Kỹ thuật chăm sóc bề mặt sơn xe qua hình
Nhật Minh (*)
(TBKTSG Online) - Bề mặt sơn xe chịu nhiều tác động từ thời tiết cho đến các yếu tố ngoại cảnh khác, sau một thời gian nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ mất độ bóng do bề mặt sơn bị bám các chất như bụi sơn, nhựa cây, phân chim, nhựa đường…
>> Chăm sóc nhanh bề mặt sơn xe
Kiểm tra độ bóng của xe dưới ánh sáng mặt trời |
Để phục hồi lại độ bóng và bảo vệ bề mặt sơn có hai phương pháp. Phương pháp đánh bóng và bảo vệ bề mặt sơn bằng máy và phương pháp bằng tay.
Dưới đây là hướng dẫn chăm sóc bằng máy:
1. Chuẩn bị dụng cụ và hóa chất:
Máy đánh bóng, tốt nhất là máy Flex, tuy nhiên ở Việt nam loại máy dùng khá tốt là Makita (có 6 tốc độ); bản mousse đánh bóng bước 1; bản mousse đánh bóng bước 2 và 3; hóa chất đánh bóng bước 1 (abravive polish paste); hóa chất đánh bóng bước 2 (car polish); hóa chất bảo vệ bước 3 (wax); khăn siêu sợi chuyên dùng (micro fiber); bộ tẩy sơn (gồm đất sét chuyên dụng và dung dịch tẩy chuyên dùng - spray&clay); dung dịch tẩy nhựa đường (tar remover); dung dịch làm sạch khe kẽ chuyên dùng (fallout cleaner); xà phòng rửa xe (gloss shampoo).
2. Tiến hành:
- Bước 1: Rửa xe, pha gloss shampoo theo tỷ lệ chuẩn, rửa sạch xe đúng phương pháp.
- Bước 2: Tẩy bụi sơn trên bề mặt, sử dụng bộ tẩy sơn.
- Bước 3: Tẩy nhựa đường.
- Bước 4: Làm sạch khe kẽ trên bề mặt sơn.
- Bước 5 (đánh bóng bước 1): Bước này nhằm mục đích xóa các vết xước và tạo một ít bóng cho sơn. Kiểm tra máy, lắp bản đánh bóng bước 1, bôi hóa chất làm phẳng và tạo bóng (abrasive paste) lên bề mặt sơn cần đánh. Đặt máy áp bề mặt bản đánh bóng lên trên bề mặt cần đánh bóng bật máy ở vòng tua 600-800 vòng/phút. Đưa máy theo đường từ phải qua trái, từ trên xuống dưới. Luôn đưa máy sao cho bề mặt cả bản đánh bóng áp đều lên mặt sơn. Khi chất đánh bóng bắt đầu khô, tắt máy dùng khăn siêu sợi lau sạch chất đánh bóng còn sót lại. Lặp lại qui trình như vậy cho cả xe.
Bước 6 (đánh bóng bước 2): Bước này xóa các quầng xước do bước 5 tạo ra làm cho mặt sơn bóng thực sự như mới. Thay mousse đánh bóng bước 2 vào máy đánh bóng, bôi hóa chất đánh bóng bước 2 (car polish) lên bề mặt sơn tương tự như bước 1. Dùng máy đánh tương tự như cách đánh bóng bước 1 cho đến khi chất đánh bóng gần khô trên bề mặt sơn. Dùng khăn siêu sợi lau sạch bề mặt sơn. Lặp lại qui trình cho tới khi đánh bóng xong toàn bộ bề mặt sơn.
Bước 7 (đánh bóng bước 3): Wax bảo vệ bề mặt sơn. Đây là bước quan trọng nhất để bảo vệ bề mặt sơn và độ bóng của sơn. Phương pháp tương tự như bước 5 và bước 6.
Rửa lại xe bằng nước và gloss shapoo cho hết các chất đánh bóng còn sót lại ở khe kẽ
Lau khô bằng khăn siêu sợi chuyên dùng
Lưu ý: Tất cả các dụng cụ, hóa chất càng danh tiếng càng tốt. Đặc biệt các hóa chất được các hãng sản xuất ô tô danh tiếng khuyên dùng.
Tốc độ máy không được quá 1200 vòng/phút. Không để máy ở một vị trí trên mặt sơn khi đang quay. Trong quá trình đánh bóng cần lưu ý các đường gờ nổi trên bề mặt sơn và các mép sơn là những vị trí sơn rất mỏng. Khi đánh không được tỳ mạnh, đánh lâu ở những vị trí trên tránh làm bay sơn.
Sau khi đánh bóng xong kiểm tra bằng đèn cao áp hoặc dưới ánh sáng mặt trời nếu phần nào chưa đạt yêu cầu cần đánh lại.
Tiêu chuẩn bề mặt sơn sau đánh bóng: bề mặt sơn căng mọng, trong suốt, không quầng, các vết xước hết hoặc chìm, các bóng in dưới bề mặt sơn phải cực kỳ sắc nét. Sờ tay trên bề mặt sơn phải mát lạnh, trơn láng. Đổ nước lên bề mặt sơn, nước tụ lại thành hạt càng tròn càng tốt.
Khi nào cần đánh bóng: Khi nào bề mặt sơn mất bóng, nhiều vết xước, dưới ánh nắng bề mặt sơn đầy quầng nham nhở.
Nếu rửa, đánh bóng, wax bằng hóa chất tốt, không phủ bạt có thể giữ độ bóng từ 9 tháng tới 1 năm hoặc hơn. Nếu rửa không đúng cách, lau bụi khô, chùm bạt chỉ giữ độ bóng từ 1 đến 3 tuần.
____________________
(*) Công ty Nhật Vũ - hiện là nhà phân phối chính thức các sản phẩm cho hãng Sonax tại Việt Nam