Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kỳ thi quốc gia phải được quán xuyến tốt hơn

Tường Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bước vào ngày thi tốt nghiệp THPT, ở tỉnh Phú Yên, nhiều thí sinh bị mất tập trung vì tiếng loa từ nhà nuôi yến sát bên điểm thi. Hay như tại một số địa phương, vẫn còn trường hợp cảnh sát dùng xe đặc chủng chở thí sinh về nhà lấy giấy tờ trong khi có cách giải quyết đơn giản hơn mà TPHCM đã áp dụng.

  1. Tiếng ồn nhà yến quanh năm không ai phát hiện?

Thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi quốc gia rất quan trọng và cần được xem là việc chung của xã hội lẫn hệ thống chính quyền. Điều này có nghĩa là từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương cấp phường xã đến tận nhà trường phải quán xuyến trước khi kỳ thi diễn ra để bảo đảm môi trường thi tốt nhất cho thí sinh.

Thế nhưng, theo báo Tuổi Trẻ, trong kỳ thi năm nay, một nhà nuôi yến rất gần điểm thi trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn thản nhiên mở bốn chiếc loa với âm lượng rất lớn phát âm thanh dẫn dụ chim yến. Tiếng ồn vang vọng này khiến học sinh mất tập trung khi làm bài thi.

Khi nhận được video ghi lại hình ảnh, âm thanh inh ỏi của nhà yến này, UBND thành phố Tuy Hòa đã phải chỉ đạo khẩn UBND phường cử người đến nơi, yêu cầu tắt loa cho đến khi kết thúc kỳ thi.

Trong khi đó, từ hàng chục năm nay tại Hàn Quốc, cứ đến ngày thi phần nghe môn tiếng Anh của kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia vào giữa tháng 11, máy bay sẽ không được cất cánh và hạ cánh trong vài chục phút, trừ tình huống khẩn cấp.

Quy định này nhằm ngăn tiếng ồn máy bay có thể ảnh hưởng đến thí sinh dự thi ở khu vực gần sân bay. Chính sách cấm bay này của Hàn Quốc được áp dụng thống nhất thông qua sự phối hợp giữa các bộ Giáo dục, Giao thông đến chính quyền địa phương.

Trở lại cây chuyện nhà yến, có mấy vấn đề liên quan đến quản lý và quán xuyến. Nếu quán xuyến tốt thì trước khi kỳ thi diễn ra, ngành giáo dục và chính quyền địa phương phải rà soát và phát hiện nhà yến này đang gây ồn để yêu cầu tắt loa trong ngày thi.

Như vậy vẫn chưa đủ và chưa hết trách nhiệm. Cái gốc vấn đề là nhà yến này gây ồn cho trường học và khu dân cư chung quanh. Tại sao học sinh và giáo viên buộc phải chịu đựng tiếng ồn triền miên, ảnh hưởng đến môi trường học tập trong khi đã có quy định cấm nuôi yến trong khu dân cư?

2. Không cần lấy giấy tờ khi quên, cách làm nhân văn

Với một kỳ thi căng thẳng như thi tốt nghiệp THPT, việc thí sinh thức khuya ôn bài rồi sáng có thể dậy trễ dẫn đến vội vàng quên giấy tờ như căn cước, thẻ dự thi là điều khó tránh khỏi, năm nào cũng xảy ra.

Có thí sinh vì phải quay về lấy giấy tờ rồi bị trễ giờ thi dù đúng là lỗi hoàn toàn của thí sinh nhưng thật đáng tiếc khi các em bị đánh rớt, phải chờ một năm sau mới được thi lại.

Một số thí sinh may mắn hơn thì được cảnh sát giao thông dùng xe đặc chủng chở về nhà lấy giấy tờ và quay lại điểm thi kịp giờ.

Trong khi đó, vẫn có cách làm khác, linh hoạt mà vẫn bảo đảm quy chế như cách làm của Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM. Trong kỳ thi năm nay, trường hợp thí sinh quên giấy tờ, quên thẻ dự thi, các em có thể vào trình bày với trưởng điểm thi để được giải quyết. Theo Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM, việc chạy về lấy giấy tờ sẽ gây ra tâm trạng căng thẳng, áp lực không đáng có khiến các em không thể làm tốt bài thi(*).

Cách làm của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vừa linh hoạt vừa nhân văn vì ngoài ảnh hưởng tâm lý làm bài, việc quay về lấy giấy tờ có thể khiến cả phụ huynh lẫn thí sinh hoảng hốt, chạy xe bị tai nạn hay tệ hơn nữa là trễ giờ thi, bị đánh rớt.

Trong khi đó, việc hậu kiểm giấy tờ lại rất đơn giản, khi phát hiện quên giấy tờ, thí sinh liên hệ ngay với phụ huynh để mang giấy tờ đến vào cuối giờ thi. Sau khi thi xong, thí sinh mang giấy tờ vào để kiểm tra là xong.

Thiết nghĩ cách làm này của TPHCM nên được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào quy chế thi để bắt buộc áp dụng chung trên cả nước thay vì dừng lại ở mức độ một vài địa phương, tránh cho thí sinh phải rơi những giọt nước mắt mùa thi oan uổng và tội nghiệp.

----------------------

(*) https://nld.com.vn/giam-doc-so-gd-dt-tp-hcm-neu-quen-giay-to-thi-sinh-khong-can-ve-lay-19624062612551104.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Học hành – Thi cử. Là chu trình tự nhiên trong quá trình trưởng thành của con trẻ. Có thử thách, có vượt khó thì các con mới có cơ hội thành người chững chạc, đàng hoàng. Người lớn không nên lúc thì quá hữu/ lúc thì quá tả, trong câu chuyện này. Hãy để con cái của chúng ta thực sự học hành hồn nhiên, vui vẻ, tự tin.

  2. Áp lực. Không chỉ là chuyện tự nhiên trong học hành thi cử, mà cả trong cuộc sống đời người cũng vậy. Có hai điều quan trọng nhất, một là hiểu biết về áp lực, hai là cách thức để vượt qua áp lực. Lâu nay người lớn không tập trung nhiều vào câu chuyện giáo dục, để thấu hiểu và dạy dỗ con trẻ về hai điều này. Trong khi đó, lại tạo ra nhiều thứ “ngoài lề”, gây thêm áp lực rất vô cớ cho chuyện học hành của con em. Từ chuyện học thêm, sách giáo khoa, trường chuyên lớp chọn, trường quốc tế, chạy trường chạy lớp, học công học tư… Trả lại tên cho em. Trả lại chuyện học hành đàng hoàng cho con trẻ, là việc cần phải làm sớm, đến nơi đến chốn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới