàu.

Nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter lập luận rằng suy thoái kinh tế gây ra “sự phá hủy sáng tạo” (creative destruction) để loại bỏ các ngành công nghiệp lỗi thời và tạo ra các ngành công nghiệp mới có tiềm năng phát triển. Chi phí vay đắt đỏ nhắc nhở mọi người rằng sử dụng đòn bẩy tài chính không bao giờ là quyết định đặt cược chắc thắng.

Điều vẫn chưa rõ trong dài hạn là liệu kỷ nguyên tiền rẻ đang tạm thời bị gián đoạn hay sẽ kết thúc vĩnh viễn. Một số nhà kinh tế, đáng chú ý là Charles Goodhart, cựu quan chức BoE, và Manoj Pradhan, nhà sáng lập Công ty tư vấn Talking Heads Macroeconomics, lập luận rằng sự thay đổi nhân khẩu học, với các xã hội ngày càng già hóa, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động, đẩy lạm phát và lãi suất lên cao hơn trong dài hạn.

Ngược lại, Olivier Blanchard, cựu nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng sau khi cú sốc lạm phát hiện tại qua đi, các yếu tố như mức tiết kiệm cao khi dân số già hóa, đầu tư thấp, vốn đã tạo ra lãi suất thực tế thấp đối với tài sản an toàn trước đây, sẽ tiếp tục thống trị.

Tốc độ lạm phát tăng chậm lại và lãi suất thực tế cao như thế nào trong thời gian tới sẽ định hình các thị trường trong tương lai. Tuy nhiên, đây là thời điểm của lãi suất cao và rủi ro tài sản bị định giá lại. Điều đó vừa gây ra nguy hiểm nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới