Ký tên lên tranh là thiếu tôn trọng quyền tác giả
Thanh Nhã
(TBKTSG Online) - Có hai quyền liên quan đến chuyện mua tranh: quyền sở hữu và quyền tác giả, trong đó quyền tác giả với nội dung tác phẩm là bất khả xâm phạm.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ký tên lên tranh và bức ảnh này được cộng đồng mạng chia sẻ với nhiều luận bàn trái chiều. Ảnh: news.zing.vn |
Tuần qua cộng đồng mạng "nổi sóng" trước câu chuyện một người bỏ 200 triệu đồng mua bức tranh của một họa sĩ nổi tiếng. Số tiền bán tranh ấy giúp hai nghệ sĩ điện ảnh có thêm cơ hội chống chọi bệnh hiểm nghèo. Người mua tranh đã đề nghị các ca sĩ nổi tiếng ký tên vào bức tranh.
Những ca sĩ thực hiện đề nghị đó với bằng bút lông khổ lớn. Các chữ ký mực xanh đen nổi bật, choáng phần lớn tác phẩm hội họa vẽ đàn ngựa xám trắng… Sự việc trên nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng bằng hai luồng ý kiến tranh cải nảy lửa: Tranh như các vật dụng thông thường, ai mua nó sẽ có toàn quyền định đoạt. Ý kiến khác thì cho rằng tranh là tác phẩm nghệ thuật, ký tên là hành vi vô văn hóa vì ít nhiều đã can thiệp lên nội dung của bức tranh.
Thực ra, mọi hoạt động của đời sống đều được điều chỉnh bằng các quy tắc pháp luật. Bộ luật Dân sự điều chỉnh mọi hành vi đối nhân xử thế của các quan hệ dân sự, đã nêu rõ nguyên tắc pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản và quyền định đoạt với tài sản đó. Nghĩa là, khi ai đó mua một chiếc áo, họ có quyền mặc nó, hoặc biến nó thành giẻ lau.
Nhưng, đối với tác phẩm nghệ thuật, hành vi ký tên lên tranh còn bị điều chỉnh bởi luật pháp về quyền tác giả song song với quyền sở hữu vừa nêu. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là vĩnh viễn đối với tác phẩm nghệ thuật. Người bỏ tiền ra mua tác phẩm nghệ thuật có quyền sở hữu nhưng không có quyền tác giả. Vì vậy, không ai được phép tự ý thay đổi, chỉnh sửa, can thiệp lên nội dung tác phẩm mà chưa có được sự đồng ý của tác giả.
Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, một doanh nghiệp hoạt động sản xuất thiết bị điện tử, âm thanh karaoke đã trân trọng mua bản quyền câu “Tôi yêu tiếng nước tôi” trong ca khúc Tình ca tiếng nước tôi của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Trước đó, doanh nghiệp này đã mua bản quyền bài thơ “Màu tím hoa sim” của cố thi sĩ Hữu Loan với giá 100 triệu đồng. Quyền tác giả của hai tác phẩm được bảo vệ tuyệt đối và được vị chủ doanh nghiệp trân quý như một tài sản văn hóa.
Tiếc thay, người mua tranh nổi đình nổi đám mấy hôm nay và các ca sĩ đã vi phạm nghiêm trọng vào quyền tác giả bằng sự thiếu hiểu biết. Bức tranh là tác phẩm nghệ thuật, nó là thứ duy nhất không có bản sao mang sự sáng tạo của người nghệ sĩ.
Người sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật có thể khởi kiện người mua tranh đã xâm hại tác quyền, nhờ tòa án can thiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hành động này cũng mang tính răn đe cho các hành vi tương tự về sau.